Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 36, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về đi làm thêm từ năm nhất, bị run khi thuyết trình, cách học từ vựng Tiếng Anh và chuyện hối tiếc khi sắp tốt nghiệp.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 35) – Phím tắt trong Word, bị đuổi học
1. Sinh viên có nên đi làm thêm ngay từ năm nhất không?
Sinh viên năm nhất vừa đỗ đại học xong thường sẽ rất hào hứng, đặt cho mình rất nhiều mục tiêu, lập ra nhiều kế hoạch, dự định cho 4 năm đại học, trong đó thường sẽ có việc đi làm thêm. Mục tiêu quan trọng nhất của sinh viên là học tập, sao cho đạt kết quả tốt, nắm vững kiến thức chuyên ngành. Năm 1 sẽ cung cấp các kiến thức nền tảng quan trọng, sinh viên cần tập trung cao độ.
Nếu muốn học hỏi, trải nghiệm từ chuyện đi làm thêm, sinh viên nên chờ tới năm 2, còn năm 1 vẫn nên tập trung thời gian cho chuyện học tập, nhất là khi các em còn chưa quen với các học ở đại học. Nếu hoàn cảnh gia đình khó khăn, bắt buộc sinh viên phải đi làm thêm từ năm 1, thì các em cần cân đối thời gian cho hợp lý, tránh việc mải mê làm thêm kiếm tiền rồi lơ là việc học, khiến kết quả học sa sút.
2. Sinh viên bị run khi thuyết trình thì phải làm sao?
Ai cũng có lần đầu thuyết trình, chắc chắn sẽ rất run, lo lắng, bỡ ngỡ và thiếu tự tin khi “lần đầu làm chuyện ấy”. Vậy sinh viên bị run khi thuyết trình trước lớp thì phải làm sao để khắc phục?
- Chuẩn bị nội dung bài nói: Hãy soạn ra nội dung, mình sẽ nói những điều gì, nhấn mạnh những ý nào, đặt câu hỏi tương tác với người nghe ở phần nào, ở đầu làm sao, kết thúc thế nào cho ấn tượng?
- Nhớ từ khoá: Phần 1 có những từ khoá nào, phần 2 có các từ khoá nào,… khi nhớ đến từ khoá đó thì tự nhiên từ ngữ sẽ tuôn trào ra, chứ không bắt buộc mình phải học thuộc từng câu, từng chữ.
- Luyện thuyết trình trước gương: Nhìn mình trong gương, tự thuyết trình một cách to rõ, dõng dạc, rồi tự nhận xét xem có chỗ nào mình nói chưa đúng, chỗ nào còn run, cử chỉ tay, nét mặt, ánh mắt có ổn chưa?
- Tắt bớt đèn: Sử dụng ánh sáng mờ, tắt bớt đèn khi thuyết trình sẽ giúp sinh viên đỡ run, đỡ có cảm giác mọi người đang nhìn mình, và cũng giúp các bạn khác thấy rõ nội dung slide hơn.
- Nhìn vào cuối lớp: Có một mẹo nhỏ để sinh viên hạn chế bị run chính là hãy nhìn thẳng vào bạn cuối lớp khi thuyết trình, nhưng lâu lâu mình cũng cần linh hoạt tương tác với các bạn khác nữa nhé.
- Đừng ngại quay sang nhìn slide: Nội dung trên slide sẽ nhắc bài cho mình mỗi khi bị đơ, bị khớp, quên mất cần nói gì, lâu lâu quay sang nhìn slide cũng không sao, mà nó cũng giúp sinh viên đỡ run hơn.
>> 5 lỗi sai phổ biến khi sinh viên thuyết trình nhóm ở đại học
3. Cách học từ vựng Tiếng Anh hiệu quả cho sinh viên
Lương khởi điểm khi mới ra trường của người giỏi tiếng Anh sẽ không dưới 10 triệu. Để có thể sử dụng thành thạo Tiếng Anh thì mấu chốt hàng đầu chính là từ vựng. Vậy làm sao để học từ vựng hiệu quả?
- Học các từ vựng ở quanh ta: Hãy bắt đầu từ những vật dụng quen thuộc xung quanh mình, cái quạt trần, cái nệm, ra trải giường, rèm cửa, bình hoa, viên phấn, túi xách, thắt lưng,… tiếng Anh là gì nhỉ?
- Học từ vựng theo chủ đề: Các chủ đề cơ bản như trái cây, thức ăn, nước uống, trang phục, chỉ đường, nghề nghiệp, vật dụng trong nhà, trường học, công sở,… là ý tưởng tốt để bắt đầu học từ vựng.
- Học từ vựng thông dụng: Có khoảng 3000 từ vựng thông dụng thường gặp khi giao tiếp Tiếng Anh. Vì thường xuyên được sử dụng nên sinh viên cũng dễ đem ra thực hành, dễ thuộc, dễ nhớ.
- Vừa học vừa ứng dụng: Học xong từ nào thì phải đưa nó vào ví dụ thực tế liền, đặt câu với từ vựng đó, đưa vào giao tiếp hàng ngày, sẽ giúp việc học từ vựng Tiếng Anh phát huy hiệu quả tốt nhất.
4. Đừng để sắp tốt nghiệp lại hối tiếc vì 4 năm đại học không cố gắng
Nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp đang lo lắng, hối tiếc vì 4 năm đại học đã không cố gắng, chuyên tâm học hành, bây giờ sắp ra trường cảm thấy thua kém bạn bè rất nhiều, sợ không tìm được việc làm,… Lúc đó không còn cách nào khác ngoài việc phải bắt đầu từ những công việc lương thấp, vừa làm vừa học hỏi thêm, chứ khó lòng apply các công việc lương cao, ở các công ty lớn. Nếu các em đang đọc bài này khi ở cuối năm 3 và cảm thấy hình bóng mình trong câu chuyện ấy thì hãy gấp rút thay đổi, để lúc sắp tốt nghiệp mình sẽ vững kiến thức hơn, có một khởi đầu tốt đẹp hơn.
Còn nếu các em chỉ mới ở năm 1, năm 2, thì đừng lơ là việc học nhé, hãy học hành chăm chỉ, nghiêm túc, không phải tự dưng mà mình phải ngồi ở giảng đường đại học 4 năm rồi mới được đi làm đâu. Để mở rộng cơ hội việc làm khi ra trường, sinh viên cần nắm vững kiến thức chuyên ngành, thành thạo các kỹ năng mềm liên quan tới công việc, đó là hành trang mà các em cần trau dồi trong 4 năm đại học. Hãy dành thời gian để trau dồi kiến thức, kỹ năng, giúp mình tiến bộ hơn, nâng cao năng lực, tích luỹ đủ hành trang để cạnh tranh việc làm, đừng để sắp tốt nghiệp lại hối tiếc vì 4 năm đại học không cố gắng.
Cẩm nang sinh viên tập 36 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện đi làm thêm từ năm nhất, bị run khi thuyết trình, cách học từ vựng Tiếng Anh và chuyện hối tiếc khi sắp tốt nghiệp. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 34) – TOEIC 500, học tốt môn tính toán
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.