Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 50, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về thắc mắc khi mới lên đại học, sinh hoạt công dân, CLB/Đoàn/Hội và đi làm thêm ngày lễ Tết.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 49) – Ban nhân sự, gắn kết khi teamwork
1. Giải đáp 6 thắc mắc của tân sinh viên khi mới lên đại học
1. Học đại học có khó không? – Khi so sánh với cấp 3, thì lên đại học sẽ khó hơn, các môn học sẽ phức tạp, khối lượng kiến thức lớn và đào sâu theo từng chuyên ngành, nếu sinh viên lơ là sẽ có rủi ro bị rớt môn.
2. Làm sao để chọn ngành phù hợp? – Các em muốn sau này sẽ làm công việc gì, việc đó yêu cầu tốt nghiệp các ngành nào, từ đó, sinh viên sẽ chọn ra xem mình thích ngành nào, phù hợp với ngành nào nhất.
3. Sinh viên lên đại học sẽ học những môn gì? – Mỗi ngành sẽ có chương trình học riêng, các môn gắn liền với ngành, cung cấp kiến thức để ứng dụng khi đi làm. Cụ thể sinh viên cần tham khảo chương trình đào tạo của mình.
4. Làm thế nào để quen với bạn mới? – Các bạn ấy cũng đều có nhu cầu làm quen kết bạn rất cao, tân sinh viên mới lên đại học chỉ cần thoải mái bắt chuyện, từ các chủ đề thân thuộc như học tập, ăn uống, sở thích…
5. Sinh viên nên tham gia CLB nào? – Sinh viên thường vào các CLB liên quan tới ngành học, như CLB Tài chính, Marketing, Nhân sự,… nhưng cũng có 1 số CLB về sở thích khá thú vị, các em có thể cân nhắc.
6. Có nên đi làm thêm ngay từ năm nhất? – Sinh viên năm 1 mới lên đại học có thể đi làm thêm, nhưng lưu ý cân đối thời gian hợp lý, tránh để ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập, nên ưu tiên công việc linh hoạt thời gian, làm xoay ca.
2. Sinh hoạt công dân đầu khoá kéo dài bao lâu, mấy buổi?
Khi tham gia SHCD, sinh viên sẽ lắng nghe những thông báo, tin tức, cập nhật các quy định quan trọng về chương trình học, các đổi mới trong quy chế đào tạo và các lưu ý riêng cho từng khối lớp. Tuần sinh hoạt công dân là hoạt động mang tính bắt buộc, có điểm danh, có làm bài thu hoạch SHCD để tính điểm và cộng vào điểm rèn luyện, nên toàn bộ sinh viên cần phải nghiêm túc tham gia đầy đủ.
Tuần SHCD thường kéo dài khoảng 6-8 buổi, chia đều trong suốt cả tuần, có thể nhiều hoặc ít buổi hơn tuỳ theo quy định của từng trường, từng năm học, và khối lượng nội dung nhà trường cần truyền tải. Mỗi buổi SHCD thường có độ dài tương tự 1 buổi học thông thường, tức là sẽ kéo dài trong khoảng từ 3-4 tiếng, xem như trung bình sẽ khoảng 3 tiếng rưỡi, bao gồm luôn cả thời gian nghỉ giải lao giữa buổi. Buổi sáng thường sẽ từ 7h30 tới 11h, buổi trưa thường sẽ từ 13h tới 16h30, buổi tối thường sẽ từ 17h30 tới 21h. Nếu phát sinh phần hỏi đáp quá nhiều, thì thời gian buổi SHCD có thể kéo dài thêm tầm 30 phút. Lịch SHCD thường được nhà trường báo trước khoảng 1 tháng, hoặc chậm nhất là 2-3 tuần trước khi bắt đầu, sinh viên cần theo dõi, cập nhật thông báo chính thức của trường để nắm được lịch cụ thể.
>> Sinh viên lên đại học có phải học buổi tối không?
3. Tham gia Câu Lạc Bộ/Đoàn/Hội hay đi làm thêm?
Nên tham gia CLB/Đội/Nhóm/Đoàn/Hội không? – Câu trả lời là có, sinh viên sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp, mở rộng mối quan hệ, học hỏi được nhiều kiến thức và kỹ năng mềm hữu ích cho bản thân.
Có nên đi làm thêm không? – Đi làm thêm cũng là 1 điều sinh viên nên trải qua, giúp các em được cọ xát nhiều hơn, vững vàng hơn, làm quen áp lực công việc và cũng tích luỹ được nhiều hành trang hữu ích.
Em sợ không cân đối được thời gian cho cả 2 thì sao? – Sinh viên có thể tham gia lần lượt, năm 1-2 tham gia CLB/Đoàn/Hội, năm 3-4 mới bắt đầu đi làm thêm, miễn sao không ảnh hưởng tới việc học.
4. Đi làm thêm ngày lễ Tết, lương nhân 3 hay nhân 4?
Nghe đồn rằng đi làm ngày Lễ Tết thì lương cao lắm, sẽ được nhân lương gấp mấy lần so với ngày thường, nên không ít sinh viên đã tranh thủ chọn lịch làm thêm trùng với những ngày Lễ Tết. Đây là thông tin chính xác 100%, tức là sinh viên sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu lịch làm thêm trùng vào ngày Lễ Tết. Sinh viên cần nắm được danh sách các ngày lễ này để đảm bảo quyền lợi cho mình. Có 11 ngày lễ Tết được nhân lương, bao gồm: Tết dương lịch (1 ngày), Tết âm lịch (5 ngày), Giỗ tổ Hùng Vương (1 ngày), Giải phóng Miền Nam (1 ngày), Quốc tế lao động (1 ngày), Quốc khánh (2 ngày).
Theo quy định của Luật Lao Động, người lao động đi làm vào 11 ngày Lễ Tết nêu trên sẽ được trả lương ít nhất 300%, tức là ít nhất sẽ nhân 3 lần so với mức lương của ngày làm việc bình thường. Nếu sinh viên đi làm thêm full time có ký hợp đồng lao động, sẽ được thêm 1 quyền lợi nữa, là được nghỉ hưởng nguyên lương trong 11 ngày lễ Tết đó, nếu không nghỉ mà đi làm thì được tối thiểu 400% lương. Tóm lại, sinh viên đi làm thêm trùng với 11 ngày lễ Tết nêu trên, thì lương tối thiểu sẽ x3 nếu chỉ đi làm thêm part time, và sẽ x4 nếu sinh viên đi làm thêm full time và có ký hợp đồng lao động từ đầu.
Cẩm nang sinh viên tập 50 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện thắc mắc khi mới lên đại học, sinh hoạt công dân, CLB/Đoàn/Hội và đi làm thêm ngày lễ Tết. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 48) – Lười làm bài tập, mang gì đi học?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.