Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 59, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về nhút nhát, thiếu tự tin, thua kém bạn bè, cách sử dụng Chat GPT để học tốt và trình bày hoạt động ngoại khoá trong CV thế nào?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 57) – Không có đam mê, bảo lưu học tập
1. Sinh viên nhút nhát, thiếu tự tin thì phải làm sao?
Không phải sinh viên nào cũng tự tin giao tiếp, phát biếu, thuyết trình, nhất là với tân sinh viên, nếu các em đang cảm thấy mình còn khá nhút nhát, thiếu tự tin thì phải làm sao để thay đổi điều đó?
- Gạt bỏ suy nghĩ tự ti về bản thân: Bất kỳ ai cũng đều có những ưu & nhược điểm riêng, hãy mạnh dạn đối mặt và khắc phục những điều mình còn đang thiếu sót để hoàn thiện bản thân và tự tin hơn.
- Trau dồi và phát triển bản thân: Một điều quan trọng giúp sinh viên tự tin hơn chính là phải trau dồi năng lực, học hỏi, phát triển bản thân, trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình.
- Đạt kết quả học tập tốt: Sinh viên hãy tập trung và cố gắng học tập, để mang về kết quả tốt, nắm vững kiến thức chuyên ngành, thì tự dưng các em sẽ tự tin hơn về bản thân.
- Học hỏi từ những người tự tin: Đó có thể là bạn cùng lớp, thầy cô, anh chị khoá trên, hãy quan sát xem họ có những điểm chung nào, tự tin ra sao, rồi tự rút kinh nghiệm để mình học hỏi thêm.
- Thực hành giao tiếp, thuyết trình: Có thể hiện tại các em đang thiếu tự tin, nhưng hãy mạnh dạn thử sức, thường xuyên thực hành giao tiếp, thuyết trình, dần dần thì các em sẽ tự tin hơn, sẽ có kỹ năng giao tiếp & thuyết trình tốt hơn.
2. Cách sử dụng Chat GPT để sinh viên học tốt hơn
Hầu như tất cả kho tàng kiến thức, thông tin, tin tức trên toàn cầu đều đã được Chat GPT lưu trữ & cập nhật liên tục, hỏi đáp với độ chính xác tới 90%. Vậy sinh viên có thể dùng Chat GPT thế nào trong học tập? Nếu có những kiến thức mà sinh viên còn mơ hồ, chưa nắm rõ, ngại hỏi bạn bè, giảng viên, thì chỉ cần đặt câu hỏi cho Chat GPT sẽ được trả lời cụ thể ngay, đi đúng vào vấn đề mà mình cần giải đáp. Nếu muốn chi tiết hơn về cách vận dụng kiến thức, sinh viên chỉ cần yêu cầu Chat GPT kèm theo các dẫn chứng, ví dụ minh hoạ rõ ràng, cụ thể, sẽ được giải đáp ngay, bất kể đó là các kiến thức phức tạp.
Trong quá trình ôn lại kiến thức môn học, sinh viên cũng có thể yêu cầu Chat GPT đưa ra một số câu hỏi ngẫu nhiên để giúp kiểm tra kiến thức, yên tâm rằng mình đã hiểu bài, tự tin bước vào phòng thi. Ngoài ra, trong lúc làm bài thuyết trình, tiểu luận ở đại học, Chat GPT cũng chính là công cụ đắc lực để giúp sinh viên tìm kiếm, xử lý thông tin và hoàn chỉnh bài làm một cách thuận tiện nhất. Tất nhiên, sinh viên cũng cần lưu ý hãy sử dụng Chat GPT một cách thông minh, đúng lúc, đúng chỗ, dùng một cách chừng mực, tránh việc lạm dụng quá nhiều, phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ này.
>> Không tự tin vào ngoại hình của mình thì phải làm sao?
3. Thất vọng khi học dốt, thua kém bạn bè thì phải làm sao?
Nếu liên tục có kết quả học không tốt, bị gắn mác “học dốt”, thì chắc chắn sinh viên sẽ rất buồn, thiếu tự tin và thất vọng về bản thân, nhất là các bạn năm cuối, sắp ra trường mà học lực chỉ ở mức trung bình. Bên cạnh áp lực học tập, thì sinh viên ngày nay, đặc biệt là gen Z, thường sẽ cực kỳ quan tâm đến năng lực bản thân và sẽ dễ bị thất vọng, thiếu tự tin khi thấy bản thân mình thua kém bạn bè đồng trang lứa. Khi thấy xung quanh có nhiều bạn giỏi, vững kiến thức hơn, thạo nhiều kỹ năng mềm, năng động, sáng tạo, trưởng thành hơn, sẽ dễ chạm tới lòng tự ái và khiến sinh viên thiếu tự tin, thất vọng về bản thân.
Không có ai tự nhiên mà giỏi, mọi người đều phải trải qua 1 quá trình không ngừng nỗ lực, chăm chỉ học hỏi, cố gắng, rèn giũa bản thân, khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh, thì mới ngày càng tiến bộ. Đừng tự ti khi thấy mình học dốt, thua kém bạn bè, mà hãy lấy họ làm mục tiêu, động lực, để cố gắng phấn đấu, yếu ở đâu khắc phục ở đó, thiếu chỗ nào thì trau dồi thêm chỗ đó, thì mình sẽ dần tiến bộ.
4. Trình bày hoạt động ngoại khoá trong CV như thế nào?
Bên cạnh việc học, sinh viên có thể tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá như sinh hoạt CLB/Đội/Nhóm, tham gia các cuộc thi, phong trào, tình nguyện, sự kiện, văn nghệ, hội thảo, Mùa Hè Xanh,… Tích cực tham gia hoạt động ngoại khoá giúp sinh viên mới ra trường tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, rằng mình là người năng động, chủ động tham gia nhiều hoạt động để học hỏi, phát triển bản thân. Hoạt động ngoại khoá giúp sinh viên rèn luyện được nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm, giúp các em thuyết phục nhà tuyển dụng rằng mình thật sự thành thạo các kỹ năng ấy.
Khi chưa có kinh nghiệm làm việc, sinh viên ra trường viết CV có thể thay thế bằng các hoạt động ngoại khoá, lưu ý đảm bảo sự ngắn gọn, chọn lọc các hoạt động nổi trội, có thành tích cao. Hoạt động nào gần đây nhất sẽ liệt kê ở trên cùng, bên cạnh việc nêu tên các hoạt động, sinh viên nên lồng ghép rằng mình đã đạt thành tích gì, tích cực hoạt động ra sao, học hỏi được những gì, ví dụ như:
Chiến dịch Mùa Hè Xanh (07/2023)
- Tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn;
- Tổ chức trò chơi và dạy học cho em nhỏ;
- Được trao giấy chứng nhận Chiến sĩ Mùa Hè Xanh tích cực.
Cuộc thi Thử tài Marketing (02/2023)
- Giấy chứng nhận giải nhì chung cuộc;
- Giải phụ thí sinh có ý tưởng sáng tạo;
- Giấy khen từ trưởng khoa Marketing vì thành tích tốt trong cuộc thi học thuật.
Cẩm nang sinh viên tập 59 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện nhút nhát, thiếu tự tin, thua kém bạn bè, cách sử dụng Chat GPT để học tốt và trình bày hoạt động ngoại khoá trong CV thế nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 58) – Xác nhận thực tập, nhiều giấy khen để làm gì?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.