Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 7, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về điểm rèn luyện, ban cán sự lớp, mẫu email xin việc và tác hại khi lười biếng.
>> Cẩm nang sinh viên (tập 6) – Thuyết trình nhóm, mặc gì khi đi học?
1. Điểm rèn luyện có ảnh hưởng tới học lực không?
Tân sinh viên thường thắc mắc rằng vì sao phải cố gắng để đạt điểm rèn luyện cao, nó sẽ liên quan thế nào đến quyền lợi của mình, điểm rèn luyện có ảnh hưởng tới học lực và xếp loại tốt nghiệp không? Nhiều sinh viên tưởng điểm rèn luyện chính là hạnh kiểm, rồi tự mặc định rằng nếu GPA loại giỏi, nhưng điểm rèn luyện loại khá, thì sẽ kéo học lực xuống khá. Đây là quan điểm không chính xác.
Điểm rèn luyện liên quan tới việc xét học bổng khuyến khích học tập, xét danh hiệu sinh viên 5 tốt, nhưng điểm rèn luyện sẽ không ảnh hưởng gì tới học lực trong từng học kỳ của sinh viên. Tuy nhiên, đối với xếp loại tốt nghiệp khi ra trường, thì các trường đại học có thể ràng buộc thêm điều kiện về điểm rèn luyện, rằng sinh viên muốn tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, thì điểm rèn luyện tối thiểu phải đạt từ mức khá trở lên. Chuyện ràng buộc điểm rèn luyện với xếp loại tốt nghiệp là điều không bắt buộc, nó sẽ phụ thuộc vào quy chế của mỗi trường. Để nắm bắt thông tin chính xác nhất, sinh viên cần tham khảo thông báo chính thức từ trường mình đang học.
2. Ban cán sự lớp ở đại học có các chức vụ nào?
Lớp trưởng: Là ban cán sự chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động học tập, phong trào của lớp, là trung gian giữa nhà trường và sinh viên, thông báo những thông tin quan trọng và ghi nhận những góp ý mà sinh viên muốn gửi tới nhà trường.
Lớp phó: San sẻ công việc, hỗ trợ lớp trưởng trong tất cả đầu việc quan trọng, tránh để lớp trưởng cảm thấy bị quá tải. Hoặc trong những hôm lớp trưởng nghỉ, lớp phó sẽ là ban cán sự thay thế phụ trách toàn bộ nhiệm vụ.
Ban chấp hành Chi Hội: Chi Hội Trưởng, Chi Hội Phó, Uỷ Viên – Tất cả sẽ cùng nhau chịu trách nhiệm về các hoạt động, phong trào, sự kiện từ phía Hội Sinh Viên Trường và Liên Chi Hội Sinh Viên Khoa đưa xuống để triển khai.
Ban chấp hành Chi Đoàn: Bí Thư, Phó Bí Thư, Uỷ Viên – Tất cả sẽ cùng nhau chịu trách nhiệm về các hoạt động, phong trào, sự kiện từ phía Đoàn Trường và Đoàn Khoa đưa xuống để triển khai cho toàn bộ sinh viên trong Chi Đoàn.
3. Những tác hại khôn lường khi bạn lười biếng
1. Kết quả học tập sa sút: Lười làm bài tập, lười ôn bài, thích đi chơi hơn đi học sẽ khiến sinh viên bị điểm kém, thậm chí là rớt môn, không đạt xếp loại tốt nghiệp như mong muốn, và khó tìm được việc làm tốt khi ra trường.
2. Kết quả làm việc kém: Vừa làm vừa chơi, tám chuyện, làm việc riêng, cứ mong tới giờ về sẽ khiến kết quả làm việc tệ, đình trệ, tồn đọng công việc, trễ deadline, khiến bạn trở thành một nhân viên yếu kém, có khả năng bị sa thải.
3. Dậm chân tại chỗ: Thói quen lười biếng sẽ dần ăn mòn chí cầu tiến, khiến bạn chẳng hề nỗ lực để hoàn thành công việc, luôn đùn đẩy việc cho người khác, rồi cứ dậm chân tại chỗ, đi làm lâu năm mà không được thăng tiến.
4. Bị mờ nhạt: Nếu lười biếng, không cố gắng làm gì cả, thì bạn sẽ trở thành một người mờ nhạt, chẳng có thành tích gì đặc biệt, khiến bạn bị đánh giá thấp về năng lực, vì bạn đâu có chịu trau dồi, phát triển bản thân.
5. Thu nhập thấp: Nếu không chăm chỉ, không cố gắng, sẽ khiến kết quả làm việc của bạn không tốt, chẳng mang lại nhiều giá trị cho công ty, thì phải nhận mức lương thấp, chứ làm sao công ty trả lương cao cho bạn được?
4. Mẫu email xin việc tham khảo cho sinh viên mới ra trường
(Tiêu đề email)
(Họ tên – Vị trí ứng tuyển – Tên công ty)
Nguyễn Văn A – Nhân viên Marketing – Công ty XYZ
(Lời chào trang trọng)
Kính gửi: Phòng Nhân sự Công ty XYZ
(Giới thiệu bản thân & vị trí ứng tuyển)
Em là Nguyễn Văn A, tốt nghiệp loại giỏi ngành Marketing, đại học Kinh tế TP. HCM với điểm trung bình 8,45, kỹ năng tin học, viết lách và quản lý fanpage tốt. Em được biết công ty đang tuyển dụng Nhân viên Marketing, phụ trách viết bài PR và quản lý fanpage, em đã đọc kỹ yêu cầu công việc và thấy mình hoàn toàn phù hợp với vị trí này.
(Show điểm mạnh phù hợp công việc)
Em thực sự mong muốn làm việc và học hỏi nhiều hơn trong lĩnh vực Marketing. Em có các yếu tố phù hợp với công việc như tinh thần trách nhiệm, khả năng học hỏi tốt, chịu áp lực cao, cẩn thận, kiên nhẫn, làm việc nhóm tốt. Bên cạnh đó, em đã được học và thực hành về Marketing qua các môn học nghiên cứu thị trường, quản trị Marketing, hành vi khách hàng, PR, quảng cáo,… Vì thế, em tin rằng mình có thể thích nghi nhanh và hoàn thành tốt công việc.
(Đoạn kết & cảm ơn)
Công ty có thể xem thông tin chi tiết hơn ở CV đính kèm.
Nếu có cơ hội được làm việc tại công ty, em sẽ nỗ lực hết mình để mang lại những kết quả công việc tốt.
Cảm ơn công ty đã dành thời gian đọc hồ sơ của em, mong sớm nhận được phản hồi từ phía công ty.
—
Cẩm nang sinh viên tập 7 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới điểm rèn luyện, ban cán sự lớp, mẫu email xin việc và tác hại khi lười biếng. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (tập 5) – Điểm chuyên cần, rớt môn, nợ môn
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.