Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 70, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về CLB Tiếng Anh, học theo cách mình hiểu, mang gì đi thi cuối kỳ và có nên học vượt vào học kỳ hè không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 69) – Bỏ học đại học, thực tập & thử việc
1. Lợi ích khi sinh viên tham gia CLB Tiếng Anh ở đại học
1. Nắm vững căn bản Tiếng Anh: Dù xuất phát điểm về trình độ khác nhau, khi tham gia CLB Tiếng Anh, sinh viên sẽ được training, học hỏi, tiếp thu nhiều kiến thức để nắm vững căn bản Tiếng Anh.
2. Rèn luyện giao tiếp Tiếng Anh: Muốn giỏi giao tiếp thì phải thường xuyên thực hành, và CLB Tiếng Anh là môi trường rất tốt để sinh viên nói chuyện, thực hành giao tiếp Tiếng Anh với các bạn khác.
3. Mở rộng mối quan hệ: Sinh viên sẽ được làm quen, kết bạn, mở rộng mối quan hệ với những bạn có cùng đam mê về Tiếng Anh, cùng lập nhóm học tập giúp nhau tiến bộ.
4. Trau dồi các kỹ năng mềm hữu ích: Bên cạnh chuyện rèn luyện Tiếng Anh, thì sinh viên tham gia CLB cũng trau dồi được nhiều kỹ năng mềm hữu ích như giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống,…
2. Đừng học thuộc lòng, hãy học theo cách mình hiểu
Khi còn nhỏ thì học thuộc lòng, đọc đi đọc lại nhiều lần để học thuộc, là phương pháp học cực kỳ hữu hiệu, giúp các em ghi nhớ mặt chữ, các câu giao tiếp, ghi nhớ những điều hay lẽ phải… Nhưng khi học lên cao, khối lượng kiến thức ngày càng nhiều & càng phức tạp, đòi hỏi phải tư duy, phân tích và hiểu rõ bản chất kiến thức, thì sinh viên không nên học thuộc lòng nữa.
Nếu không hiểu rõ bản chất kiến thức, mà chỉ lao đầu vào học thuộc lòng thì sinh viên sẽ không thể ghi nhớ lâu, dễ nhầm lẫn các kiến thức & không biết cách ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Chẳng hạn như học từ vựng Tiếng Anh, chúng ta thuộc nhiều từ mới, nhưng sau đó lại quên, vì chỉ học thuộc lòng, ghi nhớ mặt chữ, chứ chưa ứng dụng, chưa thực hành, chưa học theo cách mình hiểu. Đừng học thuộc lòng, hãy học theo cách mình hiểu. Sinh viên hãy tập trung nghe giảng, để hiểu bài & nắm vững các kiến thức trọng tâm, từ đó, sẽ dễ học thuộc và ghi nhớ kiến thức lâu hơn.
>> Nên tham gia CLB nào, làm thêm ở đâu để luyện nói Tiếng Anh?
3. Sinh viên cần mang theo những gì khi đi thi cuối kỳ?
Khi đi thi cuối kỳ, sinh viên cần lưu ý mang theo đầy đủ thẻ sinh viên, CMND, giấy báo dự thi (nếu có), vì đây là những giấy tờ cần thiết mà giám thị sẽ kiểm tra trước khi bước vào phòng thi. Sinh viên cũng cần mang theo đầy đủ dụng cụ làm bài như bút chì, bút bi, thước kẻ, tẩy,… Để chắc ăn thì các em nên mang mỗi loại 2 cái, để gọn trong hộp bút & đảm bảo chúng vẫn còn sử dụng tốt.
Với các môn tính toán, sinh viên cần mang máy tính để tiện cho việc tính toán, lưu ý sử dụng đúng loại máy tính được cho phép, đồng thời, không dán tài liệu hay ghi chú bất kỳ điều gì lên máy tính. Với các môn thi đề mở, sinh viên được quyền mang tài liệu vào phòng thi, nhưng cần chọn lọc các tài liệu thật sự cần thiết & mình đã từng đọc, đừng mang vào quá nhiều vì sẽ bị rối, không biết lật ở đâu. Bên cạnh những vật dụng kể trên, thì sinh viên cũng cần chuẩn bị kiến thức & sự tự tin, hãy mang chúng theo khi đi thi cuối kỳ để mình tự tin làm bài thật tốt, mang về điểm số như mong đợi.
4. Sinh viên có nên học vượt vào học kỳ hè không?
Chương trình đại học thường kéo dài 4 năm, nhưng khi học vượt trước 1 số môn thì sinh viên có thể rút ngắn chương trình xuống còn 3.5 năm, thậm chí là 3 năm, giúp mình được tốt nghiệp sớm hơn. Mỗi năm sẽ có 2 học kỳ chính và 1 học kỳ hè, sinh viên có thể đăng ký học vượt vào tất cả học kỳ, miễn sao các em thấy điều đó nằm trong khả năng của mình. Vậy có nên học vượt vào học kỳ hè không?
Câu trả lời là có. Học vượt vào học kỳ hè là sự lựa chọn khá phổ biến, khi học vượt vào dịp hè, thì sinh viên sẽ đỡ áp lực hơn, không phải đau đầu với các kiến thức phức tạp từ nhiều môn học khác. Chẳng hạn học kỳ chính thường có sẵn 5 môn, học vượt sẽ lên thành 6-7 môn. Học kỳ hè đăng ký học vượt bao nhiêu môn thì chỉ cần học bấy nhiêu môn, sẽ giúp sinh viên dễ thở hơn. Tuy nhiên, một số sinh viên quan ngại rằng khi học vượt vào học kỳ hè thì không có thời gian tham gia các hoạt động khác, như Mùa Hè Xanh, Tiếp sức mùa thi, liệu có nên đánh đổi để học vượt không? Mỗi người sẽ có quan điểm riêng, hãy cân nhắc kỹ để có sự lựa chọn phù hợp nhất với mình.
Cẩm nang sinh viên tập 70 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện CLB Tiếng Anh, học theo cách mình hiểu, mang gì đi thi cuối kỳ và có nên học vượt vào học kỳ hè không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 68) – Đề thi tham khảo, tốt nghiệp xong làm gì?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.