Chào các em, anh là Hoàng Khôi Phạm – Thủ khoa đầu ra ngành Marketing UEH năm 2016. Lúc còn đi học thì anh có ưu điểm là học đều tất cả các môn và đạt 8/8 kỳ học bổng khuyến khích học tập của trường. Chính vì thế, cũng có thể xem như là anh có kha khá kinh nghiệm học hành, ôn thi và đặc biệt là kinh nghiệm làm bài thi khi còn là sinh viên. Hôm nay, anh sẽ chia sẻ cho các em một xíu về chiến lược làm bài thi điểm cao từ kinh nghiệm của chính bản thân anh nhé.
1. Mang đầy đủ vật dụng vào phòng thi
Lưu ý cực kỳ quan trọng luôn nha, để làm bài thi điểm cao thì các em nhớ mang đầy đủ vật dụng vào phòng thi, như thế sẽ tạo cho mình tâm lý an tâm khi làm bài. Đồng thời, tránh được các trường hợp thiếu cái này, thiếu cái kia, phải xin giáo viên đi lấy thêm đồ,… thì sẽ làm mình phân tâm, vội vã, khó lòng làm bài thi điểm cao.
Một số vật dụng sinh viên thường mang vào phòng thi chẳng hạn như là bút chì, bút bi, thước kẻ, tẩy, CMND, thẻ sinh viên, nước uống. Nếu đó là môn tính toán thì đừng quên mang theo máy tính. Hoặc nếu là môn thi đề mở, thì các em nhớ mang đầy đủ tài liệu vào nhé, chứ lỡ đề thi ra ngay trúng phần tài liệu mà mình để quên ở nhà thì thật sự xu cà na luôn đó. À, mang gì thì mang, chứ các em đừng dại dột mang vào phòng thi những thứ bị cấm, chẳng hạn như là điện thoại, phao, bùa,… nhé.
>> Ôn thi học kỳ như thế nào để đạt điểm tốt?
2. Giữ tâm lý bình tĩnh để làm bài thi điểm cao
Sẽ không có chiến lược nào thành công nếu như chúng ta chưa vững tinh thần. Chính vì thế, lưu ý tiếp theo để giúp sinh viên làm bài thi điểm cao chính là hãy giữ tâm lý bình tĩnh. Cho dù môn học đó cực kỳ khó, kiến thức ôn thi quá rộng, các anh chị khoá trên thi rớt bịch bịch,… nhưng các em cũng vẫn phải vững tâm, không được mất bình tĩnh.
Khi mình bình tĩnh, các em sẽ dễ dàng hệ thống hoá kiến thức, làm bài thi trơn tru, hiệu quả, chứ nếu mà mất bình tĩnh thì chữ nghĩa trong đầu tự nhiên bay đi đâu mất tiêu luôn đó. Đồng thời, tâm lý bình tĩnh cũng giúp sinh viên hạn chế tối đa các sai sót có thể xảy ra khi làm bài thi, chẳng hạn như là tránh được việc hiểu sai ý của đề, quên đổi đơn vị, chọn nhầm đáp án,… hay tệ hơn là làm sót, đề thi 2 mặt mà bối rối quá nên làm có 1 mặt, không biết rằng nó có mặt sau luôn.
3. Đọc kỹ tất cả câu hỏi trước khi làm bài thi
Đầy đủ vật dụng, vững tâm lý luôn rồi, thì chúng ta hãy bắt tay vào thực hiện chiến lược làm bài thi điểm cao thôi. Chiến lược này bao gồm 4 bước. Bước đầu tiên chính là hãy đọc kỹ tất cả câu hỏi trước khi làm bài thi. Đây là điều tiên quyết và cực kỳ quan trọng để sinh viên có thể làm bài thi điểm cao. Cho dù thời gian có gấp gáp, môn thi đó càng ít thời gian, thì các em càng phải đọc kỹ đề.
Với môn thi tự luận, trước khi đặt bút làm bài, các em cần đọc kỹ tất cả câu hỏi. Đối với môn thi trắc nghiệm, các em cũng sẽ đọc kỹ tất cả câu hỏi, nếu câu nào đọc xong mình có đáp án luôn thì chọn luôn, còn nếu câu nào phân vân thì mình bỏ qua rồi đi đến bước tiếp theo. Đồng thời, các em đừng quên rằng mình phải hết sức cẩn thận, không được đọc sót bất kỳ câu hỏi nào nhé.
>> Thi đề mở thì làm thế nào để được điểm cao?
4. Chiến lược làm câu dễ trước, câu khó sau
Sau khi đã đọc kỹ và đầy đủ tất cả câu hỏi, các em cần phải thực hiện ngay chiến lược làm câu dễ trước, câu khó sau để mình có thể làm bài thi điểm cao. Tức là câu nào dễ, mình biết làm thì làm ngay lập tức để lấy điểm. Sau đó, sẽ làm các câu còn lại theo độ khó tăng dần. Lỡ câu khó nằm ngay câu đầu tiên thì sao? Chiến lược này sẽ giúp sinh viên tránh trường hợp cứ loay hoay mãi với câu khó, rồi đến khi hết giờ làm bài lại còn mấy câu dễ chưa kịp làm, cực kỳ đáng tiếc.
Điều này lại càng quan trọng hơn khi các em làm bài thi trắc nghiệm, vì thi trắc nghiệm chắc chắn sẽ có rất nhiều câu hỏi, nếu cứ mãi loay hoay với những câu khó, những câu mình còn phân vân, thì nhiều khả năng các em sẽ phải vội vàng đánh lụi các câu dễ vào cuối giờ. Mà đánh lụi thì xác suất đúng chỉ có 25%, cực kỳ uổng luôn.
5. Luôn chú ý thời gian khi làm bài thi
Điều quan trọng tiếp theo trong chiến lược làm bài thi điểm cao chính là hãy luôn chú ý thời gian. Đây là lúc mà kỹ năng quản lý, phân chia thời gian sẽ cực kỳ hữu ích với các em. Tất nhiên dễ nhất là lấy tổng thời gian làm bài thi chia cho tổng số câu hỏi, thì sẽ ra được thời gian phân bổ cho từng câu. Tuy nhiên, đề thi chắc chắn sẽ có câu dễ và câu khó. Sinh viên nên dành quỹ thời gian cho các câu khó nhiều hơn một tí, vì nó vừa dài vừa khó mà.
Đồng thời, các em cũng nên chia thời gian làm bài thành 4 phần, chẳng hạn như nếu thời gian làm bài thi là 1 tiếng, thì hãy chia nó thành 4 phần, mỗi phần 15 phút. Cứ mỗi 15 phút trôi qua, các em cần nhìn lại xem mình đang làm tới đâu, mình đang làm nhanh hay làm chậm, liệu có kịp thời gian không và… còn đủ thời gian để làm bước cuối cùng trong chiến lược làm bài thi điểm cao không?
6. Đừng quên đọc kỹ lại trước khi nộp bài
Bước cuối cùng trong chiến lược làm bài thi điểm cao chính là đừng quên đọc kỹ lại bài thi, dò kỹ lại các đáp án trước khi nộp bài, để mình kịp thời phát hiện và sửa chữa các lỗi sai, tránh việc để xảy ra các sai sót không đáng có, khiến mình mất điểm oan uổng chỉ vì không đọc kỹ lại trước khi nộp bài.
Thông thường, các em nên dành ra khoảng 10% – 20% thời lượng làm bài để đọc kỹ lại bài thi trước khi nộp bài. Tức là nếu môn đó thi trong vòng 100 phút, thì mình cần dành ra từ 10-20 phút để đọc lại bài. Không hề phí phạm đâu, 10-20 phút đó cực kỳ đáng giá đó. Vì thật sự có những sai sót nhỏ nhưng gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là các môn tính toán, nếu mình giải nhầm ngay từ đầu bài, thì tất cả phần bài giải và đáp án phía sau sẽ sai luôn.
Đây chỉ là chiến lược làm bài thi điểm cao của riêng anh thôi. Các em có thể tham khảo để thực hiện và hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi, biến tấu sao cho phù hợp nhất với cách làm bài thi của mình. Hy vọng rằng bài viết này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em làm bài thi thật tốt và đạt điểm cao trong các kỳ thi sắp tới.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.