Đang phải lu bu giải quyết các môn học khó của năm học cuối, tự dưng sinh viên bỗng dưng xôn xao, lo ngại khi nghe nhắc tới khái niệm chuẩn ngoại ngữ đầu ra. Nghe đồn rằng phải đạt được chuẩn đó thì sinh viên mới đủ điều kiện để được xét tốt nghiệp ra trường. Vậy chuẩn ngoại ngữ đầu ra là gì, đánh giá theo chứng chỉ nào, cần đạt bao nhiêu điểm thì đủ? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp những băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Sinh viên học Tiếng Anh bao nhiêu tiền mỗi tháng để giỏi?
Chuẩn ngoại ngữ đầu ra ở đại học là gì?
Chuẩn ngoại ngữ đầu ra là tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ mà sinh viên cần đạt được, ít nhất là bằng, đủ điểm so với chuẩn thì mới đủ điều kiện để được xét tốt nghiệp ra trường. Mặc dù không phải kiến thức liên quan tới chuyên ngành, nhưng ai cũng hiểu rằng ngoại ngữ cũng là một tiêu chuẩn quan trọng, giúp ích cho chúng ta rất nhiều khi ra trường đi làm sau này. Chính vì thế, các trường đại học cũng quan tâm tới điều này, mong muốn rằng sinh viên khi đã tốt nghiệp thì ít ra cũng có vốn ngoại ngữ ở mức tiêu chuẩn, đủ dùng, nên đa số trường đại học sẽ có yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ đầu ra. Có thể điều này đang khiến sinh viên năm 3, năm 4 sắp ra trường cảm thấy áp lực, nhưng đây là một thử thách không quá khó, bằng chứng là hầu hết anh chị khoá trên cũng đã vượt qua, nó không dễ nhưng cũng không quá khó.
Chuẩn ngoại ngữ đầu ra đánh giá theo chứng chỉ nào?
Tuỳ từng trường đại học sẽ có quy định đánh giá chuẩn ngoại ngữ đầu ra khác nhau, phụ thuộc theo các chứng chỉ khác nhau, phổ biến nhất sẽ là bằng TOEIC, ngoài ra, cũng có các chứng chỉ ngoại ngữ khác được dùng làm chuẩn đầu ra, chẳng hạn như IELTS, TOEFL, VSTEP. Để biết được câu trả lời chính xác nhất, sinh viên có thể theo dõi thông báo chính thức của trường mà mình đang theo học. Ngoài ra, bên cạnh việc lựa chọn 1 chứng chỉ duy nhất để đánh giá chuẩn ngoại ngữ đầu ra, thì một số trường đại học cũng sẽ cho phép sinh viên chủ động lựa chọn thi chứng chỉ mình thấy phù hợp nhất, rồi quy đổi sang mức điểm tương đương để đánh giá năng lực ngoại ngữ trước khi ra trường.
>> Vì sao sinh viên phải nộp bằng TOEIC trước khi ra trường?
Bao nhiêu điểm thì đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra?
Sau khi nắm được chuẩn ngoại ngữ đầu ra ở đại học là gì, đánh giá theo chứng chỉ nào, thì chúng ta sẽ cùng giải đáp xem bao nhiêu điểm thì sẽ đạt chuẩn? Điều này sẽ phụ thuộc vào từng trường, và tính chất của từng ngành học, tức là ngành nào ra trường yêu cầu sử dụng Tiếng Anh nhiều, thì sẽ có mức điểm chuẩn cao hơn, hoặc trường nào đào tạo kết hợp song ngữ thì thường sẽ quy định mức chuẩn đầu ra cao hơn. Tức là sẽ khó lòng kết luận mức điểm cụ thể, tuy nhiên, nếu sinh viên muốn tham khảo mang tính tương đối, thì thường sẽ nằm trong khoảng TOEIC 500 – 650 hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác với mức điểm quy đổi tương đương, tất nhiên, vẫn có trường hợp điểm chuẩn cao hơn hoặc thấp hơn.
Không đủ điểm chuẩn Tiếng Anh đầu ra thì sao?
Sau khi tìm hiểu chuẩn ngoại ngữ đầu ra là gì, thì sinh viên sẽ biết được rằng đây hầu như là điều kiện cần có để xét tốt nghiệp ra trường, tức là nếu trường của mình không yêu cầu thì thôi, còn đã yêu cầu rồi thì bắt buộc sinh viên phải nghiêm túc ôn tập, thi lấy chứng chỉ, đồng thời, phải đạt được kết quả bằng hoặc cao hơn mức điểm chuẩn do trường quy định. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không đủ điểm chuẩn ngoại ngữ đầu ra, thì sinh viên sẽ phải tạm hoãn việc tốt nghiệp, dành thời gian ôn tập và thi lấy chứng chỉ cho tới khi đủ điểm thì thôi. Để tránh rơi vào trường hợp không mong muốn này, thì sinh viên nên sớm tập trung ôn ngoại ngữ từ khi còn học năm 2, năm 3, để tới đầu năm 4 bắt đầu đi thi, nếu lỡ thi không đủ điểm thì lúc đó vẫn còn thời gian để ôn luyện và thi lại.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được chuẩn ngoại ngữ đầu ra là gì, đánh giá theo chứng chỉ nào, bao nhiêu điểm thì đạt? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Học Tiếng Anh theo kiểu mì ăn liền có hiệu quả không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.