Điểm trung bình tích luỹ GPA là cơ sở để xét tốt nghiệp, xem sinh viên có đủ điều kiện để được ra trường không, và xếp loại tốt nghiệp sẽ ở bậc nào, xuất sắc, giỏi, khá hay trung bình? Chính vì thế, hầu như sinh viên nào cũng cực kỳ quan tâm tới GPA, theo dõi đều đặn để kiểm soát điểm số và kịp thời khắc phục nếu GPA của mình bị rớt xuống mức nguy hiểm. Liên quan tới chủ đề này, nhiều bạn tân sinh viên thắc mắc rằng điểm trung bình tích luỹ sẽ tính theo hệ 10 hay thang điểm 4? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
>> Học môn tự chọn để kéo điểm trung bình lên có được không?
Thang điểm 4 là gì, bao nhiêu thì qua môn?
Nếu như thang điểm 10 là điều đã quá quen thuộc đối với tân sinh viên, vì hầu như 12 năm tiểu học, trung học, phổ thông của các em đều học, thi và tính điểm theo hệ 10. Nhưng khi lên đại học, sinh viên sẽ thấy xuất hiện thang điểm 4, thấy nó được sử dụng khá rộng rãi, nhất là khi nhìn vào bảng điểm của mình thấy điểm số được tính theo hệ 4. Thang điểm 4 cũng là một hình thức đánh giá kết quả học tập như thang điểm 10, chứ cũng không có khác biệt quá nhiều, có chăng chỉ là do nó khá mới lạ với các bạn tân sinh viên thôi, chứ khi lên năm 2, năm 3, năm 4, thì nó đã là điều hoàn toàn quen thuộc.
Nhiều tân sinh viên thắc mắc rằng nếu tính theo thang điểm 4 thì bao nhiêu điểm sẽ được qua môn? Để giải đáp điều này một cách chi tiết thì sẽ khá phức tạp, vì sinh viên sẽ phải quy đổi từ hệ 10 sang điểm chữ, rồi sau đó lại quy đổi tiếp sang thang điểm 4. Để nhanh gọn lẹ hơn thì sinh viên chỉ cần hiểu nôm na rằng thang điểm 4 chỉ cần từ 1.0 trở lên thì sẽ được tính là qua môn, nhưng thực chất mức điểm này lại khá thấp, nếu xét riêng lẻ từng môn thì là qua môn, chứ nếu điểm trung bình tích luỹ mà chỉ có 1.0 thì không đủ điều kiện để được xét tốt nghiệp, và sẽ không được ra trường, phải học cải thiện sao cho kéo điểm lên đủ mức chuẩn thì mới được tốt nghiệp.
Điểm trung bình tích luỹ tính theo hệ 10 hay thang điểm 4?
Chuyện điểm trung bình tích luỹ sẽ tính theo hệ 10 hay thang điểm 4 sẽ tuỳ thuộc vào quy định riêng của từng trường đại học, nhưng đa số các trường sẽ áp dụng tính GPA theo thang điểm 4. Để biết chính xác nhất rằng trường của mình sẽ tính điểm trung bình tích luỹ theo hệ 10 hay thang điểm 4, thì sinh viên cần liên hệ trực tiếp phòng đào tạo hoặc xem thông báo chính thức trên website của trường. Nếu trường mà các em theo học tính GPA theo thang điểm 10 thì quá đơn giản, không có gì phải lăn tăn, đỡ phải mất công quy đổi điểm này kia.
Còn nếu trường mình tính điểm trung bình tích luỹ theo thang điểm 4, thì sinh viên cần phải nắm được cách quy đổi điểm, để mình còn chủ động kiểm soát GPA, tránh để nó bị rớt xuống mức quá thấp so với kỳ vọng học lực. Chẳng hạn như khi sinh viên đặt mục tiêu sẽ tốt nghiệp đại học loại giỏi, thì các em cần phải luôn theo dõi GPA của mình, đảm bảo rằng nó phải duy trì tối thiểu ở mức 3.2 hoặc cao hơn càng tốt. Hoặc khi thấy điểm trung bình tích luỹ tới hiện tại bị rớt xuống mức 3.0, thì đã bắt đầu rơi vào mức nguy hiểm, cần phải sớm kéo lên để tăng khả năng ra trường loại giỏi. Vậy cụ thể cách quy đổi điểm từ hệ 10 sang thang điểm 4 ở đại học sẽ như thế nào?
>> Điểm số tệ, làm sao để tìm phương pháp học hiệu quả?
Cách quy đổi từ hệ 10 sang thang điểm 4 để tính GPA
Điểm các bài tiểu luận, thuyết trình nhóm, kiểm tra giữa kỳ và thi cuối kỳ của sinh viên đại học sẽ đều được tính và làm tròn theo thang điểm 10. Điểm trung bình từng môn học cũng sẽ được tính dựa trên các thành phần ấy, và nó cũng ở thang điểm 10, nhưng sau đó sẽ được quy đổi thành dạng điểm chữ là A, B, C, D, F theo quy ước sau:
- Điểm hệ 10 từ 8.5 tới 10 -> Điểm A (qua môn);
- Điểm hệ 10 từ 7.0 tới 8.4 -> Điểm B (qua môn);
- Điểm hệ 10 từ 5.5 tới 6.9 -> Điểm C (qua môn);
- Điểm hệ 10 từ 4.0 tới 5.4 -> Điểm D (qua môn);
- Điểm hệ 10 dưới 4.0 -> Điểm F (rớt môn).
Tiếp theo, trước khi tính điểm trung bình học kỳ hoặc điểm trung bình tích luỹ, thì điểm từng môn học sẽ được quy đổi từ dạng chữ sang thang điểm 4 theo quy tắc sau:
- Điểm A -> 4 trên thang điểm 4;
- Điểm B -> 3 trên thang điểm 4;
- Điểm C -> 2 trên thang điểm 4;
- Điểm D -> 1 trên thang điểm 4;
- Điểm F -> 0 trên thang điểm 4.
Khi đã quy đổi xong xuôi, thì sẽ dựa vào công thức cụ thể để tính điểm trung bình học kỳ và điểm trung bình tích luỹ GPA của sinh viên. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá xếp loại tốt nghiệp khi ra trường của các em. Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng điểm trung bình tích luỹ GPA tính theo hệ 10 hay thang điểm 4? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.