Học Tủ Là Gì? Vì Sao Sinh Viên Không Nên Học Tủ?

Điểm số là điều mà sinh viên cực kỳ quan tâm, nhất là điểm bài kiểm tra, bài thi cuối kỳ, vì nó sẽ tác động nhiều đến điểm tổng kết môn học và điểm trung bình tích luỹ. Nếu tập trung, cố gắng, nghiêm túc học tập, thì sinh viên hoàn toàn có thể đạt điểm số tốt như mong đợi, tuy nhiên, cũng có một số sinh viên lười nhác, thiếu chăm chỉ nhưng vẫn muốn mình được điểm cao. Điều này dẫn tới việc các em lựa chọn việc học tủ như một tuyệt chiêu để có cơ may được điểm cao. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem học tủ là gì và vì sao sinh viên không nên học tủ?

>> 3 tác hại khôn lường khi sinh viên lạm dụng việc học tủ

Học tủ là gì?

Học tủ là trường hợp sinh viên đoán đề thi, xem phần nào mình nghĩ có khả năng ra thi thì sẽ học phần đó, chứ không dành thời gian và nỗ lực để học hết kiến thức môn học. Hoặc cũng có thể các em học ngẫu nhiên một số phần rồi mong chờ vào may rủi. Nếu may mắn đề thi, đề kiểm tra ra ngay phần nội dung mình đã học thì xem như trúng tủ, quá vui mừng, nhưng ngược lại, nếu đề thi không ra những phần mình đã học, thì sẽ gọi là lệch tủ, bị tủ đè, ngồi trong phòng thi mà đầu óc không có chữ nào, không biết làm bài, dẫn tới việc điểm kém, thậm chí có thể đối mặt với rủi ro rớt môn ở đại học.

Thực trạng học tủ ở đại học hiện nay

Dẫu biết học tủ là một trò chơi may rủi, tồn tại rất nhiều rủi ro khôn lường, bao gồm cả trường hợp bị rớt môn, kéo điểm trung bình tích luỹ đi xuống và ảnh hưởng xấu đến xếp loại tốt nghiệp, nhưng không ít sinh viên vẫn nhắm mắt cho qua, vẫn quyết định học tủ, chứ không chịu dành thời gian để ôn toàn bộ nội dung cần thiết, hoặc cũng có thể vì các em lười học, nhìn thấy sách vở là chóng mặt, buồn ngủ, học mãi không vô nên quyết định học tủ luôn cho khoẻ. Nhưng thật ra điều đó chỉ giúp sinh viên cảm thấy khoẻ, cảm thấy thoải mái vào lúc ôn thi thôi, còn lỡ khi vào phòng thi mà bị lệch tủ thì cảm giác sẽ cực kỳ tệ, rồi sau này còn phải mất thời gian, mất công sức để học lại, để trả nợ môn thì còn mệt hơn.

>> Sinh viên học tủ ở đại học và cái kết không mong muốn

Học tủ có phải giải pháp để được điểm cao?

Khả năng lệch tủ luôn cao hơn trúng tủ, hoặc nếu may mắn trúng tủ, đề thi có ra trúng phần các em đã học, nhưng các em vẫn có thể làm sai, triển khai nội dung chưa đúng vì mình học thuộc lòng chứ chưa thật sự hiểu bài. Điều này cũng hoàn toàn có thể đối mặt với rủi ro bị điểm kém, rớt môn. Chính vì thế, học tủ để đủ điểm qua môn vốn dĩ đã là một điều khá xa rời thực tế. Còn việc học tủ với mong muốn may mắn trúng tủ để được điểm cao lại còn viễn vông hơn. Cuộc sống này luôn công bằng, những sinh viên cố gắng, nỗ lực học tập chắc chắn sẽ có kết quả học tập tốt, đạt điểm cao, ra trường loại giỏi. Còn những bạn muốn ngồi mát ăn bát vàng, lạm dụng việc học tủ, học ít nhưng muốn điểm cao, hầu như sẽ luôn phải thất vọng.

Vì sao sinh viên không nên học tủ?

Học tủ luôn tồn tại nhiều rủi ro, thậm chí như đã phân tích ở phần trước, cho dù trúng tủ thì cũng chưa chắc các em có thể hoàn thành tốt bài thi để đạt điểm tốt. Vậy thì hà cớ gì mình phải lạm dụng việc học tủ? Học cho mình, kiến thức là của mình, thì sau này ra trường đi làm các em mới thuận lợi khi tìm việc, mới có thể nhanh chóng thích nghi và hoàn thành tốt công việc, mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Còn nếu đi học mà lơ tơ mơ, lười biếng, không tập trung học, lạm dụng việc học tủ, thì nó vừa khiến các em bị điểm kém, vừa khiến mình không vững kiến thức, gây ra nhiều bất lợi và hậu quả khôn lường khi ra trường sau này, thậm chí không ít người đã phải đối mặt với thất nghiệp vì đã lạm dụng việc học tủ khi còn đi học.

>> 5 tác hại khôn lường khi bạn lười biếng

Làm sao để bỏ thói quen học tủ?

Sau khi hiểu rõ những rủi ro và hậu quả khôn lường khi lạm dụng việc học tủ, thì chắc chắn các em đang nghĩ tới việc làm thế nào để loại bỏ thói quen xấu này. Một khi nó đã trở thành thói quen thì chưa thể bỏ ngay lập tức được, mà cần trải qua một thời gian dài, đầu tiên, mình cần phải thay đổi quan điểm, không được để điểm số phụ thuộc vào chuyện may rủi, mà chính mình phải làm chủ điểm số và kiến thức của bản thân. Tiếp theo, các em cần nâng cao quyết tâm học tập, cố gắng chăm chỉ hơn, đi học tập trung nghe giảng, về nhà chịu khó làm đầy đủ bài tập để nắm vững kiến thức sau mỗi buổi học, như thế thì tới lúc ôn thi sẽ thuận lợi hơn, không bị dồn nén kiến thức, cũng chẳng bị quá tải, và tất nhiên cũng chẳng cần học tủ nữa, vì mình đã vững vàng kiến thức rồi, chỉ cần ôn lại toàn bộ rồi tự tin bước vào phòng thi thôi.

Bài viết này đã giúp sinh viên hiểu được học tủ là gì, vì sao không nên lạm dụng việc học tủ, đồng thời, đưa ra gợi ý giúp các em bỏ thói quen xấu ấy. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Học tài thi phận là gì? Làm sao để bài thi được điểm cao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?