Im lặng là vàng là một câu tục ngữ cực kỳ phổ biến, đã được lưu truyền từ rất lâu và vẫn còn được sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay. Tuy nhiên, song hành cùng câu tục ngữ này vẫn có nhiều quan điểm trái chiều, cho rằng không phải lúc nào im lặng cũng là vàng, thậm chí có người còn kiên quyết phản bác, cho rằng điều đó là không đúng, im lặng là thiệt thòi cho bản thân. Vậy liệu im lặng là vàng có đúng hay không, vì sao? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu cụ thể về ý nghĩa của câu tục ngữ này, và làm rõ các quan điểm trái chiều xoay quanh nó.
>> Hậu quả khôn lường khi nói được nhưng không làm được?
Im lặng là vàng nghĩa là gì?
Im lặng là vàng nghĩa là chúng ta nên im lặng, đó là giải pháp tốt nhất, tốt hơn chuyện lên tiếng nói ra những điều mình nghĩ khi chưa cân nhắc kỹ lưỡng, chưa xác định được đúng sai thế nào. Đứng trước định nghĩa này, có nhiều người đồng tình, vì họ hiểu rằng thay vì nói bậy, vạ miệng lên tiếng khi chưa phân định đúng sai, sẽ kéo theo nhiều hệ quả tai hại cho bản thân, mà lời đã nói ra cũng chẳng thể thu hồi lại được, nên thôi cứ im lặng là vàng. Tuy nhiên, cũng có những người không đồng tình, vì cho rằng im lặng không giúp vấn đề được giải quyết, tại sao lại phải im lặng? Vậy liệu im lặng là vàng có đúng không? Chúng ta sẽ cùng phân tích trong phần tiếp theo.
Im lặng là vàng có đúng hay không?
Im lặng là vàng là một câu tục ngữ đã có tuổi đời từ rất lâu, được đúc kết dựa trên kinh nghiệm và quan điểm của người xưa, nếu nó không chính xác, hoặc thậm chí là cổ suý cho một điều sai trái, sai lầm, thì chắc chắn nó đã sớm bị loại bỏ từ lâu, chứ không thể lưu truyền được cho tới ngày nay. Chính vì thế, im lặng là vàng vẫn là một quan điểm đúng, một lời khuyên phù hợp với thực tế, nếu như nó được đặt vào đúng nơi, đúng lúc, đúng tình huống. Chẳng hạn như đứng trước một vấn đề mà bạn chưa biết đúng sai, chưa phân định được rõ ràng, thì mình không nên vội kết luận điều gì, vì lỡ đâu mình nhìn nhận sai, đưa ra quan điểm lệch lạc, thì sẽ khiến sự việc đi quá xa, hoặc có thể khiến người khác hiểu lầm, hiểu sai về mình.
Hoặc khi đứng trước một xích mích với người khác, thay vì lớn tiếng tranh cãi khi mình đang còn nóng giận, đang mất bình tĩnh, không kiểm soát được suy nghĩ, lời nói, thì tốt nhất chúng ta nên im lặng, chờ tới khi bản thân đủ tỉnh táo, cân bằng cảm xúc, phân tích kỹ càng vấn đề rồi lên tiếng sau cũng chưa muộn. Hoặc trong những lúc cần giữ im lặng, không làm ồn, làm phiền người khác khi họ đang cần tập trung, thì tất nhiên im lặng là vàng rồi.
>> Không có sự chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại đúng không?
Vì sao có nhiều quan điểm trái chiều?
Sau khi giải đáp rằng im lặng là vàng có đúng hay không, kèm theo các trường hợp ví dụ cụ thể, thì chắc hẳn bạn cũng đang xuôi xuôi đồng tình với câu tục ngữ ấy. Tuy nhiên, khi đưa ra thảo luận, hoặc khi tìm kiếm trên mạng, bạn sẽ vẫn bắt gặp nhiều quan điểm trái chiều xoay quanh câu tục ngữ này, khi họ phân tích, đưa ra nhiều tình huống để chứng minh rằng im lặng không phải lúc nào cũng là vàng, thậm chí có người còn cho rằng im lặng là cam chịu, nhu nhược, yếu đuối, né tránh vấn đề, không chịu lên tiếng thảo luận để tìm hướng giải quyết.
Như đã làm rõ ở phần trước, im lặng là vàng sẽ là một quan điểm đúng nếu như nó được đặt đúng nơi, đúng lúc, đúng tình huống, nên khi chúng ta đưa vào những tình huống không phù hợp, không đúng quan điểm, thì tất nhiên sẽ thấy rằng nó không chính xác, dẫn tới nhiều quan điểm trái chiều. Những lập luận rằng không phải lúc nào im lặng cũng là vàng, là điều chính xác, nó chỉ là vàng trong những tình huống phù hợp, chứ không phải lúc nào mình cũng mặc định rằng im lặng là giải pháp tốt nhất, rồi lấy điều đó để áp đặt lên bản thân. Vậy khi nào nên im lặng, khi nào nên nói thẳng, trong phần tiếp theo chúng ta sẽ cùng làm rõ để áp dụng sao cho đúng nhất!
Khi nào nên im lặng, khi nào nên nói thẳng?
Im lặng là vàng sẽ phù hợp trong trường hợp bạn chưa phân biệt được đúng sai, tốt xấu, khi còn đang phân vân chưa rõ cách xử lý, cách đối diện và nhìn nhận vấn đề sao cho đúng đắn nhất, chưa đủ cơ sở để ra quyết định ngay, thì tốt nhất mình nên im lặng, rồi sau đó tìm hiểu, cân nhắc sau, lưu ý rằng đây chỉ là im lặng tạm thời để mình có thời gian nhìn nhận cho thấu đáo, chứ không phải im lặng theo kiểu né tránh, không dám đối diện với vấn đề. Song song đó, im lặng là vàng cũng đúng trong trường hợp xung đột, khi bạn còn đang nóng giận, chưa đủ tỉnh táo, thì không nên cãi vã, lớn tiếng, nặng lời với người khác, hãy chờ lúc mình bình tĩnh lại rồi xử lý sao cho đúng.
Ở hướng ngược lại, sẽ có những lúc bạn nên nói thẳng, không nên im lặng, chẳng hạn như khi bạn đã phân định rõ đúng sai, đã nhìn nhận được một cách chính xác, thấu đáo, thì cứ mạnh dạn nói lên quan điểm, nếu có bất đồng với người khác, thì mình cứ bình tĩnh trình bày, thảo luận để thống nhất phương án, nhất là khi teamwork, khi đang thảo luận nhóm, thì rất cần mọi người cùng lên tiếng, chứ im lặng lúc đó là toang. Đồng thời, cũng có một số trường hợp khác cần lên tiếng, chẳng hạn như bạn thấy có ai đó làm sai, gian lận, gian dối, thì bạn nên lên tiếng, không nên che giấu cho họ, nếu bạn ngại đụng chạm, thì vẫn có những phương án lên tiếng trong âm thầm, ẩn danh, không ra mặt trực tiếp.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng im lặng là vàng nghĩa là gì, có đúng hay không, vì sao có nhiều quan điểm trái chiều? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Tác hại khôn lường khi khẩu nghiệp, vu oan cho người khác
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.