Không có ai hoàn hảo ngay từ đầu, mỗi người trong chúng ta đều phải tự nỗ lực rèn luyện, trau dồi, nâng cao năng lực bản thân để mình ngày càng tốt hơn và phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Ngày qua ngày, bạn sẽ càng tích luỹ được thêm nhiều điểm mạnh, giúp bạn tự tin hơn vào bản thân và vững bước trên con đường phía trước. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đã cố gắng nhưng mình vẫn không tiến bộ, không biết điểm mạnh của mình là gì, vậy thì bạn phải làm sao? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm ra câu trả lời trong bài viết này nhé!
>> Năng lực làm việc là gì, đánh giá trên các tiêu chí nào?
Điểm mạnh của bản thân là gì?
Điểm mạnh của bản thân là những điều mà bạn tự tin rằng mình sẽ làm tốt hơn so với mặt bằng chung, nó là điều mà bạn cực kỳ thành thạo, hiểu rõ tường tận, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng thực hiện mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Đây không đơn thuần chỉ là bạn tự nghĩ, tự cho rằng đó là điểm mạnh, mà bạn cần phải trải nghiệm trong thực tế, đã nhiều lần làm tốt, thuận lợi, được mọi người xung quanh công nhận, thì mới có thể kết luận đó chính là điểm mạnh của bản thân.
Vì sao phải tìm ra điểm mạnh của bản thân?
Sau khi tìm hiểu điểm mạnh của bản thân là gì, nhiều khả năng bạn sẽ tiếp tục thắc mắc rằng vì sao phải tìm ra điểm mạnh của bản thân? Thật ra, điểm mạnh là một điều cực kỳ quan trọng, sẽ tạo cho bạn rất nhiều lợi thế cạnh tranh khi học tập, làm việc và cả trong đời sống nữa. Chẳng hạn như khi còn đi học, những bạn học sinh/sinh viên có điểm mạnh về khả năng tiếp thu, tập trung cao độ, ham học hỏi, thì đa phần sẽ có kết quả học tập tốt, mang về điểm số cao hơn so với mặt bằng chung. Hoặc khi đi phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng sẽ thường hỏi rằng điểm mạnh của bạn là gì, đó là cơ hội để bạn nêu bật các điểm mạnh của bản thân, có liên quan tới vị trí ứng tuyển, để tăng cơ hội được chọn. Nếu lúc đó mà bạn lúng túng, suy nghĩ mãi mà chẳng nói được gì, chẳng biết điểm mạnh của bản thân là gì, thì bạn sẽ bị đánh giá không tốt, hoặc tệ hơn, nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn không nghiêm túc ứng tuyển, có mỗi câu hỏi đơn giản mà cũng không trả lời được.
Rồi khi vào công ty làm việc, nếu bạn chưa tìm ra điểm mạnh của bản thân, không biết mình mạnh/yếu ở những điểm nào, thì sẽ khó lòng hoàn thành tốt những việc được giao, nhất là khi bạn lỡ ôm quá nhiều việc mà mình không thành thạo, không phải thế mạnh, sẽ khiến bạn càng áp lực, mệt mỏi hơn, và kết quả làm việc lại tệ hơn mong đợi. Chính vì thế, cho dù bạn đang là học sinh/sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, hay đã ra trường đi làm, thì vẫn cần dành thời gian để lắng nghe bản thân, nhìn lại chính mình, cố gắng tìm ra những điểm mạnh để tạo lợi thế cho bản thân.
>> Cách nêu bật điểm mạnh của bản thân khi phỏng vấn xin việc
Cách dùng điểm mạnh để tạo lợi thế khi tìm việc
Như bạn đã biết, trong quá trình ứng tuyển việc làm, bạn thường sẽ phải trải qua vòng gửi CV xin việc và phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng. Để tạo lợi thế cho bản thân khi tìm việc, thì có một điều quan trọng chính là bạn phải nêu bật càng nhiều điểm mạnh có liên quan tới công việc càng tốt. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách dùng điểm mạnh để giúp bạn tạo lợi thế khi tìm việc. Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng không phải mình cứ có nhiều điểm mạnh, rồi liệt kê ra hết với nhà tuyển dụng là được, thật ra họ sẽ không quan tâm tới các điểm mạnh bên lề, không liên quan tới công việc, bạn càng nêu ra nhiều thì họ sẽ càng đánh giá bạn đi quá xa, không phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Thay vào đó, bạn chỉ nên tập trung vào các điểm mạnh có liên quan tới vị trí ứng tuyển, và chứng minh cho nhà tuyển dụng tin rằng bạn thật sự có những điểm mạnh ấy. Tức là bạn cần tìm hiểu, nghiên cứu trước xem vị trí công việc mà mình ứng tuyển đang yêu cầu ứng viên có những điểm mạnh nào, rồi tự nhìn lại bản thân xem mình đáp ứng được bao nhiêu %, có những điểm nào mình chưa mạnh nhưng có thể nhanh chóng trau dồi không? Nếu có, thì bạn hãy dành thời gian để rèn luyện, giúp mình tăng thêm nhiều điểm mạnh và trở nên phù hợp hơn với hình mẫu ứng viên mà công ty đang tìm kiếm. Khi phỏng vấn với nhà tuyển dụng, bạn cần lồng ghép những ví dụ, dẫn chứng thực tiễn để thuyết phục họ tin vào các điểm mạnh ấy, tránh việc chỉ nói lý thuyết sáo rỗng, thiếu dẫn chứng, thiếu tính thuyết phục.
Càng nhiều điểm mạnh thì càng giỏi, càng thành công?
Có không ít người cho rằng nếu có càng nhiều điểm mạnh thì bạn càng gia tăng giá trị bản thân, từ đó, mình sẽ càng giỏi hơn, càng thành công hơn. Đây là một quan điểm chưa hoàn toàn chính xác, tức là nó vẫn có ý đúng, nhưng không thể khẳng định tuyệt đối 100%, vì trên thực tế vẫn còn nhiều yếu tố khác tác động vào để quyết định rằng bạn có gặt hái được nhiều thành công hay không? Điển hình là câu nói học tài thi phận đang cực kỳ phổ biến, nhằm ám chỉ những người giỏi, có tài, nhưng lại không đạt điểm số cao, không đạt kết quả tốt trong các đợt thi cử. Vì sao lại như thế?
Thành công là một quá trình không ngừng nỗ lực, cố gắng và có nhiều tiêu chí tác động đến kết quả, chứ không đơn thuần rằng bạn có nhiều điểm mạnh thì mặc nhiên sẽ chạm tay được tới thành công. Càng nhiều điểm mạnh thì bạn càng giỏi hơn, càng tăng cơ hội thành công, tức là sẽ có thêm chữ “cơ hội”, nhằm ám chỉ rằng bạn có thể đạt được thành công, chứ không thể nào nói chắc chắn được, vì thực tế muôn hình vạn trạng, chúng ta chỉ có thể tăng thêm cơ hội cho mình, chứ khó lòng cam đoan 100% rằng ai có nhiều điểm mạnh thì sẽ thành công. Ngoài ra, điều này cũng phụ thuộc vào mức độ mạnh của từng điểm mạnh nữa, chẳng hạn như bạn mạnh 100% về điểm đó, hay chỉ đang mạnh ở mức 80%, liệu người có 3 điểm mạnh 80%, thì có giỏi hơn người có 2 điểm mạnh 100% không, chưa trả lời chắc chắn được, chỉ có một điều chắc chắn là khi có càng nhiều điểm mạnh, thì bạn càng tăng cơ hội gặt hái được nhiều thành công hơn thôi.
>> Trả lời sao cho khéo câu hỏi phỏng vấn – Điểm mạnh của bạn là gì?
Không biết điểm mạnh của mình là gì thì phải làm sao?
Có quá nhiều điểm mạnh thì chưa chắc đã tốt, nhưng nếu có ít điểm mạnh, hoặc tệ hơn là không có điểm mạnh, không biết điểm mạnh của mình là gì thì thật sự là một điều đáng báo động, là một tín hiệu không mấy tích cực cho tương lai của bạn. Khi bạn không hiểu chính mình, không biết mình đang mạnh/yếu ở những điểm nào, thì làm sao bạn khắc phục điểm yếu và phát triển điểm mạnh để phát huy tối đa năng lực bản thân? Nếu gặp những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, thì làm sao bạn xoay sở và hoàn thành tốt nếu không biết điểm mạnh của mình là gì? Bạn đã thật sự dành thời gian để nhìn nhận và lắng nghe bản thân chưa, nếu vẫn không biết điểm mạnh của mình là gì thì phải làm sao?
Khi thấy bản thân mình không có điểm mạnh, cố gắng tìm mãi vẫn không ra, thì chúng ta thường có xu hướng trau dồi một cách vô tội vạ, với tiêu chí “có còn hơn không”. Tức là sẽ có nhiều người lao đầu vào rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hoặc trau dồi ngoại ngữ, đăng ký học các khoá học Tiếng Anh cấp tốc, với hy vọng rằng chúng sẽ giúp mình nhanh chóng có được một vài điểm mạnh để dằn túi cho yên tâm. Đó là cách làm chưa đúng, nhiều khi sẽ khiến bạn mất thời gian cho những điểm mạnh mà mình không thật sự cần đến, vì lỡ sau này công việc bạn làm không yêu cầu quá cao về kỹ năng giao tiếp hay Tiếng Anh thì sao? Thay vào đó, bạn cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng xem công việc, ngành nghề sau này mình theo đuổi, đang cần ứng viên có những điểm mạnh nào, trong số đó, thì điều gì bạn có thể trau dồi nhanh, thì tập trung vào chúng trước. Như thế sẽ giúp bạn rút ngắn được thời gian, rèn luyện đúng những điểm mạnh thật sự quan trọng với mình.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng vì sao phải tìm ra điểm mạnh của bản thân, không biết điểm mạnh của mình là gì thì phải làm sao? Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> 4 cách để sinh viên phát triển bản thân
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.