Kinh Nghiệm Và Lưu Ý Để Làm Bài TOEIC Listening Hiệu Quả Nhất

Hầu hết các trường đều yêu cầu sinh viên phải có bằng TOEIC để được xét tốt nghiệp. Nhiều trường còn quy đổi điểm TOEIC để miễn học môn Tiếng Anh trong trường. Đề TOEIC gồm phần LISTENING và READING. Trong đó, phần READING đòi hỏi các em phải vững ngữ pháp và từ vựng thì mới có thể làm bài tốt. Còn phần TOEIC LISTENING thì sử dụng các từ vựng đơn giản hơn và dễ lấy điểm hơn nếu các em biết cách nghe keyword và nắm vững các kinh nghiệm và lưu ý sau đây:

>> Bí quyết nâng cao kỹ năng Listening hiệu quả nhất

1. Lưu ý khi làm Part 1 TOEIC Listening

Trong Part 1 của bài TOEIC Listening, người ta sẽ đưa ra 4 câu để miêu tả từng tấm ảnh. Các em cần loại bỏ các câu miêu tả sai để chọn ra câu miêu tả đúng nhất cho từng tấm ảnh.

Xác định chủ thể được miêu tả là người (they/he/she/the men/the woman/the kid) hay vật (tên vật dụng đó).

Xác định chủ thể là số nhiều hay số ít, để khúc sau khi người ta mô tả chủ thể thì mình xem có chính xác không. Xác định dựa trên các từ như they, people, các số nhiều như 2 cái nến, 3 chiếc dĩa, 2 người đàn ông,…

Xác định cụ thể đó là người nào, vật nào khi có nhiều người hoặc vật đó ở trong hình. Xác định dựa trên các từ miêu tả:

– Đối với chủ thể là người: ngoại hình (giới tính gì, mặc trang phục thế nào, tóc ngắn hay dài, mập hay ốm,…), đang làm hành động gì (đứng, ngồi, cười, nói, nhìn, cầm,…), đang ở chỗ nào (bên trái, bên phải, đằng trước, phía sau, trên xe, trên giường,…).

– Đối với chủ thể là vật: nó đang nằm trong tay ai, nó nằm ở trên bàn, dưới đất hay ở đâu.

Xác định điều người ta miêu tả về chủ thể:

– Đối với chủ thể là người: Nếu ở đoạn trước người ta đã miêu tả ngoại hình rồi, thì ở đoạn này người ta sẽ mô tả là họ đang làm gì, đang ở vị trí nào. Ngược lại, nếu đoạn trước đã miêu tả người đó đang làm gì, thì ở đoạn này sẽ miêu tả ngoại hình hoặc người đó đang ở vị trí nào. Cuối cùng, nếu đoạn trước đã miêu tả người đó đang ở chỗ nào thì đoạn này sẽ miêu tả về ngoại hình hoặc hành động của họ.

– Đối với chủ thể là vật: Đoạn này người ta sẽ miêu tả rất đơn giản về nó, chẳng hạn như những cái dĩa trên bàn (chủ thể là chiếc dĩa, là số nhiều, chúng đang ở trên bàn) đang không có đồ ăn/đang được sắp xếp ngay ngắn,… Hoặc có khi người ta không có câu miêu tả luôn. Lúc đó chỉ cần những chiếc dĩa ở trong hình đều ở trên bàn thì câu đó đúng luôn.

 Xác định xem câu đó đúng hay sai dựa trên 4 yếu tố ở trên, trường hợp chủ thể là nhiều người/nhiều vật nhưng không phải 100% số người hay vật đó đúng với lời miêu tả thì câu đó sai. Ví dụ họ nói 3 cây nến đang ở trên bàn, trong khi có 1 cây đang ở dưới đất thì câu đó sai. Hoặc 3 người đàn ông mặc áo sơ mi đang ngồi ghế, trong khi 2 người ngồi, 1 người đứng thì câu đó sai.

2. Lưu ý khi làm Part 2 TOEIC Listening

Trong Part 2 của bài TOEIC Listening, người ta sẽ đưa ra 1 câu hỏi và 3 câu trả lời. Các em cần chọn ra câu nào trả lời đúng cho câu hỏi đó.

Quan trọng nhất là nghe câu hỏi vì khi hiểu được câu hỏi rồi thì xem như 90% sẽ chọn được đáp án đúng.

Xác định xem đó là câu hỏi W/H (What/When/What time/Where/How/How about/,…) hay câu hỏi Yes/No (Do/Does/Is/Are,… nằm ở đầu câu), các từ này thường người ta sẽ đọc lướt qua rất nhanh nên các em phải thật tập trung khi nghe nhé.

Xác định keyword trong câu hỏi và hiểu nghĩa của keyword đó. Ở đây đòi hỏi các em phải biết từ vựng vì sẽ có những lúc keyword là từ rất đơn giản mà ai cũng biết (khoảng 50-70%), nhưng cũng có lúc nó là một từ lạ (khoảng 30-50%).

Xác định câu trả lời cho câu hỏi đó:

– Đối với câu hỏi W/H (What/What time/When/Who/Where/Why/How/How about/How long/How far/How old,…) thì các em cần học trước tất cả các cách trả lời có thể gặp của câu hỏi đó. Ví dụ như What time thì người ta có thể trả lời là một thời điểm cụ thể, nhưng cũng có thể trả lời là sớm hơn/trễ hơn (một mốc thời gian nào đó) bao nhiêu tiếng. Ví dụ When thì câu trả lời có thể là buổi sáng/buổi trưa/buổi tối hoặc thứ hai/thứ ba hoặc tuần sau/tháng sau/năm sau/tuần trước/tháng trước/năm ngoái.

– Đối với câu hỏi Yes/No thì câu trả lời thường đơn giản là Yes/No nhưng các em phải chú ý vế đằng sau xem nó có khớp với câu hỏi hay không.

 Ngoài ra, trong part 2 này người ta thường hay gài mình bằng các từ giống y chang nhưng khác nghĩa, hoặc các từ có phát âm gần giống nhau. Ví dụ trong câu hỏi xuất hiện từ A, và trong 1 câu trả lời nào đó cũng có từ A hoặc từ phát âm gần giống A, nhưng thật ra đó không phải đáp án đúng. Vì thế, các em phải thật sáng suốt khi làm bài nhe.

3. Lưu ý khi làm Part 3 và Part 4 TOEIC Listening

Hai phần này thì gần giống nhau, trong Part 3 và Part 4 của bài TOEIC Listening, các em sẽ được nghe một đoạn dài và trả lời 3 câu hỏi (mỗi câu 4 đáp án) cho mỗi đoạn nghe.

Anh đánh giá part 3 dễ hơn vì nó có 2 nhân vật nói chuyện với nhau (hội thoại) nên việc xác định chủ thể và ngữ cảnh, câu chuyện cũng dễ hơn. Còn part 4 thì có một người nói/thông báo về điều gì đó thôi (độc thoại) nên nó khá khó để hiểu được nội dung và ngữ cảnh.

Các em nên đọc lướt qua câu hỏi trước khi nghe để xác định trước là câu chuyện này đang diễn ra ở đâu (lớp học, công sở, sân bay, bệnh viện, trao đổi trên điện thoại,…), có những nhân vật nào và có tình huống/nội dung nào sẽ được hỏi (có khoảng 4-5 giây trước khi người ta bắt đầu đoạn hội thoại, hoặc nếu câu trước đó các em hoàn thành xong nhanh thì sẽ có nhiều thời gian hơn để đọc trước câu tiếp theo). Nếu các câu trả lời ngắn hoặc có các con số thì các em lướt qua xem trước các đáp án đó luôn để nghe cho dễ. Còn nếu các câu trả lời dài quá thì đừng đọc vì sẽ mất tập trung, chờ các em đọc xong thì đoạn hội thoại của người ta cũng kết thúc rồi.

Những câu hỏi mà đáp án là các con số sẽ dễ lấy điểm nhất. Tuy nhiên, cũng có nhiều câu người ta khiến mình tẩu hoả nhập ma vì trong đoạn hội thoại lại nhắc tới 2 hay 3 con số lận, khiến mình bị phân vân không biết chọn cái nào nếu không nghe kỹ. Ngoài ra, có một số cách gài nữa ví dụ như “Khi nào họ nên có mặt ở sân bay?”, thì người ta sẽ nói là máy bay khởi hành lúc 7h30 nhưng chúng tôi cần đến sớm một tiếng. Thì lúc này đáp án sẽ là 6h30 chứ không phải 7h30.

 Còn lại những câu hỏi không có con số thì đòi hỏi các em phải biết nhiều từ vựng và nghe khá tốt để có thể follow câu chuyện và chọn đúng đáp án. Tất nhiên từ vựng thì cũng có từ dễ, từ khó, chứ không phải là toàn từ khó nên các em đừng quá lo lắng. Hãy kiên trì giải đề và học từ mới, dần dần các em sẽ thấy kết quả của mình được cải thiện.


Một lưu ý cuối cùng nhưng rất quan trọng khi làm bài TOEIC Listening là nếu có từ vựng nào không biết hoặc đoạn nào không nghe được thì bỏ qua ngay, đừng suy nghĩ nhiều về nó vì sẽ làm các em mất tập trung cho các câu hỏi tiếp theo. Hy vọng chia sẻ này của anh sẽ hữu ích với các em. Chúc các em đạt kết quả tốt!

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe https://bit.ly/TTVD-HoiDap


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?