Khi mới lên đại học, tân sinh viên sẽ không tránh khỏi việc bỡ ngỡ khi xung quanh mình có rất nhiều bạn mới, thậm chí có những trường còn chia theo giảng đường, mỗi giảng đường khoảng 150 sinh viên. Đó là những người bạn đến từ nhiều vùng miền khác nhau, mỗi người một tính cách khác nhau, nên cũng khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn trong việc hoà nhập với bạn bè. Vậy làm thế nào để sinh viên hoà nhập với bạn bè ở đại học?
>> Sinh viên có nên tham gia CLB ở đại học không?
Hoà nhập với bạn bè từ những điểm chung
Từ những người xa lạ, sinh viên có thể bắt chuyện làm quen, hoà nhập với bạn bè từ những điểm chung. Chẳng hạn như những câu chuyện về sở thích, về các món ăn, về các bài hát, về những bộ phim, chương trình truyền hình, hoa hậu,… không cần những câu chuyện đó phải liên quan tới việc học, mà chỉ cần đó là những điểm chung giúp các em có nhiều chuyện để nói với nhau là được. Sau một thời gian, tự dưng các em sẽ hoà nhập với bạn bè ở đại học, không chỉ thân thiết trong trường học, mà còn là những người bạn thân ngoài đời nữa.
Hãy thử xem nhé, vào giờ ra chơi, các em hãy mạnh dạn bắt chuyện, làm quen với những người bạn xung quanh từ những điểm chung, chắc chắn các bạn ấy sẽ hào hứng nói chuyện, và các em sẽ phá vỡ khoảng cách với nhau. Ngoài ra, sinh viên năm nhất cũng có thể hoà nhập với bạn bè khi tham gia sinh hoạt CLB ở trường đại học. Chẳng hạn như các em quan tâm tới Marketing, thì tham gia CLB Marketing, các em sẽ được kết nối và làm quen với những người bạn, những anh chị khoá trên trong CLB, những người có cùng điểm chung là quan tâm tới Marketing.
Hoà nhập bằng cách quan tâm, giúp đỡ bạn bè
Nếu như những điểm chung sẽ giúp sinh viên làm quen với bạn bè, thì chính những sự quan tâm, giúp đỡ bạn bè vô điều kiện sẽ là chất xúc tác giúp các em gắn kết, thân thiết với nhau hơn. Chính vì thế, nếu muốn hoà nhập với bạn bè ở đại học, thì sinh viên cần phải quan tâm, giúp đỡ bạn bè những khi họ cần, đây là nền tảng giúp mối quan hệ bạn bè trở nên bền vững hơn. Quan tâm từ những điều nhỏ cũng được, chẳng hạn như cho bạn mượn bút, mượn áo mưa, cùng share với nhau ổ bánh mì khi thấy bạn chưa kịp ăn sáng,… Hoặc trong học tập, khi bạn chưa hiểu bài, hoặc khi bạn nghỉ học một buổi, thì các em cũng sẵn sàng giảng lại bài cho bạn hiểu, giúp bạn ấy không bị mất kiến thức buổi học đó. Điều này sẽ giúp các em không chỉ hoà nhập với bạn bè, mà còn trở thành những người bạn tốt của nhau.
>> Mâu thuẫn với bạn cùng trường thì phải làm sao?
Học nhóm cùng bạn bè ở đại học
Học nhóm cũng là một giải pháp hữu hiệu giúp sinh viên hoà nhập với bạn bè ở đại học, nhất là với sinh viên năm nhất. Hồi mới lên đại học, anh cũng lạ lẫm, chưa hoà nhập được với bạn bè. Nhưng sau những lần được giảng viên chia nhóm để làm thuyết trình nhóm, làm tiểu luận nhóm, thì sau những buổi học nhóm, làm việc nhóm cùng nhau, thì tự tưng mình cũng hoà nhập với bạn bè luôn. Thậm chí có nhiều nhóm bạn cực kỳ ăn ý với nhau, nên sau này anh cũng tiếp tục làm việc nhóm chung với các bạn ấy trong những môn học tiếp theo.
Ngoài ra, các em cũng có thể lập nhóm học tập chung với các bạn cùng lớp, mỗi nhóm khoảng từ 3-6 thành viên là đẹp. Mục đích chính khi thành lập nhóm là để cùng giúp nhau học tốt, cùng nhau ôn bài, làm bài tập, giảng lại bài cho nhau, cùng nhau ôn thi học kỳ,… Nhưng sau một thời gian thì các em cũng sẽ tự động gắn kết, thân thiết với nhau hơn, không chỉ là những người bạn trong nhóm học tập, mà sẽ trở thành những người bạn thân ngoài đời, cùng nhau học tập, cùng nhau vui chơi, và có với nhau rất nhiều kỷ niệm đẹp thời sinh viên. Thậm chí, nhóm bạn học chung với anh đến sau này ra trường đi làm vẫn giữ liên lạc và giúp đỡ nhau nhiều trong công việc luôn.
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp sinh viên biết cách làm thế nào để hoà nhập với bạn bè ở đại học, nhất là với sinh viên năm nhất, khi mới chân ướt chân ráo bước chân vào giảng đường đại học. Hãy mạnh dạn bắt chuyện làm quen và phá vỡ khoảng cách với những người bạn xung quanh nhé!
>> 3 cách giúp sinh viên chủ động làm quen với bạn bè ở đại học
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.