Rất khó để chúng ta gắn bó lâu dài với duy nhất 1 công ty, 1 công việc. Chính vì thế, nhảy việc là điều mà hầu như bất cứ ai cũng phải trải qua. Tuy nhiên, đưa ra quyết định nhảy việc là một điều không hề dễ dàng và càng không được quyết định một cách vội vàng, thiếu cân nhắc để rồi sau này lại hối hận rồi ước là “giá như lúc đó mừng đừng nhảy việc”…
>> Sinh viên mới ra trường không nên nhảy việc – Đúng hay sai?
Nhảy việc là gì?
Nhảy việc là chuyển từ công việc này sang một công việc khác ngay lập tức, không có khoảng thời gian trống ở giữa. Người nhảy việc đã xác định và lựa chọn trước rằng mình sẽ chuyển sang làm việc ở đâu, trước khi nghỉ việc ở công ty cũ.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khi chúng ta sẽ không có đủ thời gian để suy nghĩ, cân nhắc, không có khoảng thời gian trống sau khi nghỉ việc để nghỉ ngơi, nhìn lại chính mình xem mình thật sự muốn làm gì, muốn công việc mới như thế nào… Vậy để chắc chắn rằng quyết định nhảy việc của mình là đúng đắn và sau này không phải hối hận thì chúng ta cần cân nhắc 4 điều sau:
1. Nhảy việc vì lý do gì?
Dù nhảy việc với lý do gì thì đầu tiên cũng cần phải có lý do. Chính mình phải biết rõ rằng vì sao mình muốn nhảy việc, chứ không phải chỉ nhảy việc theo cảm tính, hoặc thấy người khác nhảy việc thì mình nhảy theo.
Có rất nhiều lý do khiến chúng ta nảy ra suy nghĩ muốn nhảy việc. Đó có thể là vì áp lực công việc quá lớn, vì bất đồng quan điểm với cấp trên, vì không thể teamwork tốt với đồng nghiệp. Cũng có thể vì chúng ta cảm thấy mình không thể phát triển ở công việc hiện tại, chưa phát huy hết năng lực bản thân, chưa đóng góp được nhiều điều cho công ty,… Đó cũng có thể là vì chúng ta thay đổi định hướng, muốn cho mình một hướng đi mới. Đó cũng có thể là vì công ty mới có mức lương hấp dẫn và nhiều hứa hẹn hơn, đây là nguyên nhân khá phổ biến khiến không ít người ra quyết định nhảy việc.
>> 7 lý do nghỉ việc phổ biến nhất hiện nay
2. Nhảy việc có phải giải pháp tối ưu nhất?
Sau khi đã xác định được lý do muốn nhảy việc, chúng ta cần phải cho mình thời gian để suy ngẫm lại xem lý do đó có đáng để chúng ta kết thúc công việc hiện tại và chuyển sang một công việc mới hay không. Liệu nhảy việc có phải giải pháp tối ưu nhất giúp chúng ta giải quyết được vấn đề của mình hay không? Ngoài nhảy việc thì còn giải pháp nào khác hay không? Thời điểm hiện tại có tối ưu nhất, có phải là thời điểm phù hợp nhất để nhảy việc hay không? Chúng ta phải trả lời được rõ ràng, cụ thể tất cả câu hỏi đó rồi mới đưa ra quyết định. Đừng vội đưa ra quyết định quá nhanh để rồi sau này phải hối tiếc.
Chẳng hạn như việc chúng ta đang có bất đồng quan điểm với cấp trên, hãy set up một cuộc họp để hai bên trao đổi thẳng thắn với nhau, cùng làm rõ những mâu thuẫn, những hiểu lầm với nhau,… đó có thể là một giải pháp tốt hơn là bất bình nhưng không nói ra, rồi âm thầm nghỉ việc. Còn nếu sau khi trao đổi thẳng thắn mà hai bên không hoà hợp được thì chúng ta cứ cân nhắc phương án nhảy việc thôi.
3. Công việc mới có những cơ hội và thách thức nào?
Tiếp theo, chúng ta phải xác định rõ xem công việc mới mà chúng ta định chuyển sang sẽ có những cơ hội nào. Chẳng hạn như cơ hội là có mức lương cao hơn, đãi ngộ tốt hơn, sẽ không gặp phải những vấn đề mà mình đang không thích ở công việc hiện tại. Ôi công việc mới hoàn hảo quá. Đừng! Đừng đứng núi này trông núi nọ! Chúng ta cần phải tỉnh táo hơn.
Bên cạnh cơ hội thì chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn vào những thách thức nữa. Chẳng hạn như thách thức là phải làm việc ở một thành phố mới mà mình chưa từng đến hoặc phải sử dụng Tiếng Anh thường xuyên,… Rồi cân nhắc xem mình có đủ năng lực và tự tin để nắm bắt các cơ hội và đối đầu với các thách thức đó hay không.
>> Cơ hội và thách thức khi theo đuổi công việc lương cao?
4. Công việc mới có thể gắn bó lâu dài không?
Ai cũng muốn tìm một công việc mà mình có thể gắn bó lâu dài, nhà tuyển dụng cũng muốn tìm kiếm một nhân viên gắn bó lâu dài với công ty. Chính vì thế, điều cuối cùng mà chúng ta cần phải xác định rõ chính là mình có thể gắn bó lâu dài với công việc đó hay không? Cụ thể rằng mình có thể gắn bó tối thiểu bao nhiêu năm. Chứ đừng nghĩ rằng thôi mình cứ thử sức, vạn sự tuỳ duyên, nếu làm tốt thì sẽ gắn bó. Không! Không được có “nếu” ở đây! Khi quyết định nhảy việc thì mọi thứ phải rõ ràng, chính xác, chứ không thể mập mờ như vậy.
Một tip để xác định xem mình có thể gắn bó lâu dài với công việc mới hay không chính là hãy tìm hiểu thật kỹ về công ty đó, về công việc đó và tự hỏi bản thân mình xem mình có thích làm công việc đó hay không, động lực làm việc của mình là gì, lý do vì sao mình quyết định lựa chọn công việc đó. Người ta vẫn thường nói rằng trước khi từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do mình bắt đầu. Chính vì thế, khi có lý do rõ ràng rằng vì sao mình lựa chọn công việc mới đó thì sau này các em sẽ có thể gắn bó lâu dài hơn, sẽ ít khả năng nghĩ đến việc từ bỏ nó để tiếp tục nhảy sang một công việc khác.
>> Đi làm vì lương hay đi làm vì đam mê?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.