Những Câu Nói Kém Duyên Sinh Viên Không Muốn Nghe Trong Đầu Năm Mới

Tết đến là dịp để sinh viên sum họp, gặp mặt gia đình, họ hàng, người thân. Đáng lẽ ra đây là khoảng thời gian mà các em cảm thấy thoải mái nhất, vui vẻ nhất, nhưng tự dưng lại bị “nghẹn họng” trước những câu nói “xà lơ”, kém duyên trong năm mới. Mới đầu năm đầu tháng, nên các em cũng phải hiền dịu, không muốn khẩu nghiệp, vậy nên phản hồi thế nào trước những câu nói kém duyên mà sinh viên không muốn nghe trong đầu năm mới?

>> Gợi ý thời gian biểu 5 ngày Tết cho sinh viên

Điểm trung bình năm nay có được loại giỏi không?

Hồi còn học cấp 2, cấp 3, thì các em phải đối mặt với câu hỏi “có được học sinh giỏi không”, bây giờ lên đại học rồi vẫn không tránh khỏi câu hỏi tương tự, có khi còn bị đem ra so sánh với “con nhà người ta” nữa. Mặc dù học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên, ai cũng muốn mình sẽ đạt kết quả học tập tốt, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người lớn được quyền lấy kết quả học tập của các em ra so sánh, chê bai nếu như nó chưa tốt, nhất là trong dịp năm mới. Khi gặp phải câu nói kém duyên đầu năm này, sinh viên không nên im lặng hoặc lảng tránh khi mình không được loại giỏi, mà cứ trả lời theo cách là điểm số chưa phải là điều quan trọng, sau này ra trường thành công hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, và mình đang trau dồi đầy đủ các yếu tố chứ không quá quan trọng điểm số hay xếp loại học lực giỏi.

Sao học ngành đó, mà không học ngành này, ngành kia?

Đối với tân sinh viên, thì việc chọn ngành học cũng là điều có thể được lôi ra để bàn tán vào dịp đầu năm mới. Một số người lớn thường sẽ vô tư nói những câu kém duyên đầu năm như “Sao học ngành đó, mà không học ngành này, ngành kia giàu hơn?”. Thật ra việc chọn ngành học vừa phụ thuộc vào điểm số, cũng vừa phụ thuộc vào sở thích và mong muốn của mỗi người, chứ không nên có quan điểm so sánh ngành này với ngành nọ, rồi cho rằng phải học bác sĩ, kỹ sư,… thì mới giàu, còn những ngành nghe tên thấy lạ lạ, thì lại chê bai, so sánh. Khi nhận được câu hỏi này, thì sinh viên chỉ cần trả lời rằng vì mình thích ngành học này, mình đã tìm hiểu kỹ và muốn làm việc trong ngành này khi ra trường, nếu ngành đó quá mới lạ, thì các em có thể giải thích rõ hơn rằng sau này ra trường sẽ làm những việc gì để cho người lớn hiểu rõ.

>> Bí quyết chọn ngành học phù hợp với bản thân

Kén cá chọn canh nên chưa có người yêu đúng không?

Bên cạnh chủ đề học tập, thì chuyện yêu đương, người yêu cũng là chủ đề mà mọi người thường buột miệng hỏi vào dịp Tết, dù biết đây là chuyện cá nhân, chuyện tế nhị. “Cháu có người yêu chưa?” hay “Kén cá chọn canh nên chưa có người yêu đúng không?” là những câu nói kém duyên đầu năm mà sinh viên thường gặp nhất. Nhiều bạn ngại đỏ mặt, rồi vội chuồn đi chỗ khác khi được hỏi câu này, nhưng thật ra có một cách phản hồi cực kỳ đơn giản mà sinh viên có thể tham khảo, đó chính là “Cháu tập trung học tập chứ chưa nghĩ tới chuyện yêu đương”. Một câu trả lời vừa lịch sự, vừa đi thẳng vào vấn đề, vừa thể hiện rằng mình là một sinh viên chăm ngoan, xứng đáng được nhận tiền lì xì.

Đã đi làm thêm để phụ giúp gia đình chưa?

Nếu như người lớn phải đối mặt với những câu hỏi về tiền bạc, chẳng hạn như “lương tháng bao nhiêu”, “năm nay thưởng Tết bao nhiêu”, “gửi được bao nhiêu tiền cho bố mẹ”,… thì sinh viên cũng có thể gặp những câu nói kém duyên đầu năm rằng “Đã đi làm thêm để phụ giúp gia đình chưa?” – Thật ra sinh viên đi làm thêm hay không là chuyện không bắt buộc, các em có thể chủ động quyết định điều đó, vì nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là học tập, chứ không phải kiếm tiền.

Nếu các em đã đi làm thêm rồi, thì cứ trả lời rằng mình đã đi làm thêm, nhưng không quá quan trọng tiền lương, mà chủ yếu là quan sát, học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện thêm các kỹ năng mềm. Còn nếu mình chưa đi làm thêm, thì cứ trả lời giống như câu hỏi về người yêu như ở phần trước, tức là mình quan trọng nhiệm vụ học tập hơn, chứ không đặt nặng việc đi làm thêm kiếm tiền và ba mẹ cũng đồng ý với điều đó, cũng muốn các em học tốt chứ chưa bắt phải đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

>> 6 việc làm thêm sinh viên part time lương cao năm 2023

Câu nói kém duyên đầu năm – Có được học bổng không?

Cứ tưởng sau 2 câu đầu tiên, thì đã thoát được chủ đề học hành, nhưng không, vẫn còn một câu hỏi “chí mạng” mà sinh viên có thể gặp phải vào dịp đầu năm mới, đó chính là “Năm rồi có được học bổng không?”. Đồng ý rằng được học bổng là một điều tốt, là một thành tích đáng tự hào của học sinh – sinh viên, nhưng nó không nên là điều được đem ra hỏi trong dịp đầu năm mới, rồi so sánh này kia khi các em không được học bổng. Điều đó vừa kém duyên, vừa tạo cảm giác buồn bực, vừa hơi “xu” khi tự dưng mới đầu năm mà đã bị chê bai việc học hành. Khi nhận được câu hỏi này, các em cứ trả lời tương tự như câu hỏi về điểm trung bình có được loại giỏi không.

Câu nói kém duyên đầu năm: Hình như cháu mập ra nhỉ?

Úi, tự dưng mới đầu năm mà đã bị body shaming “Hình như cháu mập ra nhỉ?”, đây là một trong những câu nói kém duyên đầu năm khá phổ biến, nhiều khi sau khi “buột miệng” nói ra thì người ta mới phát hiện rằng nó kỳ cục. Chính vì thế, các em cũng không nên quá bận tâm hay mất công giải thích quá nhiều, mà chỉ việc nói vui là “mập dễ thương”, “béo đáng yêu”, hoặc là mập hay ốm gì cũng không quan trọng lắm, miễn sao mình là con ngoan trò giỏi là được.

>> Sinh viên phải làm sao khi bị body shaming?

Câu nói kém duyên đầu năm – Sao mặt mụn nhiều thế?

“Sao năm nay mặt mụn nhiều thế” cũng là một trong những câu hỏi mang tính “sát thương” khá cao, và cũng là câu nói kém duyên đầu năm mà sinh viên không muốn nghe một chút nào. Các em đang ở độ tuổi dậy thì nên việc mặt bị mụn là điều hoàn toàn bình thường, chỉ cần mình thay đổi lại về cách ăn uống, chú ý làm sạch da mặt, thì một thời gian sau sẽ hết mụn thôi, nên cũng không cần quá lo lắng về điều đó. Tuy nhiên, khi bị hỏi như vầy vào dịp Tết thì nó hơi xui xẻo và kỳ cục, mà các em cũng không cần phải giải thích gì nhiều, chỉ cần cười trừ thôi cũng được.

Cháu lớn rồi chắc không cần lì xì đâu nhỉ?

Trùm cuối đây rồi – “Cháu lớn rồi chắc không cần lì xì đâu nhỉ?” – Có thể đây là một câu nói đùa, nhưng thật sự là nó hơi kỳ cục và không nên nói ra trong dịp đầu năm mới. Thật ra dù sinh viên đã lên đại học, nhưng mình vẫn còn đang trong độ tuổi ăn học, cũng chưa lập gia đình, nên vẫn còn được nhận tiền lì xì, chứ không phải lên đại học là sẽ bị cho ra rìa đâu. Đáp lại câu này, các em chỉ cần nói đùa lại rằng “Cháu vẫn còn nhỏ mà”, hoặc là “Cháu nhận lì xì lấy hên thôi chứ cũng không quan trọng giá trị đâu ạ”, rồi nở một nụ cười thân thiện, chúc Tết và ngồi chờ tiền lì xì thôi.

Trên đây là một số câu nói kém duyên đầu năm mà sinh viên không muốn nghe, nhưng nếu lỡ gặp phải thì các em cũng cần giữ bình tĩnh, không nên bực bội, cũng không nên thái độ này kia, thay vào đó, các em có thể tham khảo một số cách phản hồi được gợi ý trong bài viết này. Chúc các em có một năm mới vạn sự như ý và học tốt nhé!

>> Nghỉ Tết có nên mang sách vở về quê ôn bài không?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Tân Sinh Viên Thấy Mình Học Kém Thì Phải Làm Sao?

Học Song Ngành & Văn Bằng 2 Khác Nhau Thế Nào?

Sinh Viên Thuê Trọ Ở Ghép & Cách Chọn Bạn Cùng Phòng