Giao tiếp là một kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng, giúp ích rất nhiều cho bạn trong học tập, công việc và đời sống. Sẽ rất tuyệt vời nếu vốn dĩ bạn là một người năng động, hoạt ngôn, thoải mái nói chuyện với bất kỳ ai và có khả năng truyền đạt một cách dễ hiểu. Ngược lại, nếu bạn là người nói chuyện lan man, dài dòng, thì sẽ dễ khiến đối phương cảm thấy mệt, khó hiểu, thậm chí còn hiểu sai, hiểu lầm ý của mình, kèm theo nhiều hệ luỵ tai hại khác. Vậy nói chuyện lan man, dài dòng thì phải làm sao để khắc phục? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!
>> Kỹ năng giao tiếp cơ bản khi đi làm mà bất kỳ ai cũng cần có
Dấu hiệu cho thấy bạn nói chuyện lan man, dài dòng
Nói chuyện lan man, dài dòng là một nhược điểm trong giao tiếp, thường thì ít ai chủ động thừa nhận rằng mình đang có khuyết điểm ấy. Tuy nhiên, nếu bạn cứ mãi trốn tránh, không đối diện để tìm phương án xử lý, khắc phục, thì điều đó cũng không tốt cho bạn trong tương lai. Nếu bạn vẫn còn ngờ ngợ, chưa thể khẳng định liệu mình có nói chuyện lan man, dài dòng không, thì hãy điểm qua một số dấu hiệu sau đây:
- Một nội dung người khác nói trong 5 phút, bạn sẽ diễn đạt tận 20-30 phút hoặc nhiều hơn;
- Có một vài ý nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến người nghe cảm thấy mông lung, lan man;
- Dạn dĩ khi giao tiếp với mọi người, hỏi thăm, nói chuyện với người lạ như đã thân quen từ lâu;
- Thoải mái nói chuyện về bất kỳ chủ đề nào, cho dù có biết nhiều thông tin về nó hay không;
- Thường có xu hướng nói không ngừng nghỉ, nếu không có ai cắt ngang thì không biết khi nào kết thúc;
- Khó lòng truyền đạt thông điệp khi giao tiếp với người đối diện, vì cách nói chuyện không đi vào trọng tâm, mà cứ lan man ở những thông tin ngoài lề, lặp đi lặp lại những điều không phải mấu chốt;
- Thường khiến người khác cảm thấy khó chịu khi giao tiếp, thậm chí có nhiều lần bị người khác giận vì hiểu sai, hiểu lầm ý của mình, trong khi bản thân thật sự không có ý đó…
Tác hại khi giao tiếp chưa tốt, không nói vào trọng tâm
Nếu bạn có từ 3-4 dấu hiệu kể trên, thì khả năng cao rằng bạn đang là một người nói chuyện lan man, dài dòng, và đây thật sự là một tín hiệu đáng buồn, khiến bạn phải đối mặt với nhiều tác hại mà mình không hề mong muốn. Đầu tiên, điều này sẽ khiến những người đối diện cảm thấy mệt mỏi, chán nản với những cuộc trò chuyện khi mà bạn nói quá nhiều, nói liên tục về những điều mà họ đã biết, đã hiểu, nhưng bạn vẫn lặp lại nhiều lần. Điều này có thể kéo theo việc bạn đánh mất đi một số mối quan hệ, vì mọi người không muốn phải suốt ngày nghe bạn huyên thuyên.
Tiếp theo, bạn sẽ khó lòng đạt được mục tiêu trong các cuộc giao tiếp, nhất là trong những buổi nói chuỵện, đàm phán, trao đổi công việc, dễ khiến khách hàng, đối tác cảm thấy bực mình, thậm chí hiểu sai, hiểu lầm các thông tin quan trọng. Hoặc khi giao tiếp trong công việc với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, nếu bạn là người nói chuyện lan man, dài dòng, sẽ khiến mọi người cảm thấy ngán ngẩm, quá mệt khi phải nói chuyện, thậm chí họ cũng sẽ bán tín bán nghi, không dám tin hoàn toàn vào những thông tin mà bạn truyền đạt, về lâu dài sẽ khó làm việc chung, hoặc gây ra những hiểu lầm, sai sót trong công việc do đứt gãy, sai lệch thông tin, kéo kết quả làm việc đi xuống. Thậm chí, điều này cũng có thể hạn chế cơ hội thăng tiến của bạn, vì mình đã không khéo ăn nói, mà lại còn nói chuyện lan man, không nói vào trọng tâm, khiến công việc bị ảnh hưởng xấu, thì làm sao công ty dám tin tưởng trao quyền nhiều hơn cho bạn được?
>> Gặp đồng nghiệp soi mói, nhiều chuyện thì phải làm sao?
Nói chuyện lan man, dài dòng – làm sao để khắc phục?
Ở phần trước, chúng ta đã điểm qua một số tác hại khi giao tiếp chưa tốt, nói chuyện lan man, dài dòng, không nói vào trọng tâm, và tất nhiên trong thực tế vẫn tồn tại nhiều rủi ro khác mà bạn chưa thể nào lường trước. Chắc chắn rằng chẳng ai mong muốn bản thân mình phải đối diện với nhiều rủi ro và tác hại như thế, vậy làm sao để bạn khắc phục, tránh để mình tiếp tục nói chuyện lan man, dài dòng? Đầu tiên, bạn hãy cố gắng tiết chế sự năng động của mình lại, vẫn thoải mái giao tiếp, nhưng có xu hướng nói ít hơn, lắng nghe nhiều hơn, thay đổi từ từ bạn sẽ làm được, điều này cũng góp phần giúp bạn lắng nghe được cách nói chuyện của những người xung quanh, xem họ có những điểm hay nào, lập luận tốt thế nào, xoáy vào trọng tâm ra sao, thì bạn có thể học hỏi để tự áp dụng cho mình.
Tiếp theo, trong quá trình giao tiếp, bạn cần tự vạch trước các luận điểm quan trọng trong đầu, xâu chuỗi chúng lại cho logic, rồi triển khai từng nội dung một, bám sát trọng tâm, cố gắng không đi chệch hướng, không nói chuyện lan man, để người nghe có thể dễ dàng hiểu và ghi nhớ những gì mình trao đổi, tránh trường hợp hiểu sai, hiểu lầm. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý quan sát xem đối phương đã hiểu rõ những gì rồi, thì sẽ không lặp lại điều đó nữa, để tránh biến cuộc hội thoại trở nên dài dòng, nhàm chán, tránh mất thời gian nói lại những điều đã biết, đã hiểu.
Bài viết này đã giúp bạn nắm được những dấu hiệu nhận biết và điểm qua một số tác hại khi giao tiếp chưa tốt, không nói vào trọng tâm, đồng thời, đưa ra một số phương án giúp bạn khắc phục tình trạng nói chuyện lan man, dài dòng. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Ngại giao tiếp, hướng nội phải làm sao để tự tin hơn?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.