Khi lên đại học, tân sinh viên sẽ phải làm quen với môi trường mới, bạn bè mới, môn học mới và cả cách tính điểm mới nữa. Ở đại học, các em sẽ làm quen với khái niệm điểm quá trình, tức là mức điểm đánh giá toàn bộ quá trình học tập của các em trong từng môn học, xem các em có chăm chỉ không, có hiểu bài không, có nắm vững kiến thức chưa. Trong bài viết này, Tự Tin Vào Đời sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cách tính điểm trung bình và xếp loại tốt nghiệp ở đại học. Từ đó, sẽ giải đáp thắc mắc của đa số sinh viên năm nhất rằng “Điểm quá trình có quan trọng không?”.
>> Cách tính điểm quá trình ở đại học
Cách tính điểm trung bình và xếp loại tốt nghiệp
Điểm trung bình tích luỹ ở đại học sẽ là điểm trung bình của các môn mà sinh viên đã học tính đến thời điểm hiện tại. Chẳng hạn như hiện tại các em đã học xong 10 môn, thì trung bình của 10 môn đó sẽ được gọi là điểm trung bình tích luỹ. Chi tiết cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học, các em có thể tham khảo tại đây. Nếu sinh viên đặt mục tiêu rằng mình sẽ tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại xuất sắc, thì phải luôn theo dõi sát sao điểm trung bình tích luỹ của mình, vì nó sẽ quyết định xếp loại tốt nghiệp của các em sau 4 năm đại học. Cụ thể hơn, các em có thể tham khảo ở bên dưới.
Xếp loại tốt nghiệp theo thang điểm 10 sẽ bao gồm những bậc sau:
- Loại xuất sắc: Điểm trung bình tích luỹ từ 9.0 trở lên;
- Loại giỏi: Điểm trung bình tích luỹ từ 8.0 tới dưới 9.0;
- Loại khá: Điểm trung bình tích luỹ từ 6.5 tới dưới 8.0;
- Loại trung bình: Điểm trung bình tích luỹ từ 5.0 tới dưới 6.5.
Còn xếp loại tốt nghiệp theo thang điểm 4 sẽ tương ứng có những bậc sau:
- Loại xuất sắc: Điểm trung bình tích luỹ từ 3.6 trở lên;
- Loại giỏi: Điểm trung bình tích luỹ từ 3.2 tới dưới 3.6;
- Loại khá: Điểm trung bình tích luỹ từ 2.5 tới dưới 3.2;
- Loại trung bình: Điểm trung bình tích luỹ từ 2.0 tới dưới 2.5.
>> Làm thế nào để sinh viên có kết quả học tập tốt?
Điểm quá trình ảnh hưởng thế nào đến điểm trung bình?
Điểm trung bình từng môn học sẽ bao gồm 2 thành phần chính, đó là điểm quá trình và điểm cuối kỳ. Thông thường, điểm cuối kỳ chính là điểm bài thi cuối kỳ, còn điểm quá trình sẽ bao gồm nhiều thành phần bên trong, chẳng hạn như điểm chuyên cần, điểm kiểm tra miệng, điểm kiểm tra giữa kỳ, điểm thuyết trình nhóm, điểm tiểu luận nhóm, điểm cộng phát biểu,… Tức là để đạt được điểm quá trình tốt thì sinh viên cũng phải “trầy da tróc vẩy”, phải “toát mồ hôi”, chứ chẳng phải chuyện đơn giản. Đến đây thì chắc các em cũng phần nào giải đáp được thắc mắc rằng điểm quá trình có quan trọng không, nhưng để làm rõ hơn, thì hãy cùng tìm hiểu xem điểm quá trình ảnh hưởng thế nào đến điểm trung bình nhé.
Thông thường, điểm quá trình sẽ chiếm từ 30% đến 50% điểm trung bình môn học. Tức là nếu sinh viên cố gắng tập trung học tập, lấy được điểm quá trình cao, thì sẽ nhẹ nhõm và bớt áp lực hơn khi làm bài thi cuối kỳ, vì dù sao thì điểm quá trình cũng có thể kéo điểm trung bình môn học lên. Ngược lại, nếu như sinh viên đạt điểm quá trình thấp, thậm chí dưới trung bình, thì sẽ cực kỳ áp lực khi đối diện với bài thi cuối kỳ, vì sơ hở một tí là các em có thể bị rớt môn.
Điểm quá trình có quan trọng không?
Điểm trung bình tích luỹ của sinh viên sẽ phụ thuộc vào điểm trung bình từng môn học. Điểm trung bình từng môn học sẽ phụ thuộc vào điểm quá trình. Vậy điểm quá trình có quan trọng không? – Tất nhiên câu trả lời là có, vì nó ảnh hưởng đến điểm trung bình tích luỹ và xếp loại tốt nghiệp khi ra trường của các em. Và từng thành phần của điểm quá trình, chẳng hạn như điểm thi giữa kỳ, điểm thuyết trình nhóm, điểm tiểu luận nhóm… cũng đều cần được chú trọng, chỉ cần các em lơ là một tí thì đều sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập của mình.
Chẳng hạn như nếu sinh viên làm thuyết trình nhóm sơ sài, kiểm tra giữa kỳ điểm thấp, khiến điểm quá trình chỉ đạt 4.0, thì cho dù điểm thi cuối kỳ có được 8.0, thì điểm trung bình môn học cũng chỉ đạt khoảng 6.0 – một kết quả không mấy tốt đẹp, và chắc chắn sẽ kéo điểm trung bình tích luỹ của các em xuống. Chính vì thế, tất cả điểm số trong suốt quá trình học, bao gồm cả điểm quá trình lẫn điểm cuối kỳ đều rất quan trọng. Sinh viên nếu muốn có xếp loại tốt nghiệp như mong muốn, thì cần phải luôn chăm chỉ, cố gắng, nỗ lực học tập nhé. Chúc các em học tốt!
>> Sinh viên phải làm sao khi liên tiếp bị điểm kém?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.