Thông thường, chương trình học của sinh viên đại học sẽ kéo dài trong 4 năm, đó là khi các em theo học xuyên suốt, không bị gián đoạn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bất đắc dĩ sinh viên phải tạm hoãn việc học tập, bảo lưu kết quả học tập một thời gian. Tức là các em tạm dừng việc học, bảo lưu kết quả điểm số, rồi sau đó sẽ tiếp tục việc học khi mình đã sắp xếp được thời gian, ổn định công việc cá nhân. Vậy nếu có nhu cầu bảo lưu kết quả học tập ở đại học thì sinh viên cần làm thủ tục như thế nào và cần lưu ý những điều gì?
>> Sinh viên được quyền bảo lưu kết quả học tập trong trường hợp nào?
Sinh viên bảo lưu kết quả học tập vì những lý do gì?
Thật ra chẳng sinh viên nào muốn việc học của mình bị tạm dừng, vì sau này khi bắt đầu đi học lại thì các em sẽ bị quên kiến thức, lại phải mất thời gian ôn lại kiến thức cũ. Chính vì thế, sinh viên thường chỉ bảo lưu kết quả học tập trong những trường hợp bất đắc dĩ, bất khả kháng như:
- Lý do sức khoẻ: Sinh viên bị ốm, sức khoẻ yếu cần nhập viện điều trị, hoặc bị tai nạn phải tạm dừng việc học để ưu tiên điều trị theo yêu cầu của bác sĩ;
- Lý do tài chính: Tài chính gia đình khó khăn, không trang trải được tiền học phí, nên sinh viên đành phải bảo lưu kết quả học tập đến khi ổn định tài chính thì mới tiếp tục theo học;
- Lý do du học: Sinh viên trúng tuyển đi du học, nên bảo lưu kết quả để đi du học, rồi sau này về lại sẽ tiếp tục học để lấy được 2 bằng tốt nghiệp, tránh việc bỏ học luôn sẽ khá uổng phí;
- Lý do riêng: Một số trường hợp sinh viên vì nhiều lý do riêng, hoặc do từ phía gia đình có biến cố nên đành phải bảo lưu kết quả học tập một thời gian cho đến khi ổn định lại mới sắp xếp học tiếp.
Thủ tục bảo lưu kết quả học tập ở đại học
Khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định sẽ bảo lưu kết quả học tập, tạm hoãn việc học một thời gian, thì sinh viên cần tìm hiểu về thủ tục bảo lưu, để đảm bảo mình làm đúng quy trình và có thể bảo lưu kết quả học tập thành công. Thủ tục bảo lưu kết quả học tập ở đại học gồm những bước sau:
- Bước 1: Sinh viên cần đến phòng đào tạo của trường để xin bảng điểm, vì đây là căn cứ quan trọng để lưu lại kết quả học tập, đảm bảo giữ nguyên điểm số các môn mà mình đã hoàn thành;
- Bước 2: Sinh viên nộp bảng điểm và đơn đề nghị tạm hoãn việc học tại văn phòng khoa, trong đơn này, sinh viên cần ghi rõ các thông tin cá nhân, họ tên, lớp, khoa, trình bày cụ thể lý do xin bảo lưu, thời gian muốn bảo lưu dự kiến và ký tên xác nhận;
- Bước 3: Trưởng khoa ký xác nhận và gửi về phòng đào tạo của trường để bảo lưu kết quả học tập;
- Bước 4: Nếu trong hồ sơ còn thiếu sót, sinh viên cần phối hợp với văn phòng khoa và phòng đào tạo để nhanh chóng bổ sung đầy đủ, nhằm đảm bảo thủ tục bảo lưu được thực hiện thành công.
>> Có thể bảo lưu kết quả học tập đại học bao lâu?
Những điều cần lưu ý khi bảo lưu kết quả học tập
Sau khi nắm được thủ tục bảo lưu kết quả học tập ở đại học, sinh viên cũng cần điểm qua một số lưu ý quan trọng. Đầu tiên, không phải trường hợp nào cũng được bảo lưu kết quả học tập, mà sinh viên cần phải thoả mãn điều kiện rằng các em đã hoàn thành ít nhất 1 học kỳ tại trường nếu bảo lưu vì những lý do cá nhân, đồng thời, sinh viên không thuộc đối tượng bị xem xét thôi học hoặc kỷ luật. Nếu các em không thoả mãn những điều ấy thì việc bảo lưu sẽ bị phòng đào tạo từ chối.
Ngoài ra, khi quyết định bảo lưu kết quả học tập, thì sinh viên cũng cần lưu ý rằng điều đó sẽ khiến việc học của mình bị gián đoạn, trong suốt khoảng thời gian bảo lưu ấy, sẽ có những kiến thức mà mình quên mất, rồi sau này đi học lại sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn, để vừa học kiến thức mới, vừa ôn lại kiến thức cũ. Ngoài ra, bảo lưu kết quả học tập cũng khiến sinh viên phải tốt nghiệp ra trường trễ hơn những bạn đồng trang lứa, mang đến cho các em nhiều áp lực, nhất là khi nhìn thấy bạn bè xung quanh đều đã đi làm kiếm tiền, còn mình thì vẫn đang phải ngồi học trên trường.
Đừng quá lo lắng khi phải tốt nghiệp ra trường trễ
Tốt nghiệp ra trường trễ là điều mà chắc chắn những ai bảo lưu kết quả học tập sẽ phải đối mặt, khi đó, có thể các em sẽ ra trường trễ 1 học kỳ, nhưng cũng có thể lên đến 1-2-3 năm. Điều này mang lại 1 bất lợi duy nhất, đó chính là sinh viên sẽ đi làm trễ hơn, tiếp xúc với công việc trễ hơn những bạn đồng trang lứa, chứ nó sẽ không khiến các em đánh mất cơ hội việc làm. Nhà tuyển dụng sẽ không soi mói việc vì sao các em ra trường trễ, nhất là khi mình phải bảo lưu kết quả học tập vì những trường hợp bất đắc dĩ. Điều quan trọng là các em tập trung học, cố gắng học tốt, nắm vững kiến thức chuyên ngành, thành thạo nhiều kỹ năng mềm liên quan tới công việc, thì khi tốt nghiệp ra trường vẫn sẽ có rất nhiều công việc tốt để mình ứng tuyển, chứ đừng quá lo lắng khi phải tốt nghiệp ra trường trễ vì bảo lưu kết quả học tập.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được thủ tục và những lưu ý khi bảo lưu kết quả học tập ở đại học. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Ra trường trễ có bị hạ bằng tốt nghiệp không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.