Chúng ta có quyền nhìn nhận, đánh giá những hành động, sự việc diễn ra xung quanh mình, và lựa chọn cách phản hồi, góp ý để người khác nhận biết, tiếp thu và kịp thời thay đổi, hoàn thiện theo hướng tích cực hơn. Đó là điều tốt, điều bình thường mà mình nên làm và có thể làm. Tuy nhiên, nếu lúc nào cũng đánh giá người khác và hành động của họ theo hướng tiêu cực, rồi buông những lời chê bai thiếu tế nhị, thì đó là hành động nên tránh, nên kiểm soát và tiết chế. Trước khi chê bai người khác, hãy nhìn lại xem mình đã làm được gì?
>> Đi làm bị cấp trên chê thì phải làm sao?
Thực trạng chê bai online ngày càng phổ biến
Nếu như khoảng 10-15 năm trước, mạng xã hội chưa phát triển, chúng ta chỉ có thể chứng kiến và đánh giá những sự việc, hành động diễn ra trước mắt, xung quanh mình, thì hiện tại, hầu như chúng ta tiếp cận thông tin rất dễ dàng, nắm được những sự việc, hành vi của những người xa lạ, thông qua những bài đăng, video trên các trang mạng xã hội. Khi mình không phải người trong cuộc, sự việc ấy cũng chẳng liên quan gì tới mình, nhưng chẳng hiểu sao nhiều người vẫn vội vàng đánh giá, bình luận quan điểm, ý kiến một cách kịch liệt, thậm chí còn chê bai gay gắt. Liệu đó là điều bình thường, hay là tình trạng tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội sai cách? Trong phần tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu xem chê bai người khác tiềm ẩn những tác hại tiêu cực nào?
Chê bai người khác tiềm ẩn những tác hại tiêu cực nào?
Có thể bạn đã từng chê bai người khác vài lần, sau đó thấy cũng không sao cả, người ta chẳng chửi lại mình, cũng không có phản ứng tiêu cực trước mắt bạn, rồi từ đó bạn cho rằng đó là điều bình thường, thậm chí còn nghĩ rằng lời chê bai ấy đã giúp họ tốt hơn, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, điều đó chưa chắc, nhiều khi trong đầu họ đã đánh giá rằng bạn là một người kỳ cục, vô duyên, chê bai cho sướng miệng chứ cũng chẳng có ý tốt gì, chỉ đơn giản là họ không muốn xích mích nên không thể hiện cho bạn thấy thôi, chứ khi bạn chê bai người khác 2-3 lần thì mặc nhiên họ đã không thích bạn luôn rồi.
Bên cạnh đó, khi thường xuyên chú ý, soi mói để chê bai người khác, thì bạn đang tự lãng phí thời gian vào những việc ít liên quan hoặc không liên quan tới mình, khiến bạn bị xao nhãng những công việc mà mình đang cần tập trung hoàn thành. Chưa kể tới trường hợp thường xuyên hóng hớt, đánh giá những điều trên mạng, thì sẽ càng khiến bạn tiêu tốn nhiều thời gian hơn, mất công bận tâm tới chuyện của người khác, còn chuyện của mình thì lại không tập trung, để kết quả học tập/làm việc sa sút. Song song đó, khi chê bai người khác một cách thường xuyên, thì tự dưng điều đó sẽ trở thành thói quen xấu khó bỏ, ăn sâu vào trong tâm trí bạn, và kéo theo nhiều hệ luỵ khôn lường khác.
>> Bị chê thuyết trình kém hấp dẫn, phải làm sao để cải thiện?
Trước khi chê bai người khác, hãy nhìn xem mình đã làm được gì?
Đã có bao giờ bạn thử đặt mình vào vị trí của những người bạn từng chê bai chưa, xem họ cảm thấy thế nào, bị tác động ra sao tới tâm lý, nếu mà chê bai đúng thì cũng đỡ, chứ nếu bị chê không đúng sự thật, hiểu lầm, đánh giá ác ý trong khi bản thân họ không có ý đó, thì thật sự sẽ rất tệ. Song song đó, trước khi chê bai người khác, bạn hãy nhìn lại xem liệu mình đã làm được gì, mình có tốt hơn họ không, có chắc là bạn giỏi hơn những người mình chê bai không, có chắc rằng bạn toàn diện, hoàn hảo tuyệt đối, lúc nào làm gì cũng chuẩn chỉnh không?
Sẽ có một số ý kiến trái chiều xoay quanh chuyện này, chung quy lại thì bạn vẫn có thể đánh giá, nhận xét, góp ý cho người khác một cách tế nhị, mang tính xây dựng, muốn tốt cho họ, chứ không nên mặc nhiên biến chuyện đó thành hành động chê bai, lúc nào cũng chê trách người khác, soi mói vào những điểm chưa tốt, mà không chịu nhìn vào những điểm tích cực mà họ đã làm được, những giá trị tốt mà họ đã tạo ra. Đừng cho rằng mình là người kèo trên, hoàn hảo, tốt hơn, giỏi hơn ai đó, vì mọi sự so sánh đều sẽ chưa toàn diện, chưa phản ánh chính xác, và cũng không nên hơn thua với người khác, thay vào đó, mỗi chúng ta hãy tự cố gắng hoàn thiện bản thân, trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, đó mới là mục tiêu quan trọng mà bạn nên tập trung và nỗ lực hướng đến. Chứ đánh giá, phán xét, chê bai người khác cũng chẳng giúp bạn trở nên tốt hơn, ngầu hơn.
Bài viết này đã phân tích một số quan điểm xoay quanh chuyện trước khi chê bai người khác, hãy nhìn xem mình đã làm được gì? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Cách xử lý khéo léo khi bị người khác chê
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.