Tự tin nhưng đừng tự cao, đây là điều mà chúng ta cần phải luôn ghi nhớ, và ứng dụng được trong mọi hoàn cảnh, chứ không riêng gì chuyện tìm việc làm, phỏng vấn. Tức là bạn có thể chuẩn bị kỹ lưỡng, bước vào vòng phỏng vấn với tâm lý cực kỳ tự tin, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc buổi phỏng vấn sẽ diễn ra thuận lợi 100%, không mắc phải bất kỳ sai sót nào. Mình chuẩn bị trước là điều tốt, tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng trong thực tế không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra như dự kiến, và bạn cũng chẳng biết trước được người phỏng vấn mình là ai, họ sẽ hỏi những câu cụ thể nào, và càng không biết được rằng họ đánh giá ứng viên trên các tiêu chí, thang điểm nào.
Vì thế, trước khi than trách số phận, hoặc cho rằng nhà tuyển dụng vô lý, cảm tính, không công bằng, thì bạn cần tự nhìn lại xem mình có sai sót gì không, hay có thể hiện ra những điểm gì không phù hợp với vị trí ứng tuyển không? Đó sẽ là những nguyên nhân khiến bạn tự tin về năng lực nhưng lại bị trượt phỏng vấn. Bạn có thể dựa vào đó để tự rút kinh nghiệm, tìm cách khắc phục để vừa nâng cao năng lực bản thân, vừa tăng cơ hội trúng tuyển trong các lần phỏng vấn tiếp theo. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ mãi mà vẫn không tự tìm ra được điểm gì sai sót hay không phù hợp thì sao? Lúc đó, bạn có thể mạnh dạn hỏi thẳng nhà tuyển dụng để có được câu trả lời cụ thể.
>> Phỏng vấn xong công ty không hồi âm, nên hỏi hay chê?
Hỏi thẳng nhà tuyển dụng trong email báo kết quả
Thông thường, sau buổi phỏng vấn khoảng 5-7 ngày, nhà tuyển dụng sẽ gửi email thông báo kết quả buổi phỏng vấn, cho dù bạn đậu hay trượt thì sẽ vẫn nhận được email kết quả, nhất là ở các công ty lớn, có quy trình tuyển dụng chuyên nghiệp. Có thể trong email ấy sẽ bao gồm luôn cả nguyên nhân mà bạn bị trượt, nhưng thường sẽ không có, chỉ là một nội dung chung chung rằng công ty rất tiếc… chúc bạn sớm tìm được công việc mới phù hợp với mình hơn.
Khi đó, bạn có thể phản hồi lại email đó với nội dung rằng cảm ơn công ty… và em cũng muốn biết được những thiếu sót của bản thân để tự rút kinh nghiệm trong các lần phỏng vấn tiếp theo, hy vọng sẽ nhận được góp ý từ anh/chị. Khi đó, có thể nhà tuyển dụng cũng không nói ra thẳng thừng toàn bộ các nguyên nhân, vì như thế sẽ có thể khiến bạn cảm thấy hụt hẫng, nhưng ít nhiều gì thì họ cũng sẽ nói ra tầm 60% – 70% những lý do chính khiến họ chưa thể chọn bạn trong đợt tuyển dụng này, đó cũng chính là những nguyên nhân giúp bạn hiểu rằng vì sao mình tự tin về năng lực nhưng lại vị trượt phỏng vấn, và cũng để bạn rút kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân hơn trong tương lai.
Trau dồi thêm năng lực và kinh nghiệm ứng tuyển
Thất bại là mẹ thành công, điều quan trọng là sau những lần thất bại thì bạn đã tự rút ra được những kinh nghiệm gì, khắc phục điểm yếu, trau dồi bản thân ra sao, để tăng cơ hội thành công sau này. Khi bạn đã xác định được những nguyên nhân khiến mình dù tự tin về năng lực nhưng lại bị trượt phỏng vấn, thì điều tiếp theo mà bạn cần làm chính là dựa vào những điều đó để rút kinh nghiệm, trau dồi thêm năng lực và tích luỹ thêm kinh nghiệm ứng tuyển cho bản thân.
Tất nhiên, bạn không thể ép mình phải thay đổi ngay lập tức trong một sớm một chiều, thay vào đó, hãy cho bản thân thời gian và lộ trình cụ thể để dần thay đổi, trau dồi lần lượt từng yếu tố, và kiên trì suốt một khoảng thời gian. Sau này, khi nhìn lại, bạn sẽ tự nhận thấy rằng mình đã phát triển, tiến bộ, thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình và tự tin chinh phục nhà tuyển dụng khó tính trong tương lai.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng tự tin về năng lực nhưng bị trượt phỏng vấn thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!