“Không rớt môn thì không phải là sinh viên” – Ủa là sao ta, sao lại có câu nói lạ lùng như thế? Tự dưng nghe xong khiến tân sinh viên cực kỳ hoang mang, dù chưa từng rớt môn nhưng các em cũng đều mường tượng được rằng đó là một điều không tốt, bị điểm kém, dưới trung bình thì mới rớt môn, và đương nhiên tân sinh viên sẽ không muốn điều đó xảy ra với mình. Nhưng vì sao các anh chị lại kêu không rớt môn thì không phải sinh viên, liệu tỷ lệ rớt môn ở đại học có cao không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
Tỷ lệ rớt môn ở đại học được tính như thế nào?
Để giải đáp băn khoăn rằng tỷ lệ sinh viên rớt môn ở đại học có cao không, trước tiên, các em cần tìm hiểu xem tỷ lệ ấy được tính như thế nào, bằng công thức nào? Nếu xét tỷ lệ rớt môn của từng môn học, thì nó sẽ được tính bằng cách lấy tổng số sinh viên bị rớt, chia cho tổng số sinh viên đã theo học môn đó. Chẳng hạn như trong năm ngoái, môn A có 200 sinh viên theo học, trong đó có 10 bạn bị rớt, thì tỷ lệ rớt môn A = 10/200 = 0.05 tương đương với 5%. Tương tự, nếu môn B có 150 sinh viên theo học, trong đó có 15 bạn bị rớt, thì tỷ lệ rớt môn B = 15/150 = 0.1 tương đương với 10%. Khi so sánh tương quan, chúng ta sẽ thấy rằng tỷ lệ rớt môn B cao gấp đôi so với môn A, chứng tỏ B là môn học khó hơn, dễ bị rớt hơn, sinh viên cần đặc biệt lưu ý hơn. Đồng thời, qua ví dụ trên thì sinh viên cũng sẽ hình dung được rằng tỷ lệ rớt của từng môn sẽ khác nhau, có môn cao, có môn thấp, chứ không phải tất cả đều tương tự hay giống nhau.
Còn nếu muốn ước lượng tỷ lệ rớt môn chung ở đại học cho tất cả các môn, thì nó sẽ mang tính trung bình để tham khảo, chỉ cần xét riêng theo từng năm học, lấy số lượng sinh viên bị rớt của các môn cộng lại (bạn nào rớt 2 môn vẫn tính 2 lần), chia cho tổng số lượng sinh viên đăng ký học các môn ấy (bạn nào đăng ký học 10 môn vẫn tính 10 lần). Ví dụ trong năm ngoái, đối với sinh viên khoá 38, có tổng cộng 600 lượt rớt môn, và có 12000 lượt đăng ký học các môn học, thì tỷ lệ rớt môn chung của khoá 38 trong năm ngoái = 900/12000 = 0.075 tương đương với khoảng 7.5%.
Tỷ lệ sinh viên bị rớt môn ở đại học có cao không?
Sau khi tìm hiểu về cách tính tỷ lệ rớt môn, thì đó đơn giản chỉ là công thức kèm ví dụ để sinh viên hình dung và tự thực hành để nắm được cách tính, chứ thực tế thì tỷ lệ rớt môn ở đại học chưa chắc sẽ bằng với các con số ví dụ ấy. Vậy thực tế sẽ như thế nào, liệu tỷ lệ sinh viên bị rớt môn ở đại học có cao không?
Điều này sẽ khác nhau dựa theo từng trường, từng ngành học, từng năm học, từng chương trình đào tạo khác nhau, tức là sẽ khó lòng đưa ra con số chung cho tất cả sinh viên. Nhưng thực tế thì tỷ lệ sinh viên bị rớt môn ở đại học cũng khoảng 10%, tức là nếu có 100 bạn đăng ký học thì sẽ có tầm 10 bạn bị rớt, không đủ điểm để qua môn. Đó là mức trung bình, thực tế sẽ có các môn rất khó, là cơn ác mộng của nhiều thế hệ sinh viên, được các anh chị khoá trên truyền tai nhau rằng tỷ lệ rớt rất cao, có khi lên tới tận 50%, nhưng cũng có một số môn trộm vía khá dễ, hầu như không có ai bị rớt. Nếu lấy trung bình là 10% thì tỷ lệ này cũng bình thường, không cao, cũng không thấp. Tuy nhiên, sinh viên không nên vì thế mà chủ quan, lỡ đâu mình nằm trong 10% bị rớt vì chủ quan, lơ là, không tập trung học đàng hoàng thì sao? Đặc biệt, đối với tân sinh viên năm 1 thường sẽ dễ bị rớt môn, vì mới lên đại học chưa quen với cách giảng dạy, học & thi, cộng thêm các môn học đa phần đều mới toanh mà mình chưa từng học trước đây, nên các em càng phải nỗ lực & chăm chỉ hơn.
Vì sao nói không rớt môn không phải là sinh viên?
Sau khi giải đáp băn khoăn rằng tỷ lệ rớt môn ở đại học có cao không, thì một số bạn sinh viên vẫn còn lấn cấn rằng vì sao lại có câu nói “không rớt môn không phải là sinh viên”, các em cho rằng nếu lấy tỷ lệ khoảng 10% thì đâu phải ai cũng bị rớt môn. Hãy hình dung một cách đơn giản rằng trong suốt chương trình học thường sẽ có tầm 40-50 môn, nếu tỷ lệ 10% thì sinh viên thường sẽ bị rớt khoảng 4-5 môn, hoặc bạn nào giỏi lắm, siêng năng lắm thì chí ít cũng từng rớt 1 môn.
Tức là sẽ có những môn mà các em trót lọt vượt qua, nhưng cũng có đôi lúc bị vướng lại, mặc dù không nhiều lắm, nhưng cũng đã từng bị rớt môn rồi, rớt 1 môn cũng là rớt, nên mới có câu nói không rớt môn thì không phải là sinh viên. Đương nhiên cũng không thể quy chụp tất cả, thực tế vẫn có một số sinh viên xuất sắc hoàn thành chương trình đại học mà chưa rớt môn bao giờ, nhưng đó là con số khá ít, chứ đa số sinh viên đều sẽ trải qua ít nhất 1 lần bị rớt môn. Khi lỡ bị rớt môn thì các em thường sẽ buồn, tự trách bản thân, nhưng quan trọng hơn hãy sớm vượt qua cảm giác ấy, rồi tự rút kinh nghiệm để tránh bị rớt môn trong tương lai.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng tỷ lệ sinh viên rớt môn ở đại học có cao không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.