Khi còn đi học, sinh viên thường mong muốn mình sẽ nhanh chóng tốt nghiệp ra trường để sớm thoát khỏi áp lực học hành, thi cử, điểm số,… Tuy nhiên, thực tế sẽ không phải toàn màu hồng như mình nghĩ, vì khi đi làm kiếm tiền, mình cũng sẽ phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều áp lực khác, thậm chí chúng còn khiến mình stress nhiều hơn hồi còn đi học luôn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua 8 áp lực công việc mà bạn phải đối mặt và vượt qua khi đi làm kiếm tiền:
1. Áp lực phải hoàn thành công việc đúng deadline
Khi đi học, mặc dù vẫn có deadline nộp bài tiểu luận, bài thuyết trình, nhưng chúng sẽ chẳng là gì so với áp lực phải hoàn thành công việc đúng deadline mà bạn phải đối mặt khi đi làm kiếm tiền. Mỗi học kỳ, sinh viên thường sẽ chỉ đối mặt với deadline có 3-4 lần, nhưng khi đi làm, bạn sẽ phải đối mặt với deadline mỗi ngày, bất kỳ việc nào được giao cũng đều cần phải hoàn thành đúng hạn để tránh gây đình trệ công việc, thậm chí có những việc sẽ đến bất ngờ và cần hoàn thành gấp rút, bạn sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hoàn thành chúng đúng deadline.
2. Áp lực về chỉ tiêu, KPI trong công việc
Khi đi học thì sinh viên phải đối mặt với áp lực điểm số, còn khi đi làm kiếm tiền, bạn cũng sẽ đối mặt với một áp lực tương tự, đó chính là áp lực về chỉ tiêu, KPI trong công việc. Hàng tháng, bạn sẽ được nhận KPI của mình, đó là chỉ tiêu công việc mà bạn cần phải hoàn thành để được đánh giá là làm được việc, làm tốt công việc, làm tốt vai trò của mình trong công ty. Nếu vượt KPI, thì bạn sẽ được tán thưởng, nhưng nếu chậm tiến độ, không đạt KPI đã đặt ra, thì bạn sẽ bị khiển trách, bị đánh giá thấp, thậm chí sẽ cực kỳ áp lực khi thấy đồng nghiệp xung quanh đều đạt chỉ tiêu còn mình thì không, nhất là khi bạn làm các công việc liên quan đến tư vấn bán hàng, mỗi tháng đều phải cực kỳ đau đầu với áp lực KPI doanh số.
>> KPI là gì? Lỡ làm việc không đạt KPI thì sao?
3. Áp lực về mức lương khi đi làm kiếm tiền
Đi làm kiếm tiền không dễ như bạn từng nghĩ, nhất là khi bạn là trụ cột chính của gia đình hoặc bạn đặt mục tiêu mình sẽ kiếm được nhiều tiền để trang trải chi tiêu mỗi tháng và có mức sống tốt hơn. Mức lương khi đi làm sẽ được công ty trả dựa trên năng lực làm việc và kết quả làm việc của mỗi người, chứ không phải ai cũng được cào bằng một mức lương như nhau. Nếu nhìn thấy bạn bè, đồng nghiệp xung quanh có công việc tương tự nhưng mức lương cao hơn mình, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ áp lực, thậm chí khi đi làm lâu năm mà không được tăng lương thì bạn sẽ càng áp lực hơn nữa.
4. Áp lực khi làm việc và báo cáo với cấp trên
Khi đi học, mỗi lớp thường sẽ có tận 50 sinh viên, nên sẽ ít khi bạn phải đối mặt trực tiếp với giảng viên, nhưng khi đi làm kiếm tiền thì khác, thông thường, mỗi phòng ban hoặc mỗi team sẽ chỉ có khoảng 4-5 thành viên, phải làm việc và báo cáo trực tiếp với cấp trên. Đặc biệt, khi quản lý trực tiếp của bạn là một người sếp khó tính, thì bạn sẽ càng cảm thấy công việc áp lực hơn. Cấp trên sẽ luôn theo sát công việc, yêu cầu bạn phải báo cáo liên tục và tất nhiên họ sẽ luôn biết cách tạo áp lực để bạn làm việc nghiêm túc và chăm chỉ, chứ không để bạn thoải mái muốn làm thì làm, muốn chơi thì chơi.
>> Làm sao để được cấp trên trọng dụng và tăng cơ hội thăng tiến?
5. Áp lực phải không ngừng phát triển bản thân
Môi trường làm việc sẽ có sự cạnh tranh cực kỳ khắc nghiệt, nhất là khi bạn đang làm việc trong những ngành hot, những ngành có nhiều nhân sự giỏi. Nếu bạn dậm chân tại chỗ, không chịu cập nhật kiến thức mới, không tiếp tục trau dồi năng lực chuyên môn của bản thân, thì những người khác sẽ được mời vào công ty làm việc thay cho bạn, và bạn sẽ nhanh chóng bị đào thải khỏi thị trường lao động. Chính quy luật đó đã tạo nên áp lực rằng bạn phải không ngừng phát triển bản thân nếu muốn giữ vững vị trí công việc của mình và có thể tồn tại trong môi trường làm việc khắc nghiệt.
6. Áp lực làm việc nhóm khi đi làm kiếm tiền
Khi đi học, bạn có thể chủ động lựa chọn giữa học nhóm hoặc học cá nhân (tự học một mình). Nhưng khi đi làm kiếm tiền, thì bắt buộc bạn phải biết cách làm việc nhóm, phối hợp cùng đồng nghiệp để hoàn thành các công việc chung sao cho hiệu quả nhất. Nếu kỹ năng làm việc nhóm của bạn chưa tốt, thì bạn sẽ cảm thấy công việc cực kỳ áp lực, nhất là những lúc bạn được giao cho những công việc phải phối hợp cùng đồng nghiệp, hoặc phải làm việc liên phòng ban, liên bộ phận.
7. Áp lực khi làm việc với khách hàng, đối tác khó tính
Nếu công việc của bạn phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, đối tác, thì bạn sẽ phải đối mặt với áp lực khi làm việc với họ. Đối tác và khách hàng sẽ luôn là những người kỹ tính, khó tính, yêu cầu cao, đòi hỏi bạn phải làm việc một cách chuyên nghiệp, chỉn chu. Chỉ cần một lần thất hứa, hoặc có những sai sót nhỏ trong công việc, khiến kết quả mang lại không như kỳ vọng của khách hàng, đối tác, thì họ sẽ ghi nhớ điều đó và khả năng cao sẽ không tiếp tục hợp tác trong tương lai, khiến công ty của bạn trở nên mất uy tín và mất đi nguồn doanh thu từ họ.
>> Phải làm gì khi khách hàng nóng tính, làm ầm lên và xúc phạm mình?
8. Áp lực phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Khi đi làm kiếm tiền, bạn thường sẽ phải đối mặt với khối lượng công việc lớn, có nhiều lúc phải ở lại công ty làm thêm giờ, hoặc phải mang công việc về nhà để hoàn thành cho kịp deadline. Chính điều này đã khiến không ít người đi làm phải đối mặt với áp lực phải làm sao để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tránh để công việc chiếm quá nhiều thời gian, khiến mình không còn thời gian để nghỉ ngơi, tập thể dục, họp mặt với gia đình, bạn bè, người thân. Đây là một bài toán khó mà nhiều người đang tìm lời giải và đó cũng chính là một trong những áp lực công việc phổ biến mà bạn sẽ gặp khi đi làm.
Trên đây là 8 áp lực công việc phổ biến mà bạn phải đối mặt và vượt qua khi đi làm kiếm tiền, đó sẽ là những thử khách khó dành cho bạn, hãy chuẩn bị tinh thần, năng lực và năng lượng để sẵn sàng chinh phục chúng nhé. Chúc bạn thành công!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.