Home Công việc Cách Từ Chối Nhẹ Nhàng Khi Đồng Nghiệp Nhờ Vả Nhiều

Cách Từ Chối Nhẹ Nhàng Khi Đồng Nghiệp Nhờ Vả Nhiều

by Hoàng Khôi Phạm
Cách Từ Chối Nhẹ Nhàng Khi Đồng Nghiệp Nhờ Vả Nhiều

Ngày nào đi làm cũng áp lực ngập đầu, công việc mình phải làm không hề ít, vậy mà còn phải gánh thêm cả đống việc từ những đồng nghiệp. Ban đầu, bạn cũng thoải mái, sẵn lòng giúp đỡ, nhưng họ được nước làm tới, cứ nhờ vả liên tục mà không biết ngại, thậm chí quen nhờ rồi nên cũng không thèm cảm ơn. Không thể chấp nhận được nữa, bạn muốn từ chối nhưng chưa biết nói thế nào cho khéo, không gây mất lòng. Dưới đây là cách từ chối nhẹ nhàng khi đồng nghiệp nhờ vả nhiều mà bạn có thể tham khảo:

>> Đồng nghiệp trong công ty chia bè kết phái thì phải làm sao?

1. Từ chối đồng nghiệp với lý do bận

Lý do đầu tiên và khá phổ biến để từ chối đồng nghiệp chính là bận, đây là điều hiển nhiên, vì khi đi làm thì ai cũng có công việc, nhiệm vụ của riêng mình, phải luôn ưu tiên hoàn thành tốt những điều đó, chứ đâu thể nào bỏ việc của mình để đi giúp người khác, thấy đồng nghiệp nhờ vả thì mặc định phải giúp ngay. Tất nhiên, không phải đồng nghiệp mới nhờ vả lần đầu tiên mà bạn đã từ chối luôn, mà thực tế bạn đã giúp đỡ 2-3 lần rồi, nhưng bây giờ bạn quá bận, không thể sắp xếp để hỗ trợ họ được, nên đành phải từ chối. Đây là một lý do rất hợp lý, và bạn cũng có thiện chí từng giúp vài lần rồi, chứ không thể đánh giá rằng bạn là người ích kỷ, không chịu hỗ trợ nhau trong công việc. Vậy là xong, bạn cứ từ chối một cách tự nhiên, bình thường như thế, không có gì phải ngại hay lo lắng.

2. Hướng dẫn cách làm khi đồng nghiệp nhờ vả

Một số đồng nghiệp khi đi làm bị thiếu tính chủ động, không tự giác tìm hiểu, học hỏi cách làm để tối ưu công việc, mà họ thấy bạn biết làm, bạn làm tốt hơn, nên mặc định sẽ nhờ bạn làm giúp. Bạn cũng từng giúp đồng nghiệp vài lần, mang lại kết quả tốt, cấp trên cũng không nói gì, nên họ mặc nhiên rằng sẽ tiếp tục nhờ vả trong tương lai. Để dẹp ngay ý định đó, thì bạn sẽ không làm giúp nữa, mà sẽ hướng dẫn cách làm khi đồng nghiệp nhờ vả.

Thời gian đầu, có thể bạn sẽ hơi cực khi phải hướng dẫn tường tận, chi tiết cho 1 người chưa biết gì, nhưng khi bạn đã hướng dẫn xong thì sẽ khoẻ re, đồng nghiệp tự làm được, không có lý do gì để mở miệng nhờ vả bạn nữa. Đồng thời, khi thường xuyên hướng dẫn đồng nghiệp về chuyên môn, cách xử lý công việc, thì bạn cũng sẽ có thêm kỹ năng training, đào tạo, là một điểm cộng khi muốn thăng tiến lên vị trí quản lý.

>> Đồng nghiệp nói chuyện vô lý thì phải làm sao?

3. Giúp đỡ đồng nghiệp nhưng kèm theo điều kiện

Cách tiếp theo để đối phó với đồng nghiệp nhờ vả nhiều chính là kèm theo điều kiện, cho họ lựa chọn xem họ có đồng ý với điều kiện đó không. Chẳng hạn như tôi sẽ giúp sau khi tôi hoàn thành tất cả công việc của mình, và khi họ nhìn thấy đống công việc đang dang dở của bạn, thì có thể họ sẽ đổi ý, tự làm luôn, chứ chờ bạn làm thì biết tới khi nào mới xong, chưa kể tới trường hợp bạn làm xong đống công việc này, thì lại có task mới được sếp giao xuống, thì làm sao làm giúp đồng nghiệp được. Hoặc bạn cũng có thể kèm điều kiện rằng bây giờ bạn giúp họ việc này, nhưng tuần sau bạn sẽ có rất nhiều việc, cần họ giúp lại, nếu họ đồng ý thì làm, còn nếu họ ngại, không có nhu cầu xử lý giúp công việc tuần sau của bạn (vì nó nhiều hơn, mệt hơn chẳng hạn), thì họ sẽ tự làm việc của mình, không nhờ bạn nữa.

4. Thẳng thắn khi đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều

Sau khi đã thử những cách trên nhưng chưa thành công, hoặc bạn vốn dĩ là 1 người thẳng tính, không có nhu cầu dĩ hoà vi quý, thì bạn cứ thẳng thắn từ chối, nói rằng bạn đã giúp đỡ nhiều rồi, đồng nghiệp không thể cứ nhờ vả bạn mãi như thế. Đương nhiên, bạn là một người hành xử văn minh, chuyên nghiệp, nên cũng sẽ lịch sự trong cách nói chuyện, không lớn tiếng, chửi bới, mà chỉ đang nói một lý lẽ đơn giản cho đồng nghiệp hiểu vấn đề thôi.

Và thật ra, khi từ chối như thế này cũng là cách để bạn giúp họ, giúp họ biết tự lực cánh sinh, tự làm việc, tự học hỏi, phát triển bản thân thông qua những việc do bản thân tự làm được, chứ nếu bạn cứ dễ dãi giúp đỡ thì biết đến khi nào đồng nghiệp mới tiến bộ? Bạn đâu thể giúp họ hoài được, hay nghĩ 1 cách đơn giản hơn, lỡ sau này 2 người làm ở 2 công ty khác nhau thì sao, khi qua công ty khác thì ai sẽ là người gánh việc cho đồng nghiệp ấy? Mà cũng có thể với cách nhờ vả người khác quá nhiều như thế, thì năng lực của họ cũng kém, khó mà tìm được việc làm trong tương lai. Nên bây giờ bạn từ chối, để họ tự thân vận động, là bạn đang giúp họ có một tương lai tốt hơn.

Bài viết này đã gợi ý cho bạn cách từ chối nhẹ nhàng khi đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Góp ý nhiều lần nhưng đồng nghiệp không tiếp thu thì sao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích