Home Công việc Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

by Hoàng Khôi Phạm
Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Khi đi làm, bên cạnh việc tập trung hoàn thành tốt việc của mình, thì bạn cũng sẽ thường xuyên phối hợp cùng đồng nghiệp trong các công việc chung. Nếu đồng nghiệp có những điểm chưa tốt cần cải thiện, thì đương nhiên chúng ta có thể góp ý để giúp họ khắc phục và hoàn thành công việc tốt hơn. Tuy nhiên, lỡ góp ý nhiều lần nhưng đồng nghiệp không tiếp thu thì phải làm sao?

>> Đồng nghiệp nói chuyện vô lý thì phải làm sao?

Những góp ý thường gặp khi đi làm

Đồng nghiệp trong quá trình làm việc chung có thể góp ý cho nhau, hoặc dù khác phòng ban nhưng bạn thấy đồng nghiệp có những điều nên cải thiện hơn thì cũng có thể góp ý một cách tích cực, tuỳ từng tình huống & trường hợp cụ thể mà sẽ có các góp ý khác nhau, nhưng thường xoay quanh những điều sau:

  • Góp ý về giờ giấc làm việc: Chẳng hạn như thấy đồng nghiệp hay đi trễ, về sớm, hoặc đi ăn trưa quá lâu, thường xuyên vào trễ lúc đầu giờ làm việc buổi chiều, thì bạn có thể nhắc nhở, góp ý rằng không nên như vậy, lỡ cấp trên biết được sẽ trách phạt;
  • Góp ý về trang phục, tác phong đi làm: Nếu công ty có đồng phục nhưng đồng nghiệp không mặc đúng đồng phục thì bạn cũng nên góp ý, hoặc dù công ty không yêu cầu đồng phục nhưng đồng nghiệp ăn mặc thiếu chỉnh tề, đi dép lê hoặc mặc quần đùi đi làm, đi gặp khách hàng thì bạn cũng có thể góp ý, vì tác phong cũng ảnh hưởng tới sự chuyên nghiệp trong công việc và thể hiện mình đang tôn trọng khách hàng;
  • Góp ý về việc giữ không gian yên tĩnh: Khi có công việc cần thảo luận, đồng nghiệp đương nhiên có thể trao đổi, nói chuyện với nhau hơi ồn một tí, đó là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu đồng nghiệp thường xuyên nói chuyện với âm lượng quá lớn, hoặc đùa giỡn lớn tiếng, mở nhạc ồn ào, thì bạn có thể nhắc đồng nghiệp lưu ý giữ yên tĩnh để tập trung làm việc;
  • Góp ý về giữ vệ sinh, gọn gàng: Nếu đồng nghiệp thường xuyên bày bừa trên bàn làm việc, ăn uống xong cũng không giục mà để đầy trên bàn, thì bạn có thể nhắc nhở họ;
  • Góp ý về cách giao tiếp: Nếu đồng nghiệp có cách giao tiếp chưa đúng mực, thiếu lịch sự, không biết trên dưới hoặc ăn nói cộc lốc, thô lỗ, bạn có thể góp ý để họ khắc phục;
  • Góp ý về cách làm việc: Khi thấy đồng nghiệp chưa chú tâm làm việc, thường mất tập trung, làm việc đại khái chứ không chỉn chu, thường thiếu trước quên sau, hay sai sót trong công việc, thì bạn cũng có thể góp ý để họ khắc phục và hoàn thành công việc tốt hơn, chứ nếu để kéo dài sẽ khó lòng trụ lại công ty;
  • Góp ý khi cùng teamwork: Nếu trong quá trình làm việc nhóm mà đồng nghiệp không chủ động phối hợp, hoặc trì hoãn các việc được giao khiến ảnh hưởng tới tiến độ của cả nhóm, thì bạn sẽ góp ý cho họ;
  • Góp ý khi đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều: Ai cũng bận rộn như nhau khi đi làm, nhưng đồng nghiệp lại thường xuyên viện lý do này kia để nhờ bạn làm giùm việc, bị phụ thuộc quá nhiều vào bạn, chứ không chịu tự lực cánh sinh, thì đương nhiên bạn có thể nhắc nhở, góp ý cho họ.

>> Người trầm tính có hoà nhập được với đồng nghiệp không?

Góp ý nhiều lần nhưng đồng nghiệp không tiếp thu thì sao?

Sau khi điểm qua các trường hợp mà chúng ta thường góp ý đồng nghiệp, chắc hẳn bạn cũng thấy rằng đó là những điều bình thường mà khi đi làm ai cũng có thể gặp phải, chứ không hẳn phải là những điều to tát, lớn lao. Tức là chuyện mình góp ý cho đồng nghiệp là để họ khắc phục, để tốt hơn, trên tinh thần xây dựng chứ không phải đang chê bai hay nói xấu gì, nên chẳng có gì phải ngại ngùng, nếu thấy đồng nghiệp rơi vào các trường hợp ở trên thì bạn cứ lên tiếng bình thường. Tuy nhiên, lỡ góp ý nhiều lần nhưng đồng nghiệp không tiếp thu thì sao?

“Đồng nghiệp không phải cha”, bạn cũng đang là người cùng làm việc, cùng ngang cấp với họ, nên chuyện họ nghe hay không nghe những lời bạn góp ý cũng là điều bình thường, họ có quyền như vậy. Tuy nhiên, họ cần phải hiểu chuyện và phân biệt đúng/sai, tức là khi nhận các lời góp ý từ người khác thì phải phân tích xem liệu họ có nói đúng không, phải chăng mình đang mắc lỗi sai, đang vô ý vô tứ trong lời nói, hành động, cách làm việc, khiến cho mọi người bắt buộc phải nhắc nhở. Nếu thấy những lời góp ý là đúng, thì họ nên rút kinh nghiệm và khắc phục để tạo thiện cảm hơn trong mắt mọi người trong môi trường làm việc chung.

Tuy nhiên, nếu họ là người không tiếp thu, dù biết mình góp ý đúng, họ đang sai, nhưng vẫn không chịu sửa, vẫn chứng nào tật nấy, và các đồng nghiệp xung quanh cũng thấy bạn đang góp ý đúng, thì lúc này mọi người có thể cùng nhau nhắc thêm lần nữa. Kiểu như 1 người nhắc chưa được thì 3-4 người nhắc. Nếu sau đó mà đối phương vẫn không thay đổi thì buộc mọi người phải báo lên cấp quản lý để kịp thời can thiệp, chứ trong môi trường làm việc chung mà lại tồn tại 1 đồng nghiệp sai nhưng không sửa, được góp ý nhưng không tiếp thu thì sẽ khiến mọi người xung quanh thấy khó chịu, không thể làm việc cùng, ảnh hưởng không tốt tới kết quả làm việc, làm sai lệch văn hoá công ty.

Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng góp ý nhiều lần nhưng đồng nghiệp không tiếp thu thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> 3 cách từ chối khéo khi đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích