Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 40) – Học Lực Trung Bình, Review App Tiếng Anh

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 40) – Học Lực Trung Bình, Review App Tiếng Anh

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 40) - Học Lực Trung Bình, Review App Tiếng Anh

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 40, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về học lực trung bình, điểm kém lội ngược dòng, nộp CV thực tập và review app học Tiếng Anh.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 39) – Thói quen buổi tối, ra trường tìm việc làm

1. Năm 1 học lực trung bình có ảnh hưởng tổng kết tốt nghiệp không?

Tân sinh viên năm nhất mới lên đại học sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen với cách học và thi, nên các em sẽ dễ bị điểm kém, đạt kết quả học tập chưa tốt, thấp hơn so với kỳ vọng của bản thân. Năm 1 bị học lực trung bình thật sự là một cơn ác mộng, khiến tân sinh viên suy sụp tinh thần và cực kỳ áp lực, không biết phải làm sao để đối diện với nó, phải làm sao khi bị phụ huynh trách mắng? Nhiều bạn sinh viên còn tự ti rằng năng lực mình yếu kém, tự dày vò bản thân rằng những kiến thức ở năm nhất cũng chưa quá khó, vậy mà học hành không nên thân, để mình phải nhận kết quả học lực trung bình.

Xếp loại tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào GPA của 4 năm đại học. Nếu năm 1 bị học lực trung bình sẽ ảnh hưởng khoảng 25%, chứ chưa quyết định hoàn toàn, sinh viên có thể lội ngược dòng trong những năm sau. Nhưng làm thế nào để lội ngược dòng? Kiến thức năm 1 cũng khá cơ bản mà mình còn bị điểm kém, thì các năm sau dựa vào đâu để bản thân có thể tiến bộ, vững kiến thức và kéo kết quả học tập lên? Sinh viên hãy đảm bảo mình không mắc phải những sai phạm cũ, đi học đầy đủ, đúng giờ, tập trung nghe giảng, chăm chỉ học bài, làm bài tập, đọc thêm tài liệu và ôn thi nghiêm túc, không học vẹt, học tủ. Trên thực tế, có nhiều sinh viên năm 1 bị học lực trung bình, nhưng sau đó luôn duy trì phong độ học tập tốt, nên tốt nghiệp xếp loại khá giỏi luôn. Khi các em quyết tâm và cố gắng, thì không gì là không thể.

2. Rớt môn, điểm kém – Làm thế nào để sinh viên lội ngược dòng?

Anh biết nhiều bạn từng bị rớt môn, điểm kém hay học lực chưa giỏi, nhưng các bạn ấy đã mạnh mẽ vượt qua để học tốt hơn. Dù đã từng thất bại, nhưng các em không nên tự ti về quá khứ của mình. Dù hiện tại mình đang yếu thế hơn nhưng vẫn có thể lội ngược dòng, còn những bạn đang được đánh giá là giỏi, xuất sắc, chưa chắc sau này sẽ đạt được thành công nếu chủ quan, không giữ vững phong độ.

Nếu bị rớt môn, điểm kém, học lực chưa giỏi, sinh viên hãy nhìn lại xem nguyên nhân nào dẫn tới chuyện ấy, rồi rút kinh nghiệm để tiến bộ hơn, đạt điểm cao hơn và đạt được học lực giỏi trong tương lai. Hãy củng cố niềm tin vào bản thân, rằng mình hoàn toàn có thể lội ngược dòng, đó chính là động lực để các em cố gắng, tập trung và nghiêm túc học hơn, tránh việc tự ti rồi bỏ cuộc, buông xuôi. Hãy chia nhỏ thử thách, áp lực, để mình dễ dàng hoàn thành hơn, chẳng hạn như có 5 bài kiểm tra, thì hãy lần lượt ôn tập từng bài, chia nhỏ chúng ra để bớt áp lực và tránh bị stress vì quá tải.

Không ai đọc xong bài này mà giỏi ngay. Học tập là một quá trình, là một cuộc đua. Các em chỉ thu được thành quả sau một thời gian dài cố gắng, nỗ lực, chứ không thể lật ngược tình thế ngay lập tức. Đừng áp lực rằng mình phải lật ngược tình thế càng nhanh càng tốt, thay vào đó, hãy luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày, vượt qua những thử thách và không bỏ cuộc. Chúc các em lội ngược dòng thành công.

>> Học lực trung bình ráng kéo lên loại khá có khó không?

3. Phải làm sao khi nộp CV thực tập mà không công ty nào phản hồi?

Hỏi: Tới bây giờ em vẫn chưa tìm được công ty để thực tập, tâm lý em rất hoang mang vì không ai liên hệ sau khi apply, cộng thêm lo lắng sẽ không đậu nổi một công ty nào. Giờ em phải làm gì đây ạ?

Đáp: Càng gửi CV đi nhiều nơi mà không được gọi đi phỏng vấn, em sẽ càng hoang mang. Bây giờ em cần nhìn lại xem CV của mình đã ổn chưa, có lỗi sai nào không, có nêu bật được thế mạnh của mình chưa? Các công ty em apply thực tập có đúng chuyên ngành không, mình có đáp ứng và phù hợp với yêu cầu tuyển dụng không? Có thể em bị từ chối vì CV chưa tốt hoặc apply công việc không phù hợp.

Hãy đảm bảo CV xin thực tập có đầy đủ nội dung cần thiết như thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, học vấn, kỹ năng mềm liên quan tới công việc, các điểm mạnh, thành tích, hoạt động ngoại khoá. CV cũng cần thiết kế theo mẫu chuyên nghiệp, ngắn gọn, súc tích, dễ lướt xem và nắm bắt nội dung, không dài dòng lan man, không sai lỗi chính tả, lỗi đánh máy và tìm kiếm, apply vào các công việc phù hợp. Khi CV đã chỉn chu rồi, em hãy apply tầm 10-15 công ty để tăng khả năng được gọi đi phỏng vấn, chứ nếu ít quá, chỉ mới gửi có 5-6 công ty thôi thì cơ hội được mời phỏng vấn sẽ không cao.

4. Review 6 app học Tiếng Anh hiệu quả cho sinh viên

Cá nhân anh rất thích học Tiếng Anh qua app, đã từng tải và xoá nhiều app, hiện tại, trong điện thoại chỉ còn giữ lại 6 app học Tiếng Anh mà anh thấy học được nhiều điều, hiệu quả và không bị nhàm chán.

1. ELSA Speak: Luyện phát âm Tiếng Anh cực chuẩn, hướng dẫn, chấm điểm và sửa lỗi phát âm chi tiết cho từng nguyên âm, phụ âm, từ vựng, cho tới các câu và đoạn văn dài.

2. Anki App: Học từ vựng theo kiểu Flash Card, có 2 mặt để mình ghi Tiếng Việt và Tiếng Anh, có thể linh hoạt đổi chiều kiểu Việt – Anh hoặc Anh – Việt để luyện phản xạ nhanh.

3. Cake: Có rất nhiều câu giao tiếp thông dụng, kèm video giải nghĩa và các trường hợp mình có thể ứng dụng câu giao tiếp đó, giúp học để hiểu, biết ứng dụng, tránh học thuộc lòng.

4. Duolingo: Học từ vựng, luyện nghe nói theo kiểu vui nhộn, đơn giản, minh hoạ bằng hình ảnh dễ hiểu, sinh động và học được cả nhiều ngoại ngữ khác nữa chứ không chỉ Tiếng Anh.

5. Special English Listening: Là kho tàng cả trăm bản tin để luyện nghe, với nhiều chủ đề như động vật, sức khoẻ, địa điểm, thể thao, du lịch, học tập,… có thể luyện Listening theo kiểu thụ động.

6. Accent Training: Luyện ngữ điệu sao cho mình nói 1 đoạn Tiếng Anh lưu loát, biết cách nhấn nhá, nối từ, nuốt từ chuẩn như người bản xứ, có tính năng ghi âm để tự nghe lại.

Cẩm nang sinh viên tập 40 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện học lực trung bình, điểm kém lội ngược dòng, nộp CV thực tập và review app học Tiếng Anh. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 38) – Giới thiệu bản thân, phỏng vấn thực tập

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích