Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 87) – Điểm Trung Bình Học Kỳ, Tương Lai Mông Lung

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 87) – Điểm Trung Bình Học Kỳ, Tương Lai Mông Lung

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 87) - Điểm Trung Bình Học Kỳ, Tương Lai Mông Lung

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 87, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về công thức tính điểm trung bình học kỳ, nộp tiểu luận trễ hạn, mông lung về tương lai và ham chơi hơn ham học thì tương lai sẽ ra sao?

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 85) – Săn học bổng, không đi làm thêm

1. Công thức tính điểm trung bình học kỳ, kèm ví dụ

Ở đại học sẽ không xếp thứ tự hạng 1, 2, 3 trong mỗi học kỳ để khen thưởng cho sinh viên như hồi cấp 3. Tuy nhiên, điểm trung bình học kỳ vẫn là cơ sở quan trọng để xét học bổng khuyến khích học tập. Nếu học theo chương trình tín chỉ, điểm trung bình học kỳ sẽ tính theo công thức GPA học kỳ = Tổng của (Điểm trung bình từng môn x số tín chỉ của môn đó) / Tổng số tín chỉ trong học kỳ.

Ví dụ học kỳ có 4 môn, với kết quả điểm số lần lượt là 3 (2 tín chỉ), 2.5 (2 tín chỉ), 3 (3 tín chỉ), 2 (3 tín chỉ), thì GPA học kỳ sẽ = (3×2 + 2.5×2 + 3×3 + 2×3) / (2+2+3+3) = 2.6 trên thang điểm 4 (xếp loại khá). Cũng ví dụ đó, nhưng sinh viên có học cải thiện thêm 1 môn 3 tín chỉ, và được 2 điểm, thì GPA sẽ thay đổi = (3×2 + 2.5×2 + 3×3 + 2×3 + 2×3) / (2+2+3+3+3) = 2.46, bị tuột xuống xếp loại trung bình. Tức là chỉ cần 1 thay đổi tương đối nhỏ về điểm số môn học, hoặc sinh viên học nhiều môn/ít môn hơn, thì điểm trung bình học kỳ cũng sẽ bị tác động và có thể sẽ thay đổi luôn cả xếp loại học lực. Nếu muốn điểm trung bình học kỳ ở mức tốt, nhất là các bạn sinh viên muốn săn học bổng khuyến khích học tập, hãy tập trung cao độ, học hành chăm chỉ, nỗ lực trong từng môn học nhé.

2. Bài tiểu luận ở đại học nộp trễ hạn có sao không?

Để giúp sinh viên chủ động hơn trong học tập, giảng viên thường sẽ yêu cầu các em làm bài tiểu luận, tự tìm hiểu kiến thức về 1 chủ đề liên quan tới môn học, rồi vận dụng vào bài luận, sau đó nộp lại để tính điểm. Bài tiểu luận sẽ có các yêu cầu và tiêu chí riêng, sinh viên càng tuân thủ, đáp ứng nhiều tiêu chí thì càng tăng cơ hội đạt điểm cao. Giảng viên thường sẽ dặn dò kỹ trước khi sinh viên bắt đầu làm tiểu luận. Bên cạnh chuyện phải hiểu bài, vững kiến thức, vận dụng thành thạo vào nội dung bài làm, thì nộp tiểu luận đúng hạn cũng là điều cần lưu ý, nhưng lỡ làm chậm, nộp trễ thì có sao không?

Nộp tiểu luận trễ hạn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ chấm bài & tổng hợp điểm, có thể liên đới khiến điểm của cả lớp bị delay. Để hạn chế trường hợp này, giảng viên sẽ có chế tài với những bạn nộp bài trễ. Nếu nộp tiểu luận trễ hạn, khả năng cao rằng sinh viên sẽ bị trừ điểm, nhẹ thì nửa điểm, nặng hơn thì trừ 1-2 điểm tuỳ theo độ trễ, cũng khiến giảng viên mất thiện cảm và khó lòng chấm điểm cao. Nếu có lý do chính đáng, sinh viên có thể xin giảng viên được nộp bài trễ mà không bị trừ điểm, nhưng phải báo trước, chứ để quá deadline mới báo thì giảng viên cũng sẽ khó lòng chấp nhận.

>> Mông lung về tương lai khi đang học năm 3 thì phải làm sao?

3. Sinh viên bị mông lung về tương lai thì phải làm sao?

Nếu là sinh viên sắp ra trường, các em đã hình dung về tương lai chưa, rằng sau này mình sẽ làm công việc gì, phát triển bản thân ra sao, hay còn đang mơ hồ, cảm thấy mông lung về tương lai? Mông lung về tương lai là cảm giác cực kỳ khó chịu, khi không biết mình sẽ làm gì, đi đâu về đâu, cảm giác như mất định hướng, thậm chí nhiều bạn sinh viên còn tự ti về bản thân, lo rằng sẽ bị thất nghiệp.

Nếu đang mông lung, mơ hồ về tương lai, sinh viên cần sớm định hướng nghề nghiệp, dành thời gian tìm hiểu thông tin việc làm, tham gia các buổi hội thảo hướng nghiệp, đi thực tế tại các doanh nghiệp. Và hãy nhìn lại bản thân xem mình đang thích gì, có điểm mạnh nào, rồi liên kết với ngành nghề mình muốn theo đuổi, càng nhiều điểm trùng khớp thì các em càng hình dung rõ nét hơn về tương lai. Ngoài ra, để gạt bỏ nỗi lo thất nghiệp, sinh viên cũng cần học hành đàng hoàng, cố gắng đạt kết quả tốt và nắm vững kiến thức, đó sẽ là hành trang giúp các em tự tin tìm việc làm khi ra trường.

4. Ham chơi hơn ham học thì tương lai sẽ ra sao?

Ai cũng thích nghỉ ngơi, vui chơi, vì chúng khiến mình thấy thoải mái, xua tan áp lực học hành, thi cử, nhưng lỡ ham chơi hơn ham học thì lại là điều không nên, ảnh hưởng không tốt tới tương lai… Khi mới ra trường tìm việc làm, nếu sinh viên có học lực giỏi, vững kiến thức chuyên ngành thì sẽ thuận lợi hơn, tăng khả năng tìm được công việc tốt, được offer lương cao và đãi ngộ hấp dẫn. Ngược lại, nếu ham chơi hơn ham học, để kết quả học sa sút, tốt nghiệp loại trung bình, không vững kiến thức, thì các em sẽ cực kỳ chật vật, xin việc mãi chẳng được nhận, có nguy cơ bị thất nghiệp.

Nếu ham chơi hơn ham học thành thói quen, nó sẽ tiếp diễn ngay cả khi đi làm, khiến các em không học hỏi được gì, làm lâu năm vẫn bị dậm chân tại chỗ, không phát triển & cũng chẳng thăng tiến. Tự dưng phải đánh đổi quá nhiều điều, tương lai mù mịt hơn chỉ vì ham chơi hơn ham học, liệu có đáng không? Nếu không muốn viễn cảnh ấy xảy ra thì sinh viên hãy cố gắng học nghiêm túc nhé.

Cẩm nang sinh viên tập 87 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện công thức tính điểm trung bình học kỳ, nộp tiểu luận trễ hạn, mông lung về tương lai và ham chơi hơn ham học thì tương lai sẽ ra sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 86) – Vững kiến thức, ra trường lương 10 triệu

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích