Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 99) – Cách Tính Điểm & Cải Thiện Điểm Số

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 99) – Cách Tính Điểm & Cải Thiện Điểm Số

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 99) - Cách Tính Điểm & Cải Thiện Điểm Số

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 99, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về cách tính điểm đại học, cải thiện điểm số và đi làm có sướng hơn đi học không?

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 97) – Không hợp ngành học, không có mục tiêu

1. Cách tính điểm ở đại học & lưu ý để đạt điểm cao

Tân sinh viên nghe đồn rằng đại học sẽ khó hơn cấp 3, nếu không tập trung học thì sẽ bị điểm kém, rớt môn. Liệu có đúng vậy không, đại học tính điểm như thế nào, cần lưu ý gì để điểm cao? Nếu so với cấp 3, các môn ở đại học sẽ khó & phức tạp hơn, khối lượng kiến thức cũng nhiều hơn. Giảng viên cũng yêu cầu các em chủ động đọc thêm tài liệu, giáo trình, chứ không đi sâu vào chi tiết. Đạt điểm giỏi ở cấp 3 là điều phổ biến, nhưng lên đại học thì đó là 1 thử thách rất khó, chỉ có tầm 20% sinh viên đạt GPA từ 8 trở lên để được loại giỏi, còn đa phần sẽ chỉ ở mức trung bình, khá.

GPA ở đại học thường tính theo tín chỉ, môn nào nhiều tín chỉ hơn thì chiếm trọng số lớn hơn & tác động nhiều hơn tới GPA. Môn 2 tín chỉ nhân hệ số 2; 3 tín chỉ nhân hệ số 3, rồi chia cho tổng tín chỉ đã học. Ví dụ, hiện tại sinh viên đã hoàn thành 5 môn: 8.3 (2 tín) | 7.8 (2 tín) | 8.5 (3 tín) | 7.0 (2 tín) | 5.5 ( 3 tín) | Điểm trung bình tích luỹ GPA = (8.3*2 + 7.8*2 + 8.5*3 + 7.0*2 + 5.5*3) / (2+2+3+2+3) = 7.35 | Để đạt điểm cao, các em cần nỗ lực học đều tất cả các môn, không được học môn này rồi bỏ môn kia, không được lười biếng, học vẹt, học tủ, không được để nước tới chân mới nhảy, gần thi mới học. Sinh viên có thể đi làm thêm, tham gia CLB, các hoạt động, phong trào, cuộc thi trong trường, nhưng lưu ý sắp xếp thời gian cho hợp lý, tránh ảnh hưởng xấu tới điểm số & kết quả học tập.

2. Sinh viên đại học phải làm sao để cải thiện điểm số?

Đứng trước các môn học khó ở đại học, nhiều bạn sinh viên đã có kết quả học tập không tốt, bị điểm kém, GPA không được như kỳ vọng. Vậy sinh viên đại học phải làm sao để cải thiện điểm số? Sinh viên có quyền học cải thiện để nâng cao điểm số, tham gia lại từ đầu các buổi học, làm lại toàn bộ các bài kiểm tra, bài thi, nếu tập trung và chăm chỉ thì các em hoàn toàn có thể kéo điểm lên.

Nếu ngại học cải thiện, sinh viên có thể rút kinh nghiệm để học tốt hơn trong các môn tiếp theo, bằng cách đi học đầy đủ, tập trung nghe giảng, chăm chỉ làm bài tập để nắm vững kiến thức môn học. Sinh viên cũng có thể tăng điểm môn học bằng cách đi học đầy đủ để lấy full điểm chuyên cần, rồi tích cực làm nhóm trưởng khi teamwork & phát biểu xây dựng bài để lấy điểm cộng. Ngoài ra, để học tốt hơn và cải thiện điểm số, sinh viên có thể học nhóm cùng bạn bè, cùng giảng bài, khảo bài, cùng giúp nhau làm bài tập, giải đề và đào sâu kiến thức môn học hơn.

>> Sinh viên học cải thiện lỡ bị rớt môn luôn thì sao?

3. Sinh viên cải thiện xong điểm học kỳ cũ có thay đổi không?

Học cải thiện là điều đã quá quen thuộc với sinh viên đại học, hầu như ai cũng từng ít nhất một lần học cải thiện, với hy vọng sẽ học tốt hơn, đạt kết quả cao hơn để kéo điểm trung bình môn học lên. Trộm vía sau khi cải thiện thì điểm môn học tăng lên khá nhiều, lúc này, sinh viên sẽ thắc mắc rằng liệu điểm trung bình học kỳ cũ có thay đổi không, có được tính lại và cập nhật trong bảng điểm không? Câu trả lời là có, khi học cải thiện xong, điểm mới sẽ được cập nhật trên tài khoản sinh viên, điểm trung bình học kỳ cũ sẽ được cập nhật lại, sau này sinh viên xin bảng điểm cũng sẽ lấy điểm mới. Nhưng kết quả học bổng khuyến khích học tập trong học kỳ cũ sẽ giữ nguyên, vì nó đã được chốt và thông báo từ trước, điều này cũng công bằng cho các bạn điểm cao ngay từ lần học đầu tiên.

4. Đi làm có sướng hơn khi sinh viên đi học không?

Mệt quá, sao suốt ngày cứ phải học bài, kiểm tra, thi cử, đủ thứ áp lực từ phía nhà trường, thầy cô lẫn phụ huynh? Giá mà giờ được ra trường đi làm luôn cho đỡ mệt, mà lại còn kiếm được tiền nữa. Đó là suy nghĩ chung của rất nhiều sinh viên, cho rằng chuyện đi học quá mệt mỏi, nhức đầu, thà đi làm ngay luôn cho khoẻ. Nhưng liệu đi làm có sướng hơn khi sinh viên đi học không?

Tới khi đi làm rồi các em mới thấy, áp lực nhân lên gấp 3, gấp 4 so với hồi còn đi học, vừa phải mệt mỏi với đống công việc, vừa phải áp lực deadline, complain, yêu cầu này kia từ khác hàng, đối tác. Đi học trễ bị nhắc nhở, làm bài tập sai thì rút kinh nghiệm, chứ đi làm trễ, hoàn thành công việc trễ deadline hoặc lỡ mắc sai sót trong công việc thì vừa phải nghe chửi, vừa có nguy cơ bị trừ lương, warning. Chưa kể tới áp lực về thu nhập, cơm áo gạo tiền, đủ thứ phải tự mình chi tiêu khi đã đi làm kiếm tiền. Còn khi là sinh viên chỉ cần tập trung học, mọi thứ tiền bạc đã có ba mẹ lo cho khá đầy đủ. Sinh viên chưa ra trường đi làm nên chỉ đang nhìn thấy được bề nổi của nó, rồi nghĩ đơn giản cho rằng đi làm sướng hơn đi học, chứ sau này đi làm rồi sẽ thấy là lúc đi học sung sướng biết bao nhiêu.

Cẩm nang sinh viên tập 99 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện cách tính điểm đại học, cải thiện điểm số và đi làm có sướng hơn đi học không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 99) – Chứng chỉ TOEIC, tin học khi xin việc

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích