Những ngày qua, trên Tiktok của Tự Tin Vào Đời đã nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn sinh viên về việc nếu muốn tốt nghiệp đại học loại giỏi, thì cần cố gắng đạt được bao nhiêu điểm A, điểm B, để các em có mục tiêu cụ thể mà phấn đấu. Liên quan tới chủ đề này, có 1 bạn sinh viên đã hỏi cụ thể rằng “Anh ơi, 132 tín chỉ cả 4 năm thì cần bao nhiêu A, B, C, D để được giỏi vậy ạ?”, hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp & nắm được công thức tính trong bài viết này luôn nhé!
>> Sinh viên học làm sao để được full điểm A?
Để được loại giỏi thì cần bao nhiêu điểm A, B?
Đa số trường đại học sẽ tính xếp loại tốt nghiệp theo thang điểm 4, cụ thể là sinh viên cần đạt điểm trung bình tích luỹ là 3.2 thì sẽ đủ điều kiện về GPA để có học lực loại giỏi. Để tính xem mình cần ráng đạt bao nhiêu điểm A, bao nhiêu điểm B sau 4 năm đại học để GPA ra được 3.2 đủ điểm tốt nghiệp loại giỏi, thì sinh viên chỉ cần áp dụng theo công thức sau:
- Số tín chỉ điểm A = Tổng số tín chỉ x 20%
- Số tín chỉ điểm B = Tổng số tín chỉ x 80%
Chẳng hạn như tổng số tín chỉ của chương trình học mà sinh viên cần tích luỹ (không bao gồm các tín chỉ thể dục, quốc phòng không tính vào GPA) là 120, thì số tín chỉ điểm A = 120×20% = 24, và số tín chỉ điểm B = 120×80% = 96, tức là sinh viên phải ráng làm sao để sau 4 năm đại học mình phải có được 24 tín chỉ điểm A và 96 tín chỉ điểm B thì mới có khả năng đủ điểm 3.2 để xếp loại giỏi, đương nhiên bạn nào học tốt hơn, lấy được nhiều tín chỉ điểm A hơn thì càng tốt.
Nếu các em còn đang chưa tin lắm vào tính chính xác của công thức này, thì mình chỉ cần tính ngược lại, rằng nếu tổng số tín chỉ của chương trình học là 120, sinh viên có 24 tín điểm A và 96 tín điểm B, thì điểm trung bình tích luỹ sẽ = (24×4 + 96×3) / 120 = 3.2 , vừa đủ điểm tối thiểu để có học lực loại giỏi. Với câu hỏi của bạn sinh viên đặt ra ở đầu bài viết, thì em cũng chỉ cần thay tổng số tín chỉ thành 132 rồi tính theo công thức, sẽ ra là mình cần có 26.4 (làm tròn lên 27) tín điểm A, và 105 tín điểm B. Lưu ý rằng công thức trên sẽ đúng khi trường của các em không có loại A+, mà chỉ có loại A, và A = 4, B = 3 khi quy đổi sang thang điểm 4, còn nếu trường bạn nào có áp dụng điểm A+ = 4, thì hãy thay A thành A+ nhé.
Lỡ bị điểm C, điểm D nữa thì làm sao để kéo bù lại?
Các môn ở đại học sẽ rất phức tạp, khối lượng kiến thức nhiều & nặng, nhất là các môn chuyên ngành ở năm 3, năm 4, chính vì thế, sẽ khó lòng tránh khỏi trường hợp sinh viên bị điểm kém, có kết quả điểm số không tốt ở một số môn, chẳng hạn như lỡ bị điểm C, điểm D thì sẽ thế nào? Tự nhiên thay vì mục tiêu ban đầu là chỉ cần lấy đủ bao nhiêu tín điểm A, bao nhiêu tín điểm B thì sẽ đủ để đạt 3.2 loại giỏi, mà bây giờ lại lọt thêm vài môn điểm C, điểm D vào, thì sẽ điều chỉnh mục tiêu như thế nào để kéo lại?
Nếu các em thường xuyên theo dõi các bài viết của Tự Tin Vào Đời, thì chắc hẳn đã từng đọc được bài chia sẻ rằng khi sinh viên đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi, mà bị 1 điểm D thì sẽ cần 3 điểm A để kéo lên lại, hoặc bị 1 điểm C thì sẽ cần 2 điểm A để kéo lên lại. Dựa trên cơ sở đó, thì chúng ta cũng sẽ linh hoạt điều chỉnh được rằng mình cần phải tăng thêm bao nhiêu tín điểm A để kéo lên, để cân bằng, đưa mức điểm trung bình tích luỹ của mình về mức an toàn. Cụ thể hơn, trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng đi vào ví dụ cụ thể & giải đáp luôn câu hỏi được nêu ra ở đầu bài viết rằng cần bao nhiêu điểm A, B, C, D để được loại giỏi sau 4 năm đại học?
Cần bao nhiêu điểm A, B, C, D để được loại giỏi sau 4 năm đại học?
Quay trở lại với ví dụ ở phần đầu, giả sử tổng số tín chỉ cần tích luỹ sau 4 năm đại học là 120, thì sinh viên sẽ cần có 24 tín điểm A (chiếm 20%) và 96 tín điểm B (chiếm 80%), nhưng lại lỡ có 1 tín bị rớt xuống điểm D, thì theo quy tắc mình sẽ cần thêm 3 tín điểm A để kéo lên, đồng nghĩa với việc sẽ bỏ bớt 4 tín điểm B để cân bằng tổng tín chỉ. Tức là bây giờ sinh viên cần đạt 27 tín điểm A (tăng 3), 92 tín điểm B (giảm 4) và 1 tín điểm D (tăng 1). Nếu các em chưa tin lắm, thì hãy thử tính lại điểm trung bình tích luỹ theo số liệu này nhé, GPA = (27×4 + 92×3 + 4×1) / 120 = 3.23 đủ để đạt học lực loại giỏi.
Hoặc với một ví dụ khác, lỡ sinh viên bị 2 tín điểm C, thì sẽ cần thêm 4 tín điểm A để cân bằng điểm, lúc này sẽ thay đổi thành 28 tín điểm A (tăng 4), 90 tín điểm B (giảm 6), 2 tín điểm C (tăng 2). Tính lại theo dữ liệu này thì GPA = (28×4 + 90×3 + 2×1) / 120 = 3.2 vừa đủ để đạt học lực loại giỏi. Tóm lại, chuyện cần bao nhiêu điểm A, B, C, D để được loại giỏi sau 4 năm đại học sẽ có rất nhiều trường hợp, hoàn hảo nhất là trường hợp 20% tín điểm A và 80% tín điểm B như chúng ta đã thống nhất ở đầu bài viết. Còn các trường hợp khác thì sinh viên sẽ tự động điều chỉnh, khi mình lỡ bị càng nhiều điểm C, điểm D hơn, thì sẽ cần phải có thêm nhiều điểm A hơn để bù lại, và sẽ linh động trừ bớt số tín điểm B tương ứng để cân bằng tổng số tín chỉ như các ví dụ mình đã làm khi nãy.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng cần bao nhiêu điểm A, B, C, D để được loại giỏi sau 4 năm đại học? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Điểm C là bao nhiêu, có được học cải thiện không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.