Home Công việc Cấp Trên Không Hiểu Ý Mình Thì Phải Làm Sao?

Cấp Trên Không Hiểu Ý Mình Thì Phải Làm Sao?

by Hoàng Khôi Phạm
Cấp Trên Không Hiểu Ý Mình Thì Phải Làm Sao?

Khi đi làm, cấp trên sẽ là người phân chia công việc, hướng dẫn và giám sát cấp dưới để hoàn thành những việc được giao một cách tốt nhất, đảm bảo chất lượng, đúng deadline. Trong quá trình làm việc, cấp dưới vẫn có thể góp ý để tối ưu hiệu quả công việc, chứ không mặc định rằng cấp trên nói gì cũng làm theo, không được ý kiến. Tuy nhiên, lỡ bạn góp ý rồi nhưng cấp trên không hiểu ý mình, hoặc tệ hơn, bất đồng quan điểm của đôi bên đã chuyển thành xích mích, mâu thuẫn, thì phải làm sao?

>> Đi làm bị cấp trên đì thì phải làm sao?

Cấp dưới và cấp trên thường trao đổi về các vấn đề gì?

Thông thường, cấp dưới sẽ trao đổi công việc, giao tiếp, góp ý với cấp trên về các vấn đề sau:

  • Công việc hàng ngày: Các đầu việc thường ngày bám sát theo mô tả công việc, là điều liên quan trực tiếp tới chuyên môn, nhưng đôi khi sẽ phát sinh một số khác biệt (vấn đề), cần điều chỉnh hoặc thảo luận với sếp, nên bạn đưa ra ý kiến liên quan tới vấn đề đó, nhưng không nhận được sự đồng tình 100% từ cấp trên;
  • Các ý tưởng, sáng kiến trong công việc: Trong quá trình làm việc, bạn nảy ra các ý tưởng, sáng kiến mà bạn nghĩ sẽ nâng cao hiệu quả làm việc, sau khi đề xuất lên thì thấy có vẻ cấp trên đang không hiểu ý mình, nên không quan tâm lắm, kêu cứ làm như cũ đi;
  • Các công việc cấp bách: Các công việc, vấn đề phát sinh và cần hoàn thành một cách cấp bách, trong khi bạn còn phải đang đảm nhiệm các đầu việc thường ngày nữa, điều này có thể dẫn tới quá tải công việc nên cần trao đổi với cấp trên để tìm phương án tối ưu, tránh để giảm sút chất lượng công việc;
  • Quy trình làm việc: Nếu có quy trình làm việc chuẩn chỉnh sẽ giúp tăng hiệu suất làm việc, đảm bảo mọi thứ sẽ vận hành trơn tru, nhưng đôi khi bạn sẽ cảm thấy bực mình, không đồng ý với quy trình hiện tại, vì nó có nhiều điểm bất cập, nên đề xuất lên, nhưng cấp trên không hiểu ý hoặc không thay đổi quy trình;
  • Lương thưởng, đãi ngộ: Sau khi làm việc một thời gian, bạn thấy mình đóng góp được nhiều giá trị hơn mức lương hiện tại, nên đề xuất cấp trên tăng lương thưởng, tăng thêm đãi ngộ, nhưng cấp trên phản hồi không đồng ý, kèm theo một số lý do, nhưng bạn cho rằng vấn đề là họ đang không hiểu ý mình.

Lắng nghe quan điểm của cấp trên

Trước khi xác định rằng cấp trên không hiểu ý mình, thì bạn cần lắng nghe quan điểm của cấp trên, để họ nói trọn vẹn nội dung, không ngắt lời giữa chừng. Lúc đó, bạn sẽ hiểu được đầy đủ nội dung, quan điểm của họ, bao gồm cả những điều tương đồng lẫn bất đồng về quan điểm của đôi bên. Đây vừa là phép lịch sự tối thiểu giữa cấp dưới và cấp trên, vừa giúp bạn có đầy đủ cơ sở thông tin để kết luận rằng liệu cấp trên có đang không hiểu ý mình không, hay thực chất họ vẫn hiểu, nhưng không đồng tình với quan điểm, ý kiến của bạn?

Cấp trên cũng phải có năng lực tốt, tư duy tốt, thì mới được làm sếp, chính vì thế, khả năng cao rằng họ cũng có những lý lẽ, quan điểm chuẩn xác về vấn đề mà bạn muốn trao đổi, chứ không phải cứ thấy cấp trên không đồng ý với mình thì lại mặc định là do họ chưa hiểu ý mình. Tức là hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp cấp trên đã hiểu ý của bạn rồi, họ trình bày lại được toàn bộ nội dung quan điểm của bạn, nhưng kèm theo 1 số lý do không đồng tình, không duyệt đề xuất của bạn. Trong trường hợp cấp trên có nắm được ý của bạn, nhưng không đồng tình, hoặc chỉ đồng tình tầm 50% thôi, thì bạn cần phải xem lại quan điểm của mình, rằng điều bạn góp ý có đúng không, có hợp lý không? Nếu bạn tự suy nghĩ mãi mà vẫn chưa kết luận được rằng quan điểm của mình có đúng hay không, và cứ lăn tăn mãi về việc vì sao cấp trên lại không đồng tình với điều đó, thì cả 2 hãy cùng ngồi lại để thảo luận rõ ràng với nhau.

>> Bất đồng quan điểm với cấp trên thì phải làm sao?

Thảo luận với cấp trên để làm rõ ý, thống nhất phương án

Đầu tiên, mỗi bên sẽ lần lượt trình bày quan điểm của mình một cách đầy đủ. Tiếp theo, bạn và cấp trên sẽ cùng xác định những điểm khác biệt, không đồng nhất về ý kiến của đôi bên, rồi lần lượt giải thích thêm về điều mà mình không đồng tình. Nếu diễn đạt lần 1 xong vẫn chưa rõ ý, bạn hoặc cấp trên vẫn không hiểu ý của đối phương, thì hãy thử diễn đạt lại thêm lần nữa theo một cách khác, biết đâu nó sẽ rõ nghĩa hơn, giúp người còn lại hiểu đúng vấn đề hơn.

Có thể trong buổi thảo luận này sẽ xuất hiện mâu thuẫn, xích mích, nhưng nó sẽ biến mất ngay khi vấn đề được giải quyết, khi đôi bên đã cùng phân tích để thống nhất phương án. Điều quan trọng là cả bạn và cấp trên đừng ngại chia sẻ, mà cứ nói thẳng và nói rõ quan điểm, ý kiến của nhau, thì mới có thể xử lý 1 cách trọn vẹn nhất được. Cũng có thể sẽ xảy ra trường hợp quan điểm của bạn đúng, quan điểm của sếp cũng đúng, đây là trường hợp phức tạp nhất, nhưng bạn vẫn có thể xử lý được. Cách giải quyết thường gặp nhất là cân nhắc xem ý của ai đúng nhiều hơn, rồi sẽ áp dụng theo phương án đó trước. Nếu sau 1-2 tháng thấy không ổn, không giải quyết được vấn đề thì có thể cân nhắc thay đổi, làm theo phương án còn lại, rồi đánh giá, so sánh hiệu quả xem. Hãy nhớ rằng, khi đi làm, cả nhân viên lẫn cấp trên đều mong muốn công việc sẽ thuận lợi, hoàn thành đúng deadline, đạt chất lượng, đạt KPI, chứ không ai cố tình đưa ra ý kiến gây giảm hiệu quả công việc, nên hãy cứ tin tưởng nhau, tin tưởng cấp trên, cấp dưới của mình, vì biết đâu quan điểm của họ đúng hơn so với của mình?

Bài viết này đã giải quyết băn khoăn rằng cấp trên không hiểu ý mình thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Làm sao để thoát khỏi tâm lý sợ sếp, rén cấp trên?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích