Home Công việc Bất Đồng Quan Điểm Với Cấp Trên Thì Phải Làm Sao?

Bất Đồng Quan Điểm Với Cấp Trên Thì Phải Làm Sao?

by Hoàng Khôi Phạm
Bất Đồng Quan Điểm Với Cấp Trên Thì Phải Làm Sao?

Khi đi làm, trong công ty hầu như sẽ luôn phân rõ vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm giữa cấp quản lý và nhân viên. Những ai làm sếp thì sẽ có quyền điều hành, quản lý & giao việc cho nhân viên cấp dưới. Sếp cũng sẽ là người được quyền ra nhiều quyết định theo quan điểm của họ, miễn họ thấy đúng & hợp lý là được. Điều này đôi khi sẽ dẫn tới sự khó chịu cho nhân viên cấp dưới, nhất là khi nhân viên có quan điểm khác với sếp. Vậy bất đồng quan điểm với cấp trên thì phải làm sao? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!

Giữ bình tĩnh & cân nhắc kỹ về quan điểm

Khi bạn đã đi làm lâu năm, có nhiều kinh nghiệm & nhạy bén với công việc chuyên môn, thì bạn sẽ có những góc nhìn của riêng mình trước những vấn đề liên quan tới công việc, đương nhiên bạn cũng tin vào góc nhìn của mình & muốn bảo vệ quan điểm của bản thân. Vì thế, khi thấy cấp trên phân chia công việc hoặc ra những quyết định trái với những gì mình nghĩ, cho rằng chúng không ổn, sẽ không mang về kết quả tốt trong công việc, thì bạn sẽ góp ý, đưa ra quan điểm của mình. Nhưng lỡ điều này tiếp diễn quá nhiều lần, hoặc cấp trên quản lý theo phong cách cứng rắn, không bị lung lay bởi ý kiến của nhân viên, thì chính những bất đồng quan điểm này sẽ khiến bạn thấy khó chịu, ngột ngạt.

Tuy nhiên, dù tình hình có thế nào thì điều đầu tiên bạn cần lưu ý chính là phải cố gắng giữ bình tĩnh, đừng bật lại sếp, đừng lớn tiếng phản bác, và càng không nên đi nói xấu sếp với người này người kia, với các đồng nghiệp trong công ty, vì trước sau gì điều đó cũng sẽ đồn tới tai cấp trên, và viễn cảnh không mong muốn sẽ xảy ra với bạn. Thay vào đó, bạn cần bình tĩnh & cân nhắc kỹ về quan điểm của mình, chủ động liệt kê ra các luận điểm của bản thân, check xem chúng có khách quan & chính xác không, có liên kết với vấn đề không, hướng xử lý của bạn có chắc là ổn hơn của sếp không? Khi cân nhắc càng kỹ, càng chi tiết, thì mới càng tăng cơ hội thuyết phục được cấp trên, chứ nếu bạn có ý kiến hay, nhưng diễn đạt lủng củng, không rành mạch, thì làm sao người ta hiểu đúng được, nhiều khi càng nói càng bị đánh giá thấp nữa.

Bất đồng quan điểm với cấp trên thì phải làm sao?

Khi đã cân nhắc kỹ và xác định rằng quan điểm của mình hoàn toàn hợp lý, khả năng cao rằng sẽ giúp công việc tiến triển theo hướng tốt hơn, thì bạn hãy dành thời gian lập thành một file kế hoạch, với các đầu mục cụ thể về nguyên nhân, vấn đề, hướng giải quyết, phân tích ưu nhược điểm, cơ hội, thách thức, chi phí,… để trình bày lại với cấp trên một cách chuyên nghiệp. Đây không phải là bạn muốn chứng minh rằng mình đúng, cấp trên sai, mà chỉ đơn thuần là cách giải quyết chuyện bất đồng quan điểm một cách thông minh và chuyên nghiệp, vì khi teamwork thì mọi người đều có quyền nói lên ý kiến, miễn sao bạn chọn cách trao đổi lịch sự, đúng mực và rành mạch, logic, thì cấp trên sẽ hình dung đúng và hiểu rõ những gì bạn muốn trình bày.

Mọi chuyện sẽ thuận lợi nếu cấp trên đồng tình với quan điểm của họ. Tuy nhiên, cũng sẽ có những trường hợp bạn nghĩ rằng quan điểm của mình tối ưu nhất, nhưng cấp trên vẫn tin vào góc nhìn của họ hơn, và không chịu thay đổi quyết định, thì có thể điều này sẽ khiến bạn không phục, cảm thấy bất mãn. Nhưng bạn vẫn nên bình tĩnh cân nhắc lại, vì họ là sếp, họ có kinh nghiệm và chuyên môn tốt hơn mình nên mới ngồi ở vị trí đó, nếu được thì hãy để thời gian trả lời, xem liệu quyết định ấy của sếp sẽ mang lại kết quả thế nào. Trong một số ít trường hợp, bạn xui rủi phải làm việc với một người sếp có năng lực chưa ổn, mà lại còn không lắng nghe, không tin tưởng mình, nhất là khi bạn hay có bất đồng quan điểm với cấp trên thì lại càng khiến họ thấy không thích bạn, thì phải làm sao?

>> Làm thế nào khi bất đồng quan điểm với đồng nghiệp?

Sếp không lắng nghe, không tin tưởng mình thì sao?

Cảm giác đi làm gặp sếp không lắng nghe sẽ rất bức bối, ấm ức, đơn giản là mình muốn thảo luận, góp ý để công việc tốt hơn thôi, vậy mà lúc nào cũng bị gạt sang một bên, thậm chí cấp trên còn cho rằng mình tiêu cực, bày vẽ ra nhiều vấn đề rắc rối, thì bạn sẽ càng thấy ức chế hơn. Bên cạnh chuyện bất đồng quan điểm, nếu cấp trên còn có xu hướng không tin tưởng mình, thì điều đó lại càng nghiêm trọng hơn, khiến bạn cảm thấy mình như 1 kẻ dư thừa trong công ty, trong team. Trong trường hợp này, bạn càng có năng lực thì sẽ càng có xu hướng ức chế, càng về sau sẽ không muốn nói gì nữa, sếp muốn làm gì thì kệ, sếp không trọng dụng tôi thì thôi, tôi cũng không ý kiến gì nữa. Tuy nhiên, bạn không nên tự nhốt bản thân trong cảm giác ức chế khi sếp không lắng nghe, không tin tưởng mình, mà bạn nên cân nhắc 2 hướng sau:

  • Nếu đã quá chán nản, không còn cảm hứng làm việc nữa thì bạn nên xin nghỉ, đừng để bản thân mệt mỏi, chán nản hơn, vừa không tốt cho bạn, vừa chẳng tốt cho công ty, vì khi bạn chán công việc thì cũng khó mà hoàn thành nó một cách suôn sẻ được, mà khi bạn làm việc không tốt thì lại càng có lý do để cấp trên tiếp tục không lắng nghe, không tin tưởng bạn trong tương lai;
  • Nếu vẫn còn yêu thích công việc này thì hãy cố gắng chứng minh cho cấp trên bằng hành động, thông qua kết quả làm việc thực tế của mình, bạn càng tập trung, nỗ lực, chăm chỉ, chuyên nghiệp & mang lại kết quả tốt trong công việc, thì cấp trên sẽ càng đánh giá cao, sẽ công nhận năng lực và tin tưởng bạn hơn, sẽ hạn chế được chuyện bất đồng quan điểm trong tương lai. Tức là bạn nên nói ít làm nhiều, chứng minh bằng hành động và kết quả làm việc.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng bất đồng quan điểm với cấp trên thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Phỏng vấn: Nếu cấp trên sai, bạn sẽ góp ý hay bỏ qua?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích