Siêng năng, chăm chỉ là đức tính quan trọng giúp tăng cơ hội thành công trong tương lai, hữu ích cho bạn trong cả học tập lẫn công việc. Ai cũng biết rõ điều đó và cố gắng để bản thân mình càng chăm chỉ càng tốt, nhưng muốn là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Một số người cố gắng nhưng chỉ chăm chỉ part time, lâu lâu nổi hứng lên thì chăm, sau đó lại lười. Hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu kỹ hơn rằng chăm chỉ part time là gì, và nó tiềm ẩn những tác hại nào?
>> Học tốt, đạt điểm cao do chăm chỉ hay thông minh?
Chăm chỉ part time là gì?
Chúng ta thường nghe qua cụm từ chăm chỉ part time, nhưng liệu bạn đã hiểu đúng và giải nghĩa được khái niệm chăm chỉ part time là gì chưa? Đây là cụm từ ám chỉ những người cố gắng chăm chỉ nhưng không được lâu bền, chăm chỉ được một thời gian rồi lại lười biếng, giống kiểu như part time (bán thời gian), chứ không phải lúc nào cũng luôn chăm chỉ một cách full time. Điều này xảy ra là do bản thân thiếu động lực, hoặc có động lực nhưng không duy trì được lâu, nên cứ lâu lâu cố gắng, quyết tâm rằng mình sẽ chăm chỉ, nhưng được một thời gian lại lười biếng như cũ. Nếu cảm thấy bản thân đang rơi vào trường hợp như thế, nhưng chưa chắc chắn, chưa khẳng định được, thì bạn hãy thử nhìn lại xem mình có những dấu hiệu ở phần tiếp theo không nhé!
Những dấu hiệu của người chăm chỉ part time
Mỗi người khi chăm chỉ part time sẽ có những đặc điểm, dấu hiệu riêng, nhưng thường sẽ xoay quanh những điều sau:
- Đối với học sinh, sinh viên, các em thường đặt mục tiêu học tập vào đầu mỗi học kỳ/năm học, nhưng không theo được xuyên suốt, mà chỉ chăm chỉ được trong vài tuần rồi lại lơ là, lười biếng, quên mất tiêu rằng mình đã từng quyết tâm phải chăm chỉ, nghiêm túc học hành; Hoặc cũng có trường hợp các em chăm chỉ học, lập thời gian biểu học tập cụ thể, và có ngồi vào bàn học đúng giờ, nhưng thực tế lại không tập trung, vừa học vừa chơi, bấm điện thoại, cuối cùng chẳng học được gì, thì như thế cũng được tính là chăm chỉ part time;
- Đối với người đi làm, chăm chỉ part time thường thể hiện qua việc chỉ siêng năng, chăm chỉ khi có mặt sếp, khi bị cấp trên thúc ép hoặc bị deadline dí, còn lại thì sẽ lười biếng, dây dưa, trì hoãn công việc, không chịu làm việc đàng hoàng; Hoặc cũng có trường hợp cố gắng, quyết tâm sẽ chăm chỉ (thường vào đầu tháng), nhưng được vài bữa lại dần lười biếng như trước, không duy trì được tới cuối tháng, khiến cho tháng nào kết quả công việc cũng chỉ ở mức tàn tàn;
- Trong cuộc sống, cũng có nhiều trường hợp chăm chỉ part time, chẳng hạn như đặt mục tiêu rằng mình phải học hỏi, trau dồi thêm ngoại ngữ để phát triển bản thân, nhưng lôi sách vở ra học được vài bữa, hoặc tải app học Tiếng Anh về được vài tuần, rủ bạn bè lập nhóm học Tiếng Anh nhưng cũng được vài buổi rồi lại bỏ, lại quên luôn mục tiêu ấy; Hoặc cũng có trường hợp muốn rèn luyện kỹ năng mềm, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, nhưng lại bị hấp tấp, muốn đạt được nhanh, nên thời gian đầu cực kỳ chăm chỉ, nỗ lực rèn luyện, sau đó thấy chưa đạt được kết quả, hoặc tiến bộ chậm hơn kỳ vọng, rồi lại bỏ luôn, không chăm chỉ nữa…
>> 5 tác hại khôn lường khi bạn lười biếng
Chăm chỉ part time tiềm ẩn những tác hại nào?
Nếu thấy mình có khá nhiều dấu hiệu của chuyện chăm chỉ part time, thì bạn cần xử lý chúng càng sớm càng tốt, kẻo sẽ kéo theo nhiều tác hại & hệ quả nghiêm trọng. Đầu tiên, chăm chỉ part time sẽ khiến bạn không bao giờ đạt được những mục tiêu đã đặt ra, vì bạn chỉ cố gắng giai đoạn đầu, chứ không theo đuổi được tới cùng, mà liên tục không đạt mục tiêu như thế sẽ khiến bạn dễ bị nản chí, có những suy nghĩ tiêu cực, tự ti về bản thân, cho rằng mình yếu kém, bất tài, vô dụng, rồi cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng luẩn quẩn đó mà không thoát ra đuọc, vậy là tự bịt kín tương lai của mình luôn.
Tiếp theo, chăm chỉ part time cũng sẽ khiến bạn bị dậm chân tại chỗ, trong học tập thì chẳng tiếp thu được kiến thức mới, hoặc chỉ học được lác đác vài điều không đáng kể, còn trong công việc thì mãi không thấy tiến bộ, năng lực vẫn như cũ, vẫn xoay quanh các đầu việc cơ bản, trong khi đồng nghiệp khác ngày càng hoàn thiện năng lực hơn, tự dưng thấy họ được tăng lương, thăng tiến, trong khi mình vẫn như cũ, dù bản thân cũng có chăm chỉ, nhưng không được lâu dài, mà chỉ lâu lâu nổi hứng lên mới chăm được vài hôm.
Ngoài ra, chăm chỉ part time cũng chính là thủ phạm khiến bạn quá nuông chiều bản thân, bạn thấy rằng lười biếng sẽ sướng hơn, thoải mái hơn, nhưng không muốn mọi người chỉ trích rằng mình lười, nên lâu lâu tỏ ra chăm chỉ được một lúc, được vài ngày, vài tuần, giống như lớp vỏ bọc thể hiện cho mọi người thấy mình cũng có siêng năng, nhưng ẩn phía sau đó lại là một người lười biếng, tưởng như đó là điều hay, là điều khôn khéo, nhưng chính chuyện đó lại hại bạn, biến bạn thành một người không có chí cầu tiến, không chịu cố gắng, và nhìn về tương lai thì cứ thấy mịt mù, lỡ sóng gió, khó khăn, thử thách ập tới, thì bạn sẽ không đủ khả năng để vượt qua, mà còn bị sự lười biếng dìm xuống, nhất là khi bạn tự lừa dối chính mình, tự cho rằng mình chăm chỉ, không có lười, nhưng thực chất bạn lại lười.
Phải làm sao khi thấy mình chăm chỉ được 1 lúc lại lười?
Những tai hại khi chăm chỉ part time là điều mà bạn không muốn phải đối mặt, nhưng xui rủi thay, bạn lại đang là một người như thế, và đã quen với chuyện này được khá lâu, vậy phải làm sao để thay đổi khi thấy mình chăm chỉ được 1 lúc lại lười? Đầu tiên, bạn cần phải củng cố động lực, hãy giúp bản thân hiểu rõ rằng nếu như chăm chỉ thì sẽ tốt thế nào, mang lại cho bạn những lợi ích gì trong tương lai, chẳng hạn như giúp kết quả học tập tốt hơn, vững kiến thức hơn, hoặc làm việc hiệu quả hơn, mở rộng cơ hội được tăng lương, thăng tiến. Hãy nhìn những tấm gương tốt về sự chăm chỉ ở xung quanh mình, rằng khi họ chăm chỉ thì họ đã nhận được những thành quả gì, bạn muốn được như họ không? Đó sẽ chính là người thật việc thật, giúp bạn củng cố động lực để bắt đầu hành trình rèn luyện sự chăm chỉ full time.
Tiếp theo, bạn hãy học cách quản lý thời gian, lập thời gian biểu cụ thể và chi tiết cho những việc mình cần làm trong ngày, trong tuần, trong tháng, phân chia đủ thời gian cho từng việc, điều nào ưu tiên & quan trọng thì nên dời lên sớm và cho nó nhiều thời gian hơn. Và khi đã có thời gian biểu thì cần đảm bảo tuân thủ, giờ nào việc nấy, nghiêm túc làm theo đúng lịch, đồng thời, phải luôn tập trung trong quá trình học tập/làm việc, sao cho mình đã dành thời gian, đã đưa vào thời gian biểu rồi thì phải tập trung làm cho tới, cho hiệu quả, chứ đừng để việc khác xen ngang khiến mình xao nhãng.
Trong quá trình rèn luyện sự chăm chỉ, tất nhiên bạn cũng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, những chuyện phát sinh đột xuất cản trở sự chăm chỉ của mình, hoặc cám dỗ, khiến cho mình tự dưng lại lười biếng. Khi gặp những điều đó, thì bạn phải sớm nhận ra chúng để xử lý sớm, đừng để chúng cản trở công chuyện của mình. Chẳng hạn như bạn có thói quen bấm điện thoại, check tin nhắn, hoặc bị nghiện game, hở ra tí lại phải đụng tới cái điện thoại, thì hãy thử để nó ra xa, khuất tầm nhìn, tắt thông báo, phải ráng học hoặc làm việc cho xong, rồi mới được tự thưởng cho bản thân một ít thời gian để chơi game. Vừa giúp bạn có động lực để chăm chỉ hơn, vừa hạn chế chuyện bị xao nhãng, phân tâm, rồi đâm ra đổ bể công việc.
Bài viết này đã giúp bạn hiểu rằng chăm chỉ part time là gì, tiềm ẩn những tác hại nào, và đưa ra một số gợi ý giúp bạn khắc phục tình trạng chăm chỉ được 1 lúc lại lười. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Chăm chỉ học nhưng kết quả không tốt, sai ở đâu?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.