Home Chưa phân loại Đánh Giá Chiến Lược Marketing Mix Của OPPO

Đánh Giá Chiến Lược Marketing Mix Của OPPO

by Hoàng Khôi Phạm
Đánh Giá Chiến Lược Marketing Mix Của OPPO

Đánh giá chiến lược Marketing Mix của Oppo, tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành Marketing. Bài đánh giá được thực hiện vào năm 2015 nên có thể một số thông tin đã có sự thay đổi.

>> Mẫu nội dung báo cáo môn học Nghiên cứu thị trường

Đánh giá chiến lược Marketing Mix của Oppo

1. Sản phẩm (Product) – Marketing Mix

Ưu điểm:

  • Sản phẩm có nhiều kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc, kết hợp giữa sự trẻ trung và sang trọng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
  • Sản phẩm có thiết kế bắt mắt, thanh lịch, gọn, nhẹ, tạo cảm giác thoải mái khi cầm.
  • Sản phẩm có cấu hình khá, đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu thông thường như nghe, gọi, lướt web, chơi game 3D, chụp ảnh, nghe nhạc… Đồng thời, Oppo có hệ điều hành riêng là “Hệ điều hành Coloros” do Oppo tự thiết kế, rất dễ sử dụng và thân thiện.
  • Sản phẩm được tích hợp thao tác cảm ứng thông minh, giúp người dùng thao tác trên điện thoại nhanh chóng và tiện lợi hơn.
  • Một số sản phẩm được tích hợp tính năng camera xoay thời thượng, có đèn flash và chế độ chụp phơi sáng, HDR, phù hợp với đối tượng khách hàng có đam mê nhiếp ảnh và thích trải nghiệm cảm giác mới lạ khi chụp ảnh.
  • Logo và tên thương hiệu được thiết kế đơn giản, bắt mắt, dễ nhớ, dễ đi sâu vào tâm trí khách hàng. Đồng thời, Oppo đặt tên cho sản phẩm theo cách kết hợp bao gồm tên của doanh nghiệp và tên riêng của từng loại sản phẩm. Kiểu đặt tên này sẽ vừa mang được uy tín của doanh nghiệp cho các loại sản phẩm, vừa tránh được ảnh hưởng xấu cho các loại sản phẩm khác nếu một loại bị thất bại.

Nhược điểm:

  • Dung lượng pin còn hạn chế, gây khó khăn cho người dùng khi phải dùng máy nhiều giờ liên tiếp.
  • Bộ nhớ trong thấp và không thể nâng cấp thêm.
  • Tuy có hệ điều hành riêng nhưng còn khá lỗi thời so với các sản phẩm có mức giá tương đương của các đối thủ.
  • Đa số sản phẩm hiển thị hình ảnh không được mịn do độ phân giải không cao, nếu nhìn gần có thể nhận thấy hình ảnh bị rỗ nhẹ.
  • Tốc độ chậm và tỏa nhiệt khi phải xử lý nhiều ứng dụng cùng lúc hoặc khi dùng trong thời gian nhiều giờ đồng hồ liên tục.

2. Giá cả (Price) – Marketing Mix

Ưu điểm: Giá cả đa dạng, phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng có thu nhập khác nhau.

Nhược điểm: Dù đang trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm nhưng giá cả của Oppo vẫn còn chưa đủ tính cạnh tranh so với các sản phẩm có đặc tính tương đương của các đối thủ.

3. Phân phối (Place) – Marketing Mix

Ưu điểm:

  • Oppo sử dụng kênh phân phối 1 cấp để giá được bán ra thấp nhất có thể. Tức là Oppo bán sản phẩm cho người tiêu dùng chỉ thông qua các nhà bán lẻ chứ không thông qua các đại lý hoặc nhà bán sỉ.
  • Oppo có hệ thống phân phối đa dạng, phong phú với hàng loạt cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, tập trung gần các trung tâm thành phố, trường học, khu vui chơi, giải trí… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và dùng thử sản phẩm.
  • Các cửa hàng bán lẻ của Oppo trang trí đẹp, trang trọng, bắt mắt. Đồng thời, các sản phẩm của Oppo cũng được bố trí ở vị trí riêng biệt trong các cửa hàng lớn như Thế giới di động, Viễn thông A, FPT…
  • Oppo đào tạo bài bản những nhân viên bán hàng, giúp họ nắm rõ các tính năng của sản phẩm cũng như tâm lý khách hàng và sắp xếp họ đến các cửa hàng phân phối điện thoại của Oppo để giải đáp thắc mắc và tư vấn cho khách hàng một cách trực tiếp. Sự bài bản đó tạo cho Oppo một hình ảnh chuyên nghiệp, chu đáo và hết lòng vì khách hàng như những gì mà họ đã tuyên bố.

Nhược điểm: Tuy có nhiều của hàng bán lẻ nhưng hầu như khách hàng chỉ mới nhận diện được thương hiệu Oppo chưa nhận biết và phân biệt được các loại sản phẩm cụ thể, trừ khi họ chủ động tìm hiểu kỹ.

4. Xúc tiến (Promotion) – Chiến lược Marketing Mix

Ưu điểm: Do có tiềm lực tài chính mạnh, Oppo đã chi mạnh tay cho các hoạt động quảng bá thương hiệu, bao gồm quảng cáo, đại sứ thương hiệu, quan hệ công chúng và các chương trình tài trợ khác:

  • Mật độ và số lượng mẫu quảng cáo khá dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các bảng quảng cáo ngoài trời do Oppo có nhiều tính năng đến nỗi một mẫu quảng cáo không thể minh họa hết. Nội dung quảng cáo hay, hình ảnh đẹp, bắt mắt, ấn tượng, giới thiệu được hầu hết các tính năng và ưu điểm của sản phẩm trên màn ảnh nhỏ.
  • Oppo chọn đại sứ là các ca sĩ trẻ nổi tiếng, được đông đáo khán giả bết đến như Sơn Tùng M-TP, Tóc Tiên.
  • Tài trợ chính cho nhiều chương trình truyền hình như “Giọng hát Việt”, “Hòa âm ánh sáng”, “Nhân tố bí ẩn”, “Bố ơi mình đi đâu thế?”…, xuất hiện trong nhiều MV ca nhạc của nhiều ca sĩ nổi tiếng và tài trợ cho nhiều chương trình quy mô lớn như liveshow “Heart Beat” của ca sĩ Mỹ Tâm hay “Color me run 2015”.
  • Oppo tổ chức sự kiện “Dùng thử Oppo Clover” trong một tháng, cho phép người tiêu dùng dùng thử sản phẩn, đã thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ và phần nào xóa đi sự nghi ngại của họ đối với chất lượng sản phẩm.
  • Oppo cũng tiến hành nhiều đợt khuyến mãi một cách linh hoạt, khôn khéo như ưu đãi giá đặc biệt cùng nhiều phần quà hấp dẫn trong đợt khai giảng tựu trường cho học sinh, sinh viên.

Nhược điểm:

  • Các sự kiện dùng thử sản phẩm còn ít và chưa truyền thông rộng rãi cho nhiều người biết để đến tham gia, trải nghiệm.
  • Fanpage của Oppo trên mạng xã hội Facebook có ít sự quan tâm của mọi người, độ tương tác của họ chủ yếu nhờ vào việc chi tiền để quảng cáo rầm rộ trên Facebook.
  • Sự xuất hiện có thể nói là dày đặc của Oppo ở khắp mọi nơi, mọi lúc khiến cho không ít người cảm thấy phiền toái. Nhất là dịp Tết 2015 vừa rồi, có cảm giác như Oppo đang tấn công dồn dập về phía người tiêu dùng, đặc biệt trên kênh VTV và đỉnh điểm là sự lố bịch trên sân khấu Táo quân vừa rồi. Việc Oppo chi quá mạnh tay cho các hoạt động tài trợ, quảng cáo như thế cũng khiến người mua lo ngại về số tiền bị dội lên khi mua sản phẩm.
  • Quảng cáo chỉ tập trung vào giá, kiểu dáng và tính năng, chứ không nhấn mạnh về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng cảm thấy thú vị nhưng chưa thuyết phục vì đây là một sản phẩm của Trung Quốc.
  • Oppo đã và đang tập trung quá nhiều vào truyền thông tiếp thị đến nỗi quên định vị cho mình một hình ảnh nhất quán. Trong một vài mẫu quảng cáo, Oppo đã lồng sự hài hước và vui vẻ bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm; trong một mẫu quảng cáo khác, thương hiệu này lại sử dụng sự lãng mạn của tình yêu. Gần đây, Oppo lại chuyển sang thông điệp ‘Làm cha cần cả đôi tay’ nhằm khuyến khích các ông bố dành nhiều thời gian cho con hơn là việc sử dụng điện thoại. Điều này khiến cho khách hàng mục tiêu không thể tìm ra được đâu là điểm nổi bật, đâu là nét đặc biệt của thương hiệu để họ cảm thấy gắn kết.

Sau khi phân tích chiến lược Marketing Mix của Oppo, chúng ta thấy được rằng cũng như mọi công ty khác, Oppo không phải lúc nào cũng đi đúng hướng, nhưng họ luôn tỏ rõ thiện chí dám đi xa hơn, gắn bó với cộng đồng. Tuy nhiên, Oppo cần phải đi sâu hơn trong nghiên cứu hành vi người tiêu dùng để có thể tìm ra những chiến lược phù hợp nhằm khẳng định vị thế của mình tại thị trường Việt Nam.

>> Mẫu câu hỏi phỏng vấn môn học Hành vi khách hàng

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh.
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích