Nếu bạn là một người làm việc nghiêm túc, muốn vừa làm vừa học hỏi, nâng cao năng lực bản thân và đóng góp nhiều giá trị cho công ty, thì chắc chắn bạn sẽ muốn mình luôn toàn tâm toàn ý cho công việc, tập trung xử lý các việc trọng điểm và hạn chế bản thân bị xao nhãng bởi những việc không liên quan. Tuy nhiên, vẫn có khả năng bạn xui rủi gặp phải một người cấp trên hay sai vặt, kêu nhân viên làm những việc lặt vặt không đúng chuyên môn, hoặc thậm chí là việc của sếp nhưng lúc nào cũng bắt nhân viên làm thay, nếu làm tốt thì sếp nhận hết lời khen, còn làm sai thì đổ hết lỗi cho nhân viên. Lúc đó, chắc chắn bạn sẽ rất khó chịu, muốn tìm cách để từ chối nhưng không biết nên đưa ra lý do gì? Vậy đi làm gặp sếp hay sai vặt thì làm sao để từ chối? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!
>> Làm sao để thoát khỏi tâm lý sợ sếp, rén cấp trên?
Sếp có quyền sai vặt nhân viên cấp dưới không?
Trước khi tìm cách từ chối khi sếp hay sai vặt, thì chúng ta sẽ tìm hiểu xem liệu cấp trên có quyền sai vặt nhân viên cấp dưới không? Rất tiếc, câu trả lời là có, nhất là với nhân viên mới vào công ty làm việc, chưa thạo việc, chưa quen với tính chất công việc nên sẽ khó lòng được giao cho các công việc chuyên môn quan trọng, thay vào đó, bạn thường sẽ được cấp trên yêu cầu làm trước các việc đơn giản, và nhiều khi tự dưng trở thành chân sai vặt của sếp, hay kêu mình làm cả những việc lặt vặt không đúng chuyên môn. Nhưng dần dần những điều đó cũng sẽ giảm bớt, khi bạn đã quen việc, vững vàng chuyên môn hơn, thì bạn sẽ không cần phải làm những việc lặt vặt nữa, sếp cũng sẽ tự biết, tự hay rằng họ cần hạn chế, không nên sai bạn làm những việc vặt như khi mới vào công ty. Có chăng chỉ là đôi lúc sếp thật sự bận, lu bu và quá tải công việc, thì mới cần bạn hỗ trợ một số công việc vặt, nhưng sẽ không quá nhiều, không quá thường xuyên, thay vào đó, bạn sẽ được tập trung nhiều thời gian hơn cho các công việc chuyên môn, vì bản chất công ty tuyển nhân viên vào, trả lương để làm việc chuyên môn, mang về giá trị đúng như mức lương được nhận, chứ không phải tuyển bạn vào để sai vặt.
Dấu hiệu cho thấy sếp sai vặt quá nhiều
Vậy là sếp có quyền sai vặt nhân viên cấp dưới, nhân viên thử việc mới vào công ty, nhưng khi bạn đã làm việc lâu năm, đã vững chuyên môn, thì sẽ hạn chế bớt, không bị sai vặt nhiều nữa. Lý thuyết là thế, nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng như vậy, có một số trường hợp đi làm lâu năm mà vẫn bị sếp sai vặt quá nhiều, hay kêu bạn làm giùm cái này cái kia, khiến bạn khó lòng tập trung chuyên môn. Nếu bạn đang ngờ ngợ nhưng chưa dám kết luận, thì hãy thử nhìn lại xem cấp trên của mình đang có các dấu hiệu sau không nhé:
- Cấp trên nhờ bạn làm giùm việc này việc kia, nhưng bạn lại thấy sếp đang rảnh rỗi, chẳng bận gì;
- Sếp sai bạn làm những việc lặt vặt không đúng chuyên môn, như pha trà, pha cà phê, chạy đi mua cái này cái kia, với tần suất quá nhiều;
- Bạn không thể tập trung hoàn thành công việc đúng deadline, vì đang làm mà cứ bị sếp nhờ cái này cái kia, tự dưng bị xao nhãng, cắt ngang tâm trạng làm việc;
- Khi thấy sếp gọi điện hoặc nhắn tin, chưa cần xem bạn cũng biết là sếp đang định sai làm việc vặt nào đó;
- Đi làm mà suốt ngày phải làm việc lặt vặt, không được training, đào tạo, hướng dẫn thêm về chuyên môn, khiến bạn có cảm giác mình dậm chân tại chỗ, chẳng tiến bộ gì cả;
- Bạn nhận thấy bản thân mình không quá quan trọng, sếp chẳng coi mình là nhân viên, chỉ xem mình giống như người để sai vặt, nhiều khi mình nghỉ việc thì sếp cũng chẳng bận tâm…
>> Có nên góp ý khi cấp trên ra quyết định chưa chính xác?
Tác hại khi đi làm mà suốt ngày bị sai vặt
Khi đi làm mà suốt ngày bị sai vặt, gặp sếp hay sai vặt, thì tất nhiên tác hại đầu tiên chính là ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng của bạn, khiến bạn cảm thấy cực kỳ bực bội, chán nản, mệt mỏi, mình cũng đi làm đàng hoàng mà sao lại bị đối xử như một chân sai vặt, không được training, đào tạo, không được làm các công việc đúng chuyên môn, đi làm vốn dĩ là mối quan hệ win – win, mà sao bạn chẳng thấy mình nhận được giá trị gì? Tiếp theo, khi đi làm mà suốt ngày bị sai vặt, trong khi đồng nghiệp khác lại được tập trung chuyên môn, được giao cho đảm nhiệm các công việc đúng theo vị trí ứng tuyển, sao lại có sự thiên vị, bất công như thế, điều này lại càng khiến bạn bất mãn hơn, cảm thấy mình bị xem thường, mất giá trị bản thân, và đây thật sự là một môi trường làm việc thiếu lành mạnh, cạnh tranh không công bằng.
Bên cạnh đó, khi đi làm mà gặp sếp hay sai vặt, thì bạn cũng sẽ dễ bị xao nhãng, khó lòng tập trung hoàn thành công việc, tự dưng đang làm việc này lại có việc kia cấp trên kêu làm gấp, rồi tùm lum mọi chuyện lên, sẽ khó có thể hoàn thành tốt những việc được giao, có khi sau đó lại bị trách mắng, chê bai rằng có những việc đơn giản mà cũng làm không xong, khiến bạn càng tủi thân hơn. Ngoài ra, chẳng ai muốn đi làm mà gặp sếp hay sai vặt, bị kêu làm việc vặt không đúng chuyên môn, vì đó là cảm giác cực kỳ khó chịu, nên sớm muộn gì bạn cũng nghỉ việc, tìm công việc khác, môi trường khác.
Đi làm gặp sếp hay sai vặt thì làm sao để từ chối?
Đi làm gặp sếp hay sai vặt, nếu không sớm tìm ra phương án xử lý, thì sớm muộn gì bạn cũng rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt quệ và nghĩ tới chuyện nghỉ việc, tự dưng mình không làm gì sai mà cuối cùng lại phải mất việc, phải đi tìm việc lại từ đầu? Đừng để tình huống bất công ấy xảy ra với mình, bạn phải mạnh mẽ hơn, tự đương đầu và giải quyết vấn đề mà mình đang gặp phải. Vậy đi làm gặp sếp hay sai vặt thì làm sao để từ chối?
Đầu tiên, bạn phải làm rõ mindset rằng mình sẽ không từ chối một cách lung tung, vô tội vạ, vì như thế có khả năng bạn sẽ bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng cấp trên, lười biếng, sếp giao việc mà không chịu làm,… tự dưng từ nạn nhân lại trở thành kẻ xấu. Bạn cũng không nên nói thẳng với sếp là đừng sai vặt em nữa, em không thích, em muốn tập trung chuyên môn. Thay vào đó, khi sếp giao cho bất kỳ công việc gì, thì bạn cần phải đánh giá, xem xét kỹ lưỡng rằng đây là việc bình thường, là nhiệm vụ mình cần làm, liên quan tới chuyên môn hay thật sự là sếp đang sai vặt?
Với các việc đúng chuyên môn, thì bạn cần phải nhận, còn với các việc sai vặt, bạn có thể từ chối, nhưng cần lưu ý một tần suất phù hợp, kèm theo những lý do hợp lý. Tức là bạn có thể nhận khoảng 40%, và từ chối 60%, đây là một tỷ lệ an toàn để bạn vừa chiều lòng sếp, vừa không bị sai vặt quá nhiều, vẫn có thời gian để tập trung hoàn thành các công việc chuyên môn, sếp nhờ bạn không được thì sẽ nhờ nhân viên khác thôi, trong công ty đâu chỉ có mỗi bạn, và vẫn có những lúc bạn nhận lời làm việc vặt mà, chứ đâu phải lúc nào cũng từ chối, nên sếp sẽ không để bụng hay ghim bạn đâu. Tuy nhiên, khi từ chối, thì bạn cần phải đưa ra lý do hợp lý, và thường thì bận công việc, có việc deadline gấp cần hoàn thành ngay, hoặc bạn đang tập trung xử lý những đầu việc quan trọng với khách hàng, đối tác,… thì chắc chắn 100% cấp trên sẽ không làm phiền bạn nữa, họ sẽ nhờ nhân viên khác, hoặc tự làm. Tất nhiên, bạn cần lưu ý rằng mình phải thật sự bận thì mới nói, đừng dại dột bịa đặt ra những lý do sai sự thật, nói mình bận nhưng thực tế lại đang rảnh, vì như thế sẽ bị phản tác dụng.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng đi làm gặp sếp, cấp trên hay sai vặt thì làm sao để từ chối? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Sếp tận tình nhưng tại sao nhân viên lại rời đi?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.