Home Công việc Đi Làm Văn Phòng Thường Tan Ca Về Nhà Lúc Mấy Giờ?

Đi Làm Văn Phòng Thường Tan Ca Về Nhà Lúc Mấy Giờ?

by Hoàng Khôi Phạm
Đi Làm Văn Phòng Thường Tan Ca Về Nhà Lúc Mấy Giờ?

Bên cạnh các đề tài liên quan tới tiền lương, thì chủ đề về thời gian làm việc cũng được đông đảo dân văn phòng quan tâm và thường lấy ra để so sánh với nhau. Song song với thời gian nghỉ trưa, thì giờ tan ca cũng là chủ đề được nhắc tới nhiều. Vậy đi làm văn phòng thường tan ca về nhà lúc mấy giờ?

>> Đi làm văn phòng được nghỉ ăn trưa lúc mấy giờ, bao nhiêu tiếng?

Đi làm văn phòng thường tan ca lúc mấy giờ?

Làm văn phòng tan ca lúc mấy giờ? Điều này sẽ phụ thuộc vào từng công ty, tuỳ theo từng tính chất công việc, và phụ thuộc vào việc bạn bắt đầu vào làm buổi sáng lúc mấy giờ, nghỉ trưa bao lâu? Theo quy định của Luật Lao Động, thời gian làm việc mỗi ngày của người đi làm văn phòng sẽ kéo dài đúng 8 tiếng, nếu công ty yêu cầu nhân viên làm thêm vượt quá khoảng thời gian này, thì phải trả thêm lương tăng ca ngoài giờ. Vậy chúng ta sẽ lấy cột mốc 8 tiếng/ngày để thử tính xem đi làm văn phòng thường tan ca lúc mấy giờ trong từng trường hợp bên dưới nhé:

  • Bắt đầu vào làm việc lúc 8h00, nghỉ trưa 1 tiếng -> Thời gian tan ca lúc 17h00;
  • Bắt đầu vào làm việc lúc 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng -> Thời gian tan ca lúc 17h30;
  • Bắt đầu vào làm việc lúc 8h00, nghỉ trưa 2 tiếng -> Thời gian tan ca lúc 18h00;
  • Bắt đầu vào làm việc lúc 9h00, nghỉ trưa 1.5 tiếng -> Thời gian tan ca lúc 18h30;
  • Bắt đầu vào làm việc lúc 10h00, nghỉ trưa 1 tiếng -> Thời gian tan ca lúc 19h00…

Thực tế muôn hình vạn trạng, tuỳ theo từng công ty sẽ có quy định về thời gian làm việc, nghỉ trưa và giờ tan ca khác nhau, miễn sao tổng thời gian làm việc gói gọn trong vòng 8 tiếng/ngày là được. Còn nếu ước lượng một con số chung để tham khảo, thì dân văn phòng thường sẽ tan ca, hết giờ làm việc vào trong khoảng 17h30 – 18h30. Tuy nhiên, giờ tan ca là một chuyện, còn bạn về tới nhà lúc mấy giờ lại là chuyện khác, vì nó còn phụ thuộc vào quãng đường về nhà dài hay ngắn, có trong khung giờ cao điểm kẹt xe hay không? Vậy đi làm văn phòng thường về tới nhà lúc mấy giờ?

Đi làm văn phòng thường về tới nhà lúc mấy giờ?

Để trả lời câu hỏi đi làm văn phòng thường về tới nhà lúc mấy giờ, chúng ta cần phải có được 2 dữ kiện, đó là tan ca lúc mấy giờ, và thời gian di chuyển về nhà mất bao lâu. Dữ kiện đầu tiên thì chúng ta đã có được ở phần trước rồi, dân văn phòng thường sẽ tan ca trong khoảng 17h30 – 18h30. Còn thời gian di chuyển về nhà thường sẽ dao động khác nhau tuỳ theo mỗi người, và cũng phụ thuộc vào chuyện giờ cao điểm khi tan làm có kẹt xe không, để ước lượng thì thời gian di chuyển về nhà thường sẽ nằm trong khoảng 20 – 40 phút. Vậy chúng ta có thể suy ra dân văn phòng thường về tới nhà trong khoảng 17h50 – 19h10. Đây là con số ước lượng trong trường hợp bạn đứng lên đi về ngay khi vừa hết giờ làm việc, chứ không nán lại thêm để xử lý công việc hoặc tán gẫu với đồng nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế cũng đang có nhiều quan điểm trái chiều về chuyện có nên đứng lên đi về ngay khi hết giờ làm việc không? Chúng ta sẽ cùng giải đáp trong phần tiếp theo.

>> Có nên chọn công việc phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ?

Có nên đứng lên đi về ngay khi hết giờ làm việc không?

Nhiều người (đặc biệt là nhân viên mới vào công ty hoặc sinh viên mới ra trường đi làm) ngại ngùng không dám đứng lên đi về ngay khi hết giờ làm việc, vì sợ bị mọi người trong công ty đánh giá rằng mình không nhiệt huyết với công việc, nhất là khi thấy đồng nghiệp xung quanh vẫn còn nán lại công ty làm việc. Đây là một nỗi e ngại thường gặp, vì thật ra đa số dân văn phòng ở Việt Nam vẫn đang có thói quen nán lại công ty chứ không đứng lên đi về ngay, nếu thấy ai đó bước ra công ty ngay khi vừa hết giờ thì mọi người sẽ chú ý và có thể bàn tán về điều đó.

Tuy nhiên, đó là chuyện của người ta, bạn không cần quá bận tâm, nếu bạn đã hoàn thành xong hết những việc cần làm, không có nhu cầu nán lại công ty thêm, hoặc bạn cũng có việc gấp sau giờ làm việc thì cứ mạnh dạn đứng lên đi về, mình vẫn làm đủ giờ, vẫn hoàn thành đủ công việc chứ đâu có làm gì sai? Tất nhiên, khi đi làm, bạn không thể chắc chắn rằng ngày nào mình cũng xong việc đúng giờ, vẫn sẽ có những hôm nhiều việc quá, hết giờ mà chưa hoàn thành, thì bạn vẫn trong tâm thế sẵn sàng nán lại công ty làm việc, chứ mình đâu phải người lười biếng, đi làm mà cứ trông mong hết giờ để đứng lên đi về. Khi bản thân mình ngay thẳng, làm việc nghiêm túc, đảm bảo chất lượng công việc, thì chẳng có gì phải ngại ngùng, việc mình thì mình làm, miễn mình làm đúng thì chẳng ai đánh giá xấu về mình được.

Đến giờ về nhưng còn nhiều việc chưa làm xong thì phải làm sao?

Khi đến giờ về nhưng còn nhiều việc chưa làm xong thì bạn nên nán lại công ty để hoàn thành nốt công việc, điều này sẽ thể hiện rằng bạn là một người làm việc có tâm, có trách nhiệm với công việc, làm việc theo kết quả chứ không làm công ăn lương theo giờ. Những nỗ lực, cố gắng này của bạn chắc chắn sẽ được cấp trên công nhận, giúp bạn duy trì phong độ làm việc ổn định, đảm bảo chất lượng và đúng deadline, giúp bạn gia tăng cơ hội được tăng lương, thăng tiến trong tương lai. Tuy nhiên, trong những lúc bạn đã có sẵn một cuộc hẹn hoặc bận việc riêng ngay sau giờ làm việc, không thể nán lại công ty thêm, thì bạn có thể mang công việc về nhà để xử lý sau, hoặc ngay từ sáng hôm đó bạn cần phải bật chế độ tập trung cao, để hoàn thành công việc nhanh chóng, tránh để xảy ra trường hợp hết giờ có hẹn mà công việc vẫn còn dang dở.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần đảm bảo rằng mình đang không bị bóc lột sức lao động, nếu thấy khối lượng công việc quá nhiều, khiến bạn bị quá tải, hầu như ngày nào cũng phải ở lại công ty làm thêm giờ, đồng nghiệp xung quanh cũng lu bu tùm lum việc, không thể hỗ trợ, thì bạn nên chủ động đề xuất công ty tuyển thêm nhân viên, tránh trường hợp cố ép bản thân mình làm việc quá sức từ ngày này sang ngày khác, không đảm bảo được work-life balance.

>> Cách tính lương tăng ca, lương làm thêm giờ theo Luật Lao Động

Thường phải làm quá giờ nhưng không có lương thêm thì phải làm sao?

Công việc nhiều, khiến bạn phải thường xuyên tăng ca làm thêm giờ để hoàn thành xong việc, tránh bị trễ deadline, điều này thể hiện rằng bạn là một người có trách nhiệm với công việc. Tuy nhiên, 2 từ “trách nhiệm” không đồng nghĩa với việc bạn phải làm thêm không công, bị bóc lột sức lao động, không được trả lương tăng ca mà vẫn phải vui vẻ làm thêm giờ. Theo quy định của Luật Lao Động, khi công ty yêu cầu nhân viên tăng ca làm thêm giờ để hoàn thành công việc, thì cần phải trả lương tăng ca, nếu không sẽ vi phạm Luật Lao Động.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số trường hợp công ty lấy lý do rằng do nhân viên có hiệu suất làm việc kém, chưa tập trung nên khiến công việc trễ nải, thì họ phải ở lại hoàn thành nốt công việc, đó là trách nhiệm riêng của mỗi người khi đi làm. Đây là một lý luận hợp lý, khiến không ít người đi làm văn phòng phải vất vả làm việc quần quật, tăng ca mà không được trả thêm lương. Tuy nhiên, nếu bạn đang thấy quá bất mãn, thấy sai sai khi thường phải làm quá giờ nhưng không có thêm lương tăng ca, thì bạn có thể tìm một công việc khác, môi trường làm việc tốt hơn, fair với nhân viên hơn.

Hoặc bạn cũng có thể phản biện, nói lên chính kiến của mình, trao đổi điều này với quản lý, cấp trên trực tiếp, kèm theo những dẫn chứng xác đáng, lập luận chặt chẽ. Nếu họ không xử lý, bạn có thể trao đổi thẳng với phòng nhân sự để yêu cầu quyền lợi hợp lý cho mình. Trong trường hợp công ty vẫn không có ai quan tâm tới đề xuất của bạn, thì bạn có thể gửi đơn trực tiếp lên Thanh tra lao động, hoặc Sở lao động, thương binh & xã hội để được giải quyết, chứ không thể cứ mãi đi làm với tâm trạng bất bình vì bị bóc lột sức lao động một cách quá đáng.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng đi làm văn phòng thường tan ca về nhà lúc mấy giờ, có nên đứng lên đi về ngay khi hết giờ làm việc không, đồng thời, giải quyết luôn vấn đề phải thường xuyên tăng ca nhưng không được trả thêm lương. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Sếp giao thêm việc mà không tăng lương thì phải làm sao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích