Khác với hồi cấp 3, ở đại học sẽ không có điểm hạnh kiểm đi song song với học lực, để tạo thành yếu tố xét loại tốt nghiệp vào cuối năm học. Mà ở đại học, hạnh kiểm sẽ được thay thế bằng điểm rèn luyện. Khi mới bước chân vào đại học, khái niệm “điểm rèn luyện” chắc hẳn là còn quá lạ lẫm. Nhiều tân sinh viên khi nghe các anh chị nhắc đến “điểm rèn luyện” thì cũng tự hỏi “Ủa, điểm rèn luyện là gì?”, “Điểm rèn luyện ảnh hưởng gì tới sinh viên?”, “Điểm rèn luyện có ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp không?”, “Làm thế nào để có điểm rèn luyện cao?”,… Trong bài viết này, anh sẽ lần lượt giải đáp các thắc mắc trên của các em nhé.
>> Bí quyết sinh tồn ở đại học – Hành trình vượt qua sóng gió
1. Điểm rèn luyện là gì?
Điểm rèn luyện là thang điểm để đánh giá mức độ tích cực của sinh viên trong việc tham gia các hoạt động, phong trào của trường, lớp hoặc đạt các thành tích tốt trong học tập và phong trào. Đồng thời, cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc xét học bổng khuyến khích học tập của sinh viên.
2. Cách tính điểm rèn luyện và xếp loại điểm rèn luyện
Điểm rèn luyện được tính theo thang điểm 100, chia thành các phần sau:
- Đánh giá ý thức học tập và tham gia các hoạt động học thuật: 20 điểm
- Đánh giá ý thức chấp hành nội quy của trường: 25 điểm
- Đánh giá ý thức tham gia các hoạt động, phong trào: 20 điểm
- Đánh giá ý thức công dân trong cộng đồng: 25 điểm
- Đánh giá việc tham gia các hoạt động trường, lớp, khoa hoặc được tuyên dương, khen thưởng: 10 điểm
Trên thang điểm đó, điểm rèn luyện sẽ được chia thành các loại sau:
- 90 – 100: Xuất sắc
- 80 – 89: Tốt
- 65 – 79: Khá
- 50 – 64: Trung bình
- 35 – 49: Yếu
- 0 – 34: Kém
>> Sinh viên có nên đi làm thêm ngay từ năm nhất không?
3. Điểm rèn luyện ảnh hưởng gì tới sinh viên?
Đầu tiên, điểm rèn luyện sẽ ảnh hưởng tới xếp loại học lực của sinh viên. Nếu các em có điểm trung bình loại giỏi nhưng điểm rèn luyện chỉ ở mức khá, thì học lực của các em sẽ ở mức khá. Hoặc thậm chí nếu điểm trung bình loại giỏi mà điểm rèn luyện ở mức trung bình thì các em cũng sẽ bị đánh giá xếp loại trung bình.
Tiếp theo, điểm rèn luyện cũng ảnh hưởng đến việc xét học bổng khuyến khích học tập của sinh viên. Mỗi học kỳ, các trường đều chọn ra các sinh viên xuất sắc nhất của từng ngành để trao học bổng khuyến khích học tập, có giá trị lên đến 100% học phí của học kỳ đó. Cụ thể điểm rèn luyện sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc xét học bổng khuyến khích học tập thì các em có thể xem tại đây.
4. Làm thế nào để có điểm rèn luyện cao?
Dựa vào các yếu tố ở phần 2, sinh viên sẽ biết được rằng mình cần phải làm gì để có điểm rèn luyện cao. Thông thường, khi không vi phạm nội quy nhà trường và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật thì sinh viên sẽ có săn 50 điểm rồi. Còn nếu muốn tăng điểm rèn luyện, muốn có điểm rèn luyện cao hơn thì cần phải cố gắng hơn, các em có thể tham khảo một số cách sau:
- Tích cực tham gia hoạt động CLB/Đội/Nhóm và Đoàn/Hội các cấp – Nếu tham gia vào ban cán sự lớp, ban chấp hành hội, ban chấp hành đoàn, ban điều hành CLB luôn thì càng tốt.
- Tích cực tham gia các buổi hội thảo, các cuộc thi, phong trào sinh viên, hoạt động tình nguyện, hoạt động ngoại khoá trong trường. Đây là giải pháp tăng điểm rèn luyện được nhiều sinh viên lựa chọn nhất.
- Đạt thành tích đặc biệt, được nhận giấy khen (hoạt động đoàn hội, kết quả học tập tốt,…)
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp các em, đặc biệt là các bạn tân sinh viên, hiểu rõ hơn về điểm rèn luyện. Chúc các em sớm hoà nhập với môi trường đại học và có được số điểm rèn luyện như mình mong muốn nhé.
>> Vì sao sinh viên nên có một nhóm bạn thân ở đại học?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh.
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.