Home Công việcChuyện công sở Đồng Nghiệp Ồn Ào, Nói Nhiều, Khiến Mình Mất Tập Trung Thì Phải Làm Sao?

Đồng Nghiệp Ồn Ào, Nói Nhiều, Khiến Mình Mất Tập Trung Thì Phải Làm Sao?

by Hoàng Khôi Phạm
Đồng Nghiệp Ồn Ào, Nói Nhiều, Khiến Mình Mất Tập Trung Thì Phải Làm Sao?

Khi đi làm, giao tiếp với đồng nghiệp là điều bình thường, nhất là khi bạn cần phải phối hợp cùng đồng nghiệp trong các công việc chung. Tuy nhiên, cũng có nhiều lúc bạn cần không gian riêng tư, cần sự yên tĩnh để tập trung hoàn thành tốt công việc. Vậy nếu lỡ gặp đồng nghiệp ồn ào, nói nhiều, khiến mình mất tập trung thì phải làm sao?

>> 4 lý do khiến bạn vô tình bị đồng nghiệp xa lánh

Giới hạn khi giao tiếp với đồng nghiệp

Khi đi làm, gặp mặt đồng nghiệp mỗi ngày, tất nhiên, chúng ta cần phải chào hỏi, hỏi thăm, trao đổi công việc và tán gẫu ngoài giờ làm việc. Đó là những hành vi giao tiếp hết sức bình thường giữa đồng nghiệp với nhau, thậm chí cả những người hướng nội, ít nói, cũng cần phải tiếp xúc, trò chuyện với đồng nghiệp như một phép lịch sự tối thiểu. Ngược lại, với những ai hướng ngoại, thích nói chuyện mọi lúc mọi nơi, thậm chí còn bị gán mác “nói nhiều”, thì họ sẽ có nhu cầu giao tiếp nhiều hơn thế. Họ sẽ luôn có những câu chuyện mới, có những chủ đề mà họ có thể nói liên tục, nói hoài không chán, bất kỳ điều gì xung quanh cũng có thể trở thành chủ đề cho họ bàn tán.

Vô tình điều đó đã khiến những đồng nghiệp xung quanh cảm thấy phiền phức, vì nó khiến họ mất tập trung khi làm việc, thậm chí còn phải mất thời gian để nghe những điều mà chưa chắc mình đang quan tâm. Vốn dĩ công việc đã cực kỳ áp lực, sếp giao việc, khách hàng complain, đối tác đưa ra yêu cầu,… những điều đó đang khiến bạn đau đầu, vậy mà giờ lại bị những người đồng nghiệp nói nhiều “tra tấn” đầu óc nữa. Chính vì thế, khi đi làm, chúng ta cần phải biết giữ giới hạn khi giao tiếp với đồng nghiệp, tránh việc nói quá nhiều sẽ khiến người khác thấy mệt mỏi, phiền phức.

Khi nào nên “nói nhiều” với đồng nghiệp?

Tuy nhiên, cũng có những lúc mà bạn nên “nói nhiều” với đồng nghiệp, nói càng nhiều, càng chi tiết, càng đào sâu vào vấn đề càng tốt. Vậy đó là những khi nào? Đầu tiên, đó là trong những lần làm việc nhóm, phối hợp cùng đồng nghiệp trong các công việc, dự án chung, khi đó, bạn và đồng nghiệp cần phải thường xuyên giao tiếp, nói chuyện với nhau càng nhiều càng tốt, để có thể hiểu ý nhau và phối hợp ăn ý hơn. Bên cạnh đó, trong các cuộc họp team, họp nội bộ phòng ban, bạn cũng cần phải “nói nhiều” với đồng nghiệp, đưa ra những ý tưởng, những đề xuất để cải thiện kết quả làm việc, giúp nâng cao hiệu suất làm việc và mang về nhiều giá trị hơn cho công ty.

Rồi trong những buổi training, đào tạo kiến thức chuyên môn định kỳ, bạn cũng cần phải tập trung lắng nghe, tương tác, đặt câu hỏi và “nói nhiều” để giúp buổi đào tạo trở nên sôi nổi hơn, và chính việc đó cũng giúp đào sâu vào nội dung training, giúp mọi người hiểu rõ nội dung đào tạo hơn. Ngoài ra, trong những lúc brainstorm ý tưởng, hoặc khi có vấn đề cần giải quyết, cần thảo luận để tìm ra giải pháp, thì bạn càng nói nhiều với đồng nghiệp càng tốt. Tóm lại, giao tiếp với đồng nghiệp trong công việc cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp mọi người nâng cao hiệu suất làm việc, bạn cần phải linh hoạt giao tiếp trong những lúc cần thiết, và cũng cần tiết chế tránh nói chuyện phiếm quá nhiều khiến người khác thấy phiền.

>> Phải làm sao khi bị đồng nghiệp nói xấu công khai?

Nói nhiều có phải là giao tiếp tốt không?

Sau khi tìm hiểu về giới hạn khi giao tiếp với đồng nghiệp và những trường hợp có thể “nói nhiều” trong công việc, thì vẫn có một số người chưa hoàn toàn đồng ý, vì họ cho rằng nói nhiều không có gì sai cả, thậm chí họ còn tin rằng nói nhiều là một ưu điểm, chứng tỏ họ là một người có kỹ năng giao tiếp tốt, vậy thì tại sao lại bắt họ phải bớt nói lại? Thật ra, nói nhiều thể hiện rằng bạn tự tin khi giao tiếp, bạn có khả năng thoải mái trò chuyện với người lạ, người mình mới gặp lần đầu. Điều này giúp bạn có ưu thế trong những công việc phải thường xuyên giao tiếp với khách hàng, đối tác.

Tuy nhiên, để kết luận rằng nói nhiều chứng tỏ giao tiếp tốt thì lại là điều chưa hợp lý, vì nói nhiều đến mức khiến đối phương cảm thấy phiền, người ta không quan tâm mà mình vẫn nói huyên thuyên, thì đó gọi là thiếu tinh tế. Bên cạnh đó, nói nhiều cũng khiến bạn trở thành một người thiếu khả năng lắng nghe, chỉ lo nói chuyện của mình, hiếm khi lắng nghe đối phương, hiếm khi để ý phản ứng, phản hồi từ người đối diện rằng họ có muốn giao tiếp với mình hay không. Mà khi chưa có khả năng lắng nghe thì chắc chắn chưa thể được gọi là người có kỹ năng giao tiếp tốt.

Đồng nghiệp ồn ào, nói nhiều thì phải làm sao?

Đi làm sẽ có người này người kia, có những đồng nghiệp cực kỳ ít nói, khi thật sự cần thiết thì họ mới nói được vài câu ít ỏi, nhưng cũng sẽ có những người cực kỳ hoạt ngôn, nói nhiều, chưa thấy hình đã nghe thấy tiếng, khiến đôi lúc bạn cảm thấy họ khá phiền phức, ồn ào, khiến mình bị phân tâm, khó lòng tập trung làm việc. Vậy lỡ đi làm mà gặp đồng nghiệp ồn ào, nói nhiều, thì phải làm sao? Có rất nhiều cách xử lý khác nhau, tuỳ vào cá tính và quan điểm của mỗi người mà có thể chọn ra được giải pháp phù hợp nhất. Chẳng hạn như bạn ngại nói thẳng với đồng nghiệp, thì bạn có thể  âm thầm đeo tai nghe để tập trung làm việc, khi đồng nghiệp thấy bạn đang đeo tai nghe thì họ cũng chẳng bắt chuyện với bạn đâu, hoặc cho dù lúc đó họ đang nói chuyện với người khác thì bạn cũng chẳng nghe thấy gì.

Hoặc nếu công ty của bạn cho phép nhân viên linh hoạt lựa chọn chỗ ngồi, thì bạn có thể chủ động chọn một góc làm việc yên tĩnh hơn, ở cách xa những người đồng nghiệp nói nhiều. Hoặc nếu bạn tự suy nghĩ lại, tự cho rằng khi đi làm thì mình phải làm quen với những tiếng ồn xung quanh, thì hãy tập cách thích nghi với những đồng nghiệp ấy, vì bản chất họ vẫn hoàn toàn tốt tính, không cố ý làm phiền bạn, chỉ là họ có thói quen nói nhiều mà thôi. Tuy nhiên, nếu bạn kịch liệt phản đối điều này, và cũng muốn người đồng nghiệp ấy ý thức được rằng họ đang nói quá nhiều, gây ồn ào, ảnh hưởng tới những người xung quanh, thì bạn hãy trao đổi riêng với họ một cách nhẹ nhàng, để họ có thể giới hạn tần suất nói chuyện lại.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu được giới hạn khi giao tiếp với đồng nghiệp, biết khi nào nên “nói nhiều”, khi nào nên giữ cho mọi người không gian riêng tư, đồng thời, cũng giúp bạn có được hướng giải quyết phù hợp khi gặp đồng nghiệp nói nhiều, ồn ào, khiến mình bị mất tập trung. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Xích mích với đồng nghiệp và cách xử lý khôn ngoan

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích