Home Học tậpChuyện sinh viên Kinh Nghiệm Học Quân Sự Cho Sinh Viên Năm 1

Kinh Nghiệm Học Quân Sự Cho Sinh Viên Năm 1

by Hoàng Khôi Phạm
Kinh Nghiệm Học Quân Sự Cho Sinh Viên Năm 1

Kinh nghiệm học quân sự là điều mà sinh viên năm 1 nên tìm hiểu trước để đảm bảo rằng mình sẽ có 1 kỳ học đáng nhớ, lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp và cũng đảm bảo được phần điểm số, tránh bị điểm kém hay rớt môn GDQP. Thật ra, chuyện đi học quân sự không phải là điều gì quá khó khăn, áp lực, nhưng có sự chuẩn bị trước thì vẫn tốt hơn, nhất là khi biết được các kinh nghiệm được các anh chị khoá trên đã trải qua và đúc kết, sinh viên năm 1 hãy tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

>> Giáo dục quốc phòng là môn học bắt buộc hay tự chọn?

Chuẩn bị gì trước khi lên đường học quân sự?

Kinh nghiệm đầu tiên mà sinh viên năm 1 cần lưu lại chính là không nên chuẩn bị hành lý quá cồng kềnh, đi học quân sự không phải đi chơi hay đi diễn thời trang, toàn bộ giờ học sinh viên sẽ phải mặc đồng phục (quân phục), buổi tối ngoài giờ học thì các em sẽ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè như thường ngày thôi, nên chỉ cần mang theo 3-4 bộ đồ đơn giản để thay đổi, hoặc bạn nào chắc ăn thì mang 6-7 bộ là maximum.

Bên cạnh quần áo, sinh viên nhớ chuẩn bị các vật dụng cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, bột giặt, khăn mặt, khăn tắm, móc phơi quần áo, bình nước cá nhân, sạc điện thoại, gương, lược, quạt mini,… tuỳ mỗi bạn sẽ tự xác định xem những vật dụng gì mình cần sử dụng hàng ngày. Đương nhiên, số lượng hành lý có hạn, để nhét đủ vào balo hay vali, thì các em cũng cần phải chắt lọc, chứ không thể nào đảm bảo rằng sẽ mang được đầy đủ vật dụng tiện nghi như ở nhà. Ngoài ra, với những bạn sinh viên có bệnh lý cần uống thuốc mỗi ngày, thì các em nhớ mang theo đầy đủ thuốc của mình.

Mang bao nhiêu tiền khi đi học quân sự – GDQP?

Về tài chính, nếu hỏi các anh chị khoá trên thì sinh viên năm 1 sẽ được chia sẻ ngay 1 kinh nghiệm xương máu, rằng chỉ nên mang theo vừa đủ, không nên mang theo quá nhiều tiền hay tư trang quý giá khi đi học quân sự, vì phải mất công canh chừng hoặc lỡ xui rủi bị mất mát thì lại nghi ngờ bạn bè cũng không hay. Vậy sinh viên nên mang theo bao nhiêu tiền khi học GDQP là vừa đủ?

Vì cũng không có nhiều điều thứ phải mua sắm, chi tiêu, nên sinh viên chủ yếu sẽ mang theo tiền để ăn uống hàng ngày, mỗi ngày tầm 100k, nếu về nhà vào cuối tuần thì mỗi tuần sinh viên chỉ nên mang theo tầm 700k, riêng tuần đầu tiên do phải đóng tiền quân phục & mua sắm một số vật dụng vệ sinh phòng nên mang dư ra nhiều hơn, tầm 1 triệu rưỡi. Tức là tổng sinh viên sẽ chi tiêu trong 1 tháng học quân sự GDQP sẽ rơi vào khoảng 3.600.000đ, bạn nào muốn dư dả hơn để ăn vặt thì có thể chuẩn bị nhiều hơn.

>> Sinh viên đi học quân sự có vui không, cần lưu ý gì?

Môi trường tập thể khi sinh viên năm 1 học quân sự

Môi trường quân sự yêu cầu cao về tác phong, giờ giấc, sinh viên năm 1 hãy đảm bảo rằng mình luôn mặc đúng quân phục trong giờ học, giờ thực hành hoặc trong những buổi sinh hoạt có yêu cầu về đồng phục (bao gồm quần, áo, giầy, mũ), và phải có mặt đúng giờ, không chậm trễ khi được yêu cầu, nhất là thời gian thức dậy buổi sáng và đi ngủ buổi tối. Điều này có thể khiến sinh viên năm 1 cảm thấy hơi gò bó, khó mà quen được, nhưng sau khoảng 1 tuần thì các em sẽ thích nghi được, chứ cũng không tới mức quá khó.

Song song đó, sinh viên cũng cần làm quen với việc sinh hoạt tập thể trong ký túc xá khu quân sự, thường có khoảng 8-12 bạn ở chung 1 phòng, cùng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt chung, nên cần phải có tinh thần hoà đồng, gọn gàng, sạch sẽ, giữ yên tĩnh trong giờ nghỉ ngơi. Sẽ có một số bất tiện chẳng hạn như thiếu không gian riêng tư, dễ bị kẹt phòng tắm, kẹt nhà vệ sinh, không được tiện nghi/thoải mái như ở nhà, đó là những điều sinh viên cần tập làm quen và chuẩn bị trước tâm lý, tránh để xảy ra bất hoà, tranh cãi với các bạn cùng phòng.

Kinh nghiệm học tập & tham gia các hoạt động ở khu quân sự

Về kinh nghiệm học quân sự, sinh viên sẽ trải qua các buổi học lý thuyết và thực hành xen kẽ, một số nội dung thường gặp là lịch sử quân sự, công tác chính trị tư tưởng, các kỹ thuật quân sự cơ bản như đứng, ngồi, nằm, di chuyển, đội hình đội ngũ, thực hành điều lệnh, kỹ năng sử dụng vũ khí, tháo lắp súng, ngắm bắn, ném lựu đạn, cách sinh tồn dã chiến, kỹ thuật sơ cứu, băng bó vết thương,… Sẽ có những nội dung sinh viên cảm thấy hơi chán, nhưng cũng có nhiều nội dung thiên về thực hành, rèn luyện kỹ năng sẽ rất cuốn hút, và đây là những kiến thức cơ bản mà hầu như tất cả công dân đều phải nắm, chứ sẽ chưa yêu cầu quá chuyên sâu.

Ngoài giờ học, sinh viên sẽ được tự do, thoải mái tham gia nhiều hoạt động thú vị ở khu quân sự, chẳng hạn như các cuộc thi, hoạt động thể dục thể thao, ca hát văn nghệ, sinh hoạt vòng tròn, kể chuyện ma, tám chuyện với bạn bè, đi dạo, chụp ảnh,… chính những hoạt động này sẽ tạo nên nhiều kỷ niệm đẹp thời sinh viên, giúp các em thân thiết với nhóm bạn của mình hơn, hãy nhớ hoà nhập với mọi người, trò chuyện, vui chơi với bạn bè chứ đừng tách biệt khỏi tập thể nhé. Để thoải mái tham gia các hoạt động này, sinh viên nên chọn phương án ở lại nội trú trong khu quân sự, nếu bạn nào chọn đi đi về về mỗi ngày sẽ khó tiếp cận với các hoạt động ngoài giờ học.

Trên đây là một số kinh nghiệm học quân sự mà sinh viên năm 1 nên tham khảo và lưu lại, nhất là những bạn sắp sửa bước vào thời gian học GDQP. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích