Home Hỏi đáp nhanh Làm Sao Để Kiểm Soát Cảm Xúc, Tránh Nổi Nóng, Lớn Tiếng?

Làm Sao Để Kiểm Soát Cảm Xúc, Tránh Nổi Nóng, Lớn Tiếng?

by Hoàng Khôi Phạm
Làm Sao Để Kiểm Soát Cảm Xúc, Tránh Nổi Nóng, Lớn Tiếng?

Kiểm soát cảm xúc là một điều không hề dễ dàng, nhất là trong những lúc bạn gặp phải những chuyện bất ngờ, đột nhiên ập tới khiến bạn không có sự chuẩn bị trước, từ đó, sẽ dễ có những lời nói, hành động chưa chuẩn mực, thiếu kiểm soát, thậm chí có thể sẽ nổi nóng, lớn tiếng với những người xung quanh, khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu đi trong mắt mọi người. Đừng để điều đó tiếp tục diễn ra trong tương lai, bạn cần phải biết cách giữ bình tĩnh, tinh tế và lý trí hơn. Vậy làm sao để kiểm soát cảm xúc, tránh để bản thân nổi nóng, lớn tiếng?

>> Cãi nhau, mâu thuẫn khi làm việc nhóm thì phải làm sao?

Điều gì khiến bạn dễ mất bình tĩnh, nổi nóng?

Để kiểm soát cảm xúc tốt hơn, bạn cần giải quyết vấn đề tận gốc, từ chính nguyên nhân của chúng. Hãy tự nhìn lại xem những điều gì khiến ban dễ mất bình tĩnh, nổi nóng? Cố gắng nhớ lại chi tiết và liệt kê đầy đủ, càng nhiều, càng cụ thể càng tốt, đó có thể là những điều trong học tập, trong công việc, và cả trong cuộc sống mà mình đang gặp phải mỗi ngày. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến bạn dễ mất bình tĩnh, nổi nóng:

  • Bị người khác hiểu lầm, nghi oan, cho rằng mình làm điều gì sai trái, gây lỗi lầm;
  • Bị người khác cố tình gây sự, kiếm chuyện, kích động bằng cả lời nói và hành động;
  • Bị người khác lừa gạt, qua mặt, nhất là khi đó là những người thân thiết mình tin tưởng;
  • Bất đồng quan điểm khi thảo luận với bạn bè, đồng nghiệp, hoặc các mối quan hệ khác;
  • Làm việc với những người thiếu chuyên nghiệp, để xảy ra sai sót tùm lum, trễ nải công việc;
  • Làm việc với những lười biếng, ỷ lại, suốt ngày nhờ mình gánh team, nhờ mình làm giúp;
  • Nỗ lực, cố gắng trong học tập/công việc nhưng lại đạt kết quả không như mong muốn;
  • Tự cảm thấy mình bất tài, vô dụng, không làm gì ra hồn, đâm ra chán ghét, bực bội mọi thứ;
  • Bất mãn với những điều xung quanh, chuyện học hành, công việc không thuận lợi;
  • Gặp nhiều chuyện xui rủi, xui xẻo kéo tới cùng lúc, liên tục, khiến cảm xúc bùng nổ;
  • Cảm thấy cuộc sống bất công, áp lực, mệt mỏi khiến bạn bị stress dài ngày…

Trên đây chỉ là một số nguyên nhân thường gặp, trong thực tế, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau sẽ phải đối mặt với nhiều trường hợp khác, đa dạng hơn, muôn hình vạn trạng hơn, chúng sẽ khiến những bất mãn trong bạn tích tụ dần, ngày càng nhiều hơn, đẩy cảm xúc của bạn lên đỉnh điểm, khi bùng nổ thì bạn sẽ khó lòng kiểm soát…

>> Sinh viên phải làm sao khi bất đồng quan điểm với giảng viên?

Mất kiểm soát cảm xúc gây ra những tác hại gì?

Khi bạn mất bình tĩnh, không kiểm soát được cảm xúc, thì điều đầu tiên bộc lộ ra bên ngoài chính là nét mặt của bạn, tất cả sự ấm ức, khó chịu, bực bội sẽ dồn lên ngay trên khuôn mặt, cụ thể là bạn sẽ nhăn nhó, cau mày, và điều này sẽ khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu đi trong mắt mọi người xung quanh, họ sẽ đánh giá rằng bạn là một người khó tính, dễ bực bội, gặp điều gì không hài lòng thì ngay lập tức khó chịu, nhăn mặt. Khi bạn làm việc với khách hàng, đối tác, nếu như bạn không kiểm soát được cảm xúc, nét mặt, thì họ sẽ ngay lập tức nhận ra bạn đang bất bình, cho rằng bạn đang thể hiện thái độ khó chịu ra mặt với họ, và khả năng cao rằng họ sẽ complain, sẽ không mua hàng/không hợp tác với bạn. Hoặc khi đi học, nếu nhăn mặt với giảng viên, thì các em sẽ bị đánh giá là hỗn, thái độ lồi lõm, sẽ bị phạt, khiển trách, cảnh cáo.

Ở một mức độ nghiêm trọng hơn, việc mất kiểm soát cảm xúc sẽ thể hiện thẳng qua lời nói và hành động. Bạn sẽ dễ buông những lời lẽ thô tục, lên giọng, lớn tiếng, chửi bới những ai khiến bạn thấy khó chịu, bực bội, không hài lòng. Đồng thời, bạn cũng sẽ dễ động tay động chân, có những hành vi thiếu kiểm soát như đập bàn, đập ghế, quăng ném đồ đạc, đánh nhau, hất nước,… Chính những điều này sẽ khiến bạn trở thành một người cực kỳ tồi tệ, bị đánh giá là hung hăng, mất dạy, khiến bạn bị rạn nứt nhiều mối quan hệ. Ngoài ra, khi xoáy sâu vào những chuyện này, thì bạn sẽ khó lòng tập trung học tập/làm việc, suốt ngày chỉ lo đi gây gổ, cãi lộn, kéo kết quả học tập và làm việc đi xuống.

Kiểm soát cảm xúc để tránh nổi nóng có khó không?

Sau khi điểm qua những nguyên nhân khiến bạn dễ mất bình tĩnh, nổi nóng, và những tác hại khôn lường mà chúng gây nên, thì chắc hẳn rằng bạn đang muốn nhanh chóng học cách làm chủ cảm xúc, chứ không muốn để mình bị gán mác là một người nóng tính, dễ mất bình tĩnh. Vậy kiểm soát cảm xúc để tránh nổi nóng có khó không? Thật ra, làm chủ cảm xúc là một điều không quá khó, bất kỳ ai cũng có thể học cách giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc, lời nói và hành động của mình trước mọi tình huống, chỉ cần bạn follow theo các quy tắc cơ bản và cực kỳ đơn giản.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý trước rằng, nếu hiện tại bạn đang là một người dễ nổi nóng, thì bạn cần thời gian để dần khắc phục, thay đổi những thói quen trong tư duy, lời nói và hành động, để dần trở thành một người bình tĩnh hơn, lý trí hơn, chứ không thể đốt cháy giai đoạn, không thể tự dưng ép bản thân thay đổi ngay lập tức trong thời gian ngắn. Vậy làm sao để kiểm soát cảm xúc, tránh nổi nóng, lớn tiếng với những người xung quanh?

>> Bị phụ huynh trách mắng vì điểm thấp thì phải làm sao?

Làm sao để kiểm soát cảm xúc, tránh nổi nóng, lớn tiếng?

Thông thường, những lời nói, hành động thiếu kiểm soát sẽ xảy ra theo trình tự sau: Tư duy/Suy nghĩ -> Thái độ/Biểu cảm nét mặt -> Lời nói/Hành động. Chính vì thế, để làm chủ cảm xúc, thì bạn cần phải kiểm soát được vấn đề từ trong suy nghĩ, phải chọn cách tư duy tích cực, lý trí, tránh để bị cảm xúc chi phối quá nhiều. Khi đứng trước các vấn đề phát sinh đột xuất, bất ngờ, hoặc những điều đã khiến bạn khó chịu, bực bội dồn nén từ lâu, thì bạn cần phải có góc nhìn đa chiều về cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, rồi nhạy bén phân tích từng khía cạnh của vấn đề, nhằm chọn ra hướng giải quyết và cách cư xử thoả đáng nhất, sao cho vừa triệt tiêu được sự bực bội, vừa làm chủ được cảm xúc.

Sau khi kiểm soát được tư duy, làm chủ được suy nghĩ, thì bạn cần phải khiến bản thân mình trở nên tích cực hơn, cho dù chuyện học hành/công việc có bận rộn tới đâu, cuộc sống có áp lực thế nào, thì hãy cố gắng dành thời gian làm những điều mình thích, enjoy những thứ làm mình happy, hãy tập cách cười nhiều hơn, giữ thái độ tích cực hơn. Hãy suy nghĩ đơn giản hơn, đối mặt với những vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn, đừng phức tạp hoá vấn đề, đừng bới móc những tiểu tiết, mà hãy nhìn vào tổng thể, chuyện gì bỏ qua được thì bỏ qua, chuyện gì cần giải quyết thì bình tĩnh giải quyết.

Đồng thời, bạn cũng cần hoà đồng với mọi người xung quanh, xây dựng hình tượng là một người bình tĩnh, tinh tế, hoà nhập với tập thể, luôn quan tâm, sẵn lòng giúp đỡ mọi người khi cần thiết. Khi đó, chắc hẳn mối quan hệ của bạn với mọi người xung quanh sẽ tốt đẹp hơn, gắn kết hơn, hạn chế các trường hợp nổi nóng, lớn tiếng, sẽ dễ dàng gạt bỏ những suy nghĩ/cảm xúc/lời nói/hành động tiêu cực sang một bên nếu chẳng may có điều gì bất ổn ập tới.

Bình tĩnh, ôn hoà, không đồng nghĩa với nhu nhược, nhút nhát

Sau một thời gian, bạn sẽ dần trở nên bình tĩnh hơn, ôn hoà hơn trong tư duy, lời nói và hành động, tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn sẽ biến thành một người nhu nhược, nhút nhát, luôn phải che giấu cảm xúc thật của bản thân. Bạn vẫn là một người có chính kiến riêng, vẫn là một người có đầy đủ cảm xúc hỷ nộ ái ố, nhưng điều khác biệt là bạn biết cách kiểm soát cảm xúc, cư xử đúng mực, khéo léo trong lời nói, tránh trường hợp để cảm xúc chi phối quá mức, sẽ khiến mình dễ bị nóng nảy, bực bội, lớn tiếng với những người xung quanh mà lại chẳng giải quyết được điều gì. Thay vào đó, bạn sẽ chọn cách suy nghĩ kỹ lưỡng, phân tích, đánh giá vấn đề và đưa ra hướng xử lý triệt để bằng lý trí, chứ không để cảm xúc chi phối quá nhiều, khiến bản thân trở nên cáu gắt, khó chịu khi có điều gì không vừa lòng.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng làm sao để kiểm soát cảm xúc, tránh nổi nóng, lớn tiếng với mọi người xung quanh. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> 4 cách giúp bạn ngăn ngừa mâu thuẫn trong công sở

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích