Khi đi làm, chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với chuyện đi làm 8 tiếng/ngày, vào giờ hành chính trong tuần, và sẽ được nghỉ vào cuối tuần. Đó là cách làm việc truyền thống và vẫn được áp dụng phổ biến tại đa số công ty hiện nay. Tuy nhiên, với xu thế hiện đại hoá, thời đại 4.0, thì cơ chế làm việc linh hoạt đã xuất hiện và đang được áp dụng ngày càng rộng rãi hơn. Liệu bạn đã hiểu rõ về cơ chế ấy chưa, làm việc linh hoạt là gì, dựa trên các yếu tố nào, có phải là làm việc tự do freelancer không, và làm sao để đảm bảo hiệu quả công việc? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!
>> Sáng tạo trong công việc mang lại những lợi ích gì?
Làm việc linh hoạt là gì?
Làm việc linh hoạt là cơ chế làm việc tạo sự thuận tiện cho người lao động, không phải gò bó trong quy cách làm việc truyền thống, không nhất thiết phải làm đúng 8 tiếng/ngày, giờ giấc làm việc cũng có thể flexible sao cho phù hợp với lịch trình cá nhân, thậm chí một số trường hợp còn được làm việc từ xa, làm việc tại nhà khi cần thiết.
Điều này thường được áp dụng khi nhân viên đó là người thật sự có tài, có năng lực tốt, phù hợp với công việc nhưng vì một số lý do cá nhân nên không sắp xếp đi làm theo quy định thông thường được, chẳng hạn như đang trong thai kỳ, có con nhỏ,… hoặc cũng có trường hợp công ty thấy tính chất công việc có thể làm linh hoạt, nên khi tuyển dụng đã nêu rõ rằng khi apply vị trí này sẽ được làm việc linh hoạt, không bị gò bó như cách làm việc truyền thống.
Làm việc linh hoạt dựa trên các yếu tố nào?
Tuỳ theo tính chất công việc, quy định từng công ty và sự thoả thuận riêng với người lao động, mà chế độ làm việc linh hoạt sẽ áp dụng dựa trên các yếu tố khác nhau, nhưng thường sẽ xoay quanh những điều sau:
- Linh hoạt thời gian làm việc: Bạn không nhất thiết phải làm đúng 8 tiếng/ngày, và cũng chẳng cần phải làm đúng trong giờ hành chính, mà hoàn toàn có thể thống nhất chuyện linh hoạt thời gian làm việc với công ty. Chẳng hạn như có ngày bạn làm 9 tiếng, có ngày làm 7 tiếng, có ngày bắt đầu làm lúc 8h, có ngày bắt đầu làm việc vào đầu giờ chiều tầm 13h, miễn sao cộng tổng lại vẫn đủ số giờ làm việc tối thiểu mỗi tuần theo quy định là được.
- Linh hoạt ngày nghỉ: Bên cạnh chuyện linh hoạt thời gian làm việc hàng ngày, thì bạn cũng có thể deal với công ty chuyện linh hoạt ngày nghỉ, hoặc điều này cũng có thể nằm sẵn trong chính sách làm việc, chẳng hạn như quy định rằng 1 tuần bạn sẽ được nghỉ 1-2 ngày bất kỳ, do bạn tự lựa chọn, miễn sao cân đối được công việc, không để việc bị đình trệ;
- Linh hoạt địa điểm làm việc: Bạn có thể làm việc từ xa, làm việc tại nhà hoặc bất kỳ đâu nếu thoả thuận được điều này ngay từ đầu với công ty, hoặc vẫn lên văn phòng bình thường, nhưng có thể linh hoạt mỗi tháng sẽ có tầm 4-5 ngày được làm việc từ xa.
Bên cạnh các yếu tố trên, thì công ty cũng có thể áp dụng chế độ linh hoạt trong cách tính lương/KPI, linh hoạt về tính chất công việc,… tuỳ theo thoả thuận riêng với người lao động. Tất nhiên, dù làm việc linh hoạt thế nào, dựa theo các tiêu chí nào, thì bạn vẫn cần phải đảm bảo một điều quan trọng nhất, đó chính là kết quả công việc, chứ không nên ỷ lại rằng mình được quyền làm việc linh hoạt nên đã lạm dụng chuyện ấy, lơ là, thiếu tập trung, khiến kết quả làm việc sa sút.
>> Vì sao sếp cần trao quyền cho nhân viên cấp dưới?
Làm việc linh hoạt có phải là làm việc tự do không?
Sau khi tìm hiểu định nghĩa làm việc linh hoạt là gì, dựa trên các yếu tố nào, thì bạn sẽ thấy có một số điểm tương đồng với làm việc tự do (freelancer), chẳng hạn như có thể làm việc tại nhà, không cần lên công ty, thời gian làm việc cũng linh hoạt, không nhất thiết phải gò bó 8 tiếng trong giờ hành chính. Nhưng liệu làm việc linh hoạt có phải là làm việc tự do không?
Thật ra, 2 khái niệm này không giống nhau, chúng có nhiều điểm khác biệt mà bạn cần phân biệt rõ để tránh nhầm lẫn, tránh ảnh hưởng không tốt tới quyền lợi của mình khi đi làm. Đầu tiên, về chuyện hợp đồng lao động thì làm việc linh hoạt sẽ ký hợp đồng tương tự như nhân viên đi làm full time chính thức, với thời hạn từ 12 tháng trở lên và được hưởng đầy đủ chế độ đãi ngộ, phúc lợi, bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Lao Động. Tuy nhiên, khi bạn làm việc tự do freelancer, thì hợp đồng ký với công ty thường chỉ là hợp đồng cộng tác viên, với thời hạn ngắn chỉ vài tháng, hết hạn thì ký tiếp, gia hạn thêm, và thường cũng không có chế độ đãi ngộ, bảo hiểm như nhân viên chính thức, vì bạn chỉ đang là cộng tác viên mà thôi, mỗi tháng làm việc xong thì nhận lương là xong, không ràng buộc nhiều với công ty.
Tiếp theo, vì tính chất làm việc tự do, không bị ràng buộc với công ty, nên freelancer hoàn toàn có thể làm cùng lúc nhiều jobs khác nhau, tại nhiều công ty khác nhau và có nhiều nguồn thu nhập khác nhau, tất nhiên, khi đó thì thu nhập ở mỗi công ty cũng sương sương thôi, chứ không nhiều như nhân viên chính thức, nhưng khi cộng tổng tất cả lại thì cũng là một con số đáng kể, và bạn sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân hàng tháng dựa trên tổng thu nhập từ tất cả các nguồn của mình. Còn khi làm việc linh hoạt, bạn sẽ ràng buộc hợp đồng lao động chính thức với công ty, được đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng, nên bạn chỉ được làm việc chính thức tại 1 công ty đó mà thôi, hoặc cho dù bạn muốn nhận thêm job khác thì cũng khó, vì hầu như bạn sẽ không dư quá nhiều thời gian để ôm đồm thêm, dù bản chất bạn đang làm việc linh hoạt, nhưng vẫn phải nhận full các tasks việc, vẫn phải đối mặt với khối lượng công việc chồng chất như nhân viên full time bình thường, mà nhiều khi vì làm việc từ xa, không gặp mặt đồng nghiệp trực tiếp nên thời gian xử lý công việc của bạn có thể sẽ lâu hơn, mất thời gian nhiều hơn thông thường.
Làm sao đảm bảo hiệu quả công việc khi làm việc linh hoạt?
Khi làm việc linh hoạt, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái thấy mình sướng quá, thoải mái quá, công ty cũng chẳng kiểm soát gì nhiều, nên dễ lơ là công việc, lười biếng, mất tập trung, kéo kết quả làm việc đi xuống. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ rằng công ty tạo điều kiện để mình linh hoạt trong công việc, công ty đang đối đã rất tốt với mình, mình đang có đặc quyền thì mình cần phải biết cách sử dụng nó sao cho xứng đáng với sự tin tưởng của công ty, chứ không nên lạm dụng nó để chây lười, biếng nhác làm việc. Vậy làm sao để đảm bảo hiệu quả công việc khi làm việc linh hoạt?
Mấu chốt sẽ nằm ở sự tự giác, sự tập trung và khả năng quản lý thời gian của mỗi người. Đầu tiên, khi bạn được làm việc linh hoạt, thì tự bạn phải xác định rằng mình cần phải làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, dù công ty không kiểm soát chặt chẽ về thời gian, chẳng cần phải chấm công hay check camera xem bạn có ngồi làm việc không, thì bạn vẫn phải tự giác làm việc đàng hoàng, không được để xảy ra trường hợp nói với sếp rằng đang làm việc, nhưng thực tế lại đang ngủ, đang đi chơi, đi ăn, đi cafe,… Tiếp theo, bạn cần đảm bảo sự tập trung, vì không ngồi trên văn phòng, xung quanh cũng chẳng có đồng nghiệp, không có cấp trên giám sát, nên bạn sẽ dễ bị cám dỗ, xao nhãng bởi những chuyện khác, ngồi làm việc một tí lại bấm điện thoại, chơi game, lướt mạng xã hội,… hãy gạt những điều đó sang một bên, đảm bảo rằng mình luôn làm việc trong trạng thái tập trung cao độ. Cuối cùng, một điều quan trọng giúp bạn đảm bảo hiệu quả công việc khi làm việc linh hoạt chính là phải biết cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc vào thời gian biểu sao cho hợp lý, đảm bảo giờ nào việc nấy và tránh bỏ sót công việc.
Bài viết này đã giúp bạn hiểu rằng làm việc linh hoạt là gì, dựa trên các yếu tố nào, có phải là làm việc tự do Freelancer không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Kỹ năng quản lý thời gian thông minh bạn có thể rèn luyện ngay
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.