Tham gia CLB ở trường đại học là điều khá phổ biến và quen thuộc đối với sinh viên, hầu như bạn nào cũng đều từng ít nhất 1 lần tham gia vào 1 CLB mà mình quan tâm. Tuy nhiên, đa số các em chỉ sinh hoạt sương sương thôi, chứ không nghĩ tới chuyện mình sẽ gắn bó ở một mức độ cao hơn, đó là làm ban điều hành CLB. Vì thế, khi tới đợt tìm kiếm ban điều hành/ban chủ nhiệm CLB, thì nhiều bạn cũng lăn tăn rằng mình có nên apply không? Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp xem sinh viên có nên làm ban điều hành CLB/Đội/Nhóm trong trường không?
>> Làm ban điều hành CLB – Trải nghiệm khó quên thời sinh viên
Ban điều hành, ban chủ nhiệm CLB là gì?
Thông thường, khi mới tham gia CLB, sinh viên sẽ ở vai trò cơ bản nhất là cộng tác viên, sau khoảng 6 tháng gắn bó, nếu tích cực hoạt động thì các em sẽ lên thành viên chính thức, hoặc cũng có nhiều CLB tuyển thẳng thành viên luôn, tức là sau khi ứng tuyển thành công thì ngay lập tức mọi người đều là thành viên chính thức. Đó là những vai trò phổ biến trong CLB mà nhiều sinh viên đã trải qua và đã quá quen thuộc.
Ban điều hành, ban chủ nhiệm CLB là một vai trò cao hơn, chức vụ lớn hơn nhưng tất nhiên cũng kéo theo nhiều trách nhiệm hơn, phải quan tâm và đóng góp nhiều hơn. Ban điều hành, ban chủ nhiệm CLB là đầu tàu, dẫn dắt cho CLB đi đúng hướng, ngày càng phát triển vững mạnh hơn và xây dựng được một tập thể đoàn kết, giúp các thành viên được học hỏi, phát triển đúng theo mong muốn và định hướng ban đầu của CLB. Ban điều hành hay ban chủ nhiệm đều có ý nghĩa tương đương nhau, tuỳ từng CLB/Đội/Nhóm sẽ có cách gọi riêng và thống nhất ngay từ khi mới thành lập.
Ban điều hành CLB gồm có các chức vụ nào?
Sau khi tìm hiểu ban điều hành, ban chủ nhiệm CLB là gì, thì nhiều bạn sinh viên cũng lăn tăn rằng trong đó bao gồm các chức vụ nào, để mình nắm rõ và cân nhắc xem nên apply vị trí gì sẽ phù hợp nhất. Số lượng thành viên ban điều hành/ban chủ nhiệm, và các chức vụ kèm theo cũng sẽ khác nhau tuỳ theo cách tổ chức và định hướng riêng của từng CLB/Đội/Nhóm, nhưng thường sẽ xoay quanh các chức vụ sau:
- Chủ nhiệm/Trưởng nhóm: Là người đầu tàu, có vai trò cao nhất trong CLB/Đội/Nhóm.
- Phó chủ nhiệm/Phó nhóm: Là người hỗ trợ cho chủ nhiệm và trưởng nhóm, cũng có vai trò khá cao. Nếu chủ nhiệm/trưởng nhóm chỉ có 1 người duy nhất, thì phó chủ nhiệm/phó nhóm có thể bao gồm nhiều người, mỗi người phụ trách 1 mảng quan trọng theo kiểu chuyên môn hoá để giúp CLB hoạt động một cách vững vàng nhất, chẳng hạn như phó nhóm đối ngoại, phó nhóm chuyên môn,… thường sẽ dao động từ 1-3 phó nhóm tuỳ cơ cấu từng CLB/Đội/Nhóm.
- Trưởng bộ phận/Trưởng ban: Là người đứng đầu 1 ban/bộ phận trong CLB, số lượng sẽ bằng với số ban/bộ phận trong CLB, chẳng hạn CLB có 3 ban, thì sẽ có 3 trưởng ban.
- Phó bộ phận/Phó ban: Tuỳ theo cơ cấu từng CLB có thể sẽ có thêm phó ban, là người hỗ trợ cho trưởng ban/trưởng bộ phận, nếu có thì số lượng cũng bằng với số bộ phận trong CLB.
>> Sinh viên có nên vào ban sự kiện event trong CLB không?
Ban chủ nhiệm CLB có các vai trò, nhiệm vụ gì?
Sau khi nắm rõ ban điều hành/ban chủ nhiệm CLB thường có các chức vụ nào, thì sinh viên cũng đã mường tượng được vai trò riêng của mỗi người. Tức là các vị trí trong ban điều hành không tự dưng mà có, và cũng chẳng sinh ra cho nhiều, cho đầy đủ, mà mỗi chức vụ đều sẽ có những vai trò, nhiệm vụ quan trọng nhất định, để giúp CLB đi đúng hướng, đảm bảo chuyên môn và vững vàng trong từng ban/bộ phận.
Trưởng nhóm/Chủ nhiệm sẽ phối hợp cùng Phó nhóm/Phó chủ nhiệm nắm vai trò dẫn dắt, định hướng và ra quyết định tổng quan, thường sẽ là những người có tầm nhìn bao quát và khả năng ra quyết định chuẩn xác. Còn trưởng và phó từng ban/bộ phận sẽ nắm vai trò quản lý, điều hành ở quy mô từng ban/bộ phận, sao cho các thành viên gắn kết với nhau, cùng học hỏi, tích cực sinh hoạt và phát huy đúng vai trò, nhiệm vụ của bộ phận mình. Ban chủ nhiệm/ban điều hành CLB là một tập thể không thể tách rời, mỗi người sẽ cùng nhau chung tay góp sức giúp CLB ngày càng đoàn kết và phát triển hơn.
Làm ban chủ nhiệm CLB giúp sinh viên học được những gì?
Sau khi hình dung vai trò, nhiệm vụ của ban điều hành CLB, thì sinh viên cũng đã hình dung được độ khó, áp lực và những trách nhiệm khá lớn mà mình sẽ phải đảm nhiệm, gánh vác khi ở vai trò ấy. Tuy nhiên, các em đừng vội nghĩ tới chuyện bỏ qua, không làm ban điều hành cho đỡ mệt, đỡ áp lực, vì thực tế đã có nhiều bạn sinh viên giữ vai trò ban chủ nhiệm CLB và đã học hỏi được rất nhiều điều hữu ích, nếu cho chọn lại thì các bạn ấy vẫn chọn làm ban điều hành. Vậy cụ thể hơn, hãy cùng tìm hiểu xem khi làm ban chủ nhiệm CLB sẽ giúp sinh viên học được những gì?
Tất nhiên các em vẫn sẽ học hỏi, nâng cao được các kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn liên quan tới lĩnh vực hoạt động của CLB/Đội/Nhóm giống như các thành viên còn lại. Tuy nhiên, khi đứng ở vai trò người quản lý, lãnh đạo, thì sinh viên sẽ học hỏi được những điều liên quan tới công việc quản lý như lập kế hoạch, dự trù phương án phát sinh, quản lý tiến độ, báo cáo sau từng chương trình/sự kiện, định hướng phát triển, vạch ra kế hoạch năm, đồng thời, cũng sẽ phát triển, nâng cao được kỹ năng lãnh đạo nhóm/leadership, là một kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng và cần thiết nếu sau này đi làm các em muốn mình có cơ hội phát triển ở các vị trí quản lý, lãnh đạo, bao gồm việc nhìn người, giao đúng việc, giúp các thành viên phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, gắn kết, đoàn kết hơn, và là người trực tiếp đứng ra xử lý mâu thuẫn nếu có giữa các thành viên trong CLB, trong bộ phận mà mình phụ trách.
>> Không tham gia CLB, còn cách nào để sinh viên làm đẹp CV?
Có nên làm ban điều hành CLB/Đội/Nhóm trong trường không?
Sau khi tìm hiểu rất nhiều thông tin xoay quanh ban điều hành CLB/Đội/Nhóm, chẳng hạn như gồm các chức vụ nào, có vai trò, nhiệm vụ gì, học hỏi được những gì, thì mỗi bạn sinh viên sẽ tự cân nhắc, đặt lên bàn cân xem liệu mình có nên làm ban điều hành CLB/Đội/Nhóm trong trường không? Bạn nào cảm thấy rằng mình muốn dành nhiều thời gian cho việc học hơn, hoặc muốn san sẻ thời gian cho việc đi làm thêm nữa, chứ không muốn gắn bó quá nhiều cho CLB, và cũng cảm thấy mình khó lòng chịu được những áp lực, trách nhiệm ở vai trò ấy, thì có thể không tham gia, cũng đâu sao, một thành viên như các bạn khác vẫn có thể đóng góp và tích cực sinh hoạt trong CLB, chứ cũng không nhất thiết phải làm ban điều hành.
Còn bạn nào cảm thấy cực kỳ hứng thú, muốn phát triển ở một vai trò cao hơn, dù trách nhiệm nhiều và mệt mỏi hơn, nhưng rất muốn được thử sức để trau dồi bản thân và đóng góp nhiều hơn cho CLB, muốn có những trải nghiệm không phải ai cũng có được ở thời sinh viên, thì hãy mạnh dạn apply vào ban điều hành/ban chủ nhiệm CLB. Có thể ban đầu các em cũng còn hơi non, chưa phải người quá hoàn hảo, nhưng các anh chị ban điều hành nhiệm kỳ trước thấy được tiềm năng của mình, thì vẫn sẽ cho các em 1 cơ hội ở 1 vai trò trong ban điều hành CLB, rồi sau đó mình cứ tích cực, đóng góp hết mình, thì dần dần sẽ cứng cáp hơn, vừa phát triển năng lực bản thân, vừa có khả năng điều hành, dẫn dắt tập thể ngày càng vững mạnh hơn.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng có nên làm ban điều hành CLB/Đội/Nhóm trong trường không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên nên tham gia bao nhiêu CLB thì hợp lý?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.