Home Hỏi đáp nhanh Sống Cô Lập, Sợ Giao Tiếp Xã Hội Thì Phải Làm Sao?

Sống Cô Lập, Sợ Giao Tiếp Xã Hội Thì Phải Làm Sao?

by Hoàng Khôi Phạm
Sống Cô Lập, Sợ Giao Tiếp Xã Hội Thì Phải Làm Sao?

Càng nhiều bạn bè thì càng vui, càng có nhiều người để tâm sự, trò chuyện, rủ đi ăn đi chơi, đó là quan điểm chung của rất nhiều người. Nhưng không phải ai cũng nghĩ như thế, vẫn có một số người thích cuộc sống cô lập, thấy thoải mái khi ở một mình, họ tự có một thế giới của riêng mình và chỉ cần như thế là đủ. Thậm chí, có những người còn thể hiện rõ rằng mình không thích phải giao tiếp, không thích tới những nơi đông đúc, ồn ào. Vậy sống cô lập, sợ giao tiếp xã hội thì phải làm sao? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!

>> Ngại giao tiếp, hướng nội thì phải làm sao để tự tin hơn?

Sợ giao tiếp xã hội là gì?

Sợ giao tiếp xã hội là một hội chứng ngày càng trở nên phổ biến hơn, họ là những người thích sống một mình, tự cô lập, tác biệt bản thân với mọi người xung quanh. Trừ khi có những việc bắt buộc phải giao tiếp, còn lại thì họ luôn chọn phương án khép mình, không muốn ai xen vào cuộc sống, cũng chẳng bận tâm tới việc trò chuyện, tâm sự với bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình. Nghiêm trọng hơn, khi chuyện sợ giao tiếp xã hội lên một level cao hơn, thì sẽ dẫn tới việc sợ đám đông, sợ tiếp xúc với người khác, cho rằng thế giới ngoài kia nhiều phức tạp, rắc rối, không muốn phải đối diện. Sau khi tìm hiểu sợ giao tiếp xã hội là gì, chúng ta sẽ cùng điểm qua những biểu hiện thường gặp của họ.

Biểu hiện của người sống cô lập, ngại giao tiếp xã hội

Sống cô lập, sợ giao tiếp xã hội là một hội chứng đáng quan ngại, trước khi bàn tới chuyện khắc phục, thì chúng ta sẽ cùng điểm qua một số biểu hiện thường gặp:

  • Luôn thích một mình, cảm thấy thoải mái khi ở một mình, muốn có không gian riêng;
  • Không muốn tiếp xúc với người khác, kể cả người thân trong gia đình cũng hạn chế;
  • Không có nhiều bạn bè, hoặc thậm chí không có bạn bè, không muốn chơi với ai;
  • Trừ các trường hợp bắt buộc phải giao tiếp, chứ sẽ không thích giao tiếp, nói chuyện với ai;
  • Im lặng trong các cuộc trò chuyện, hoặc miễn cưỡng trả lời khi có ai đó gặng hỏi nhiều lần;
  • Thường không hợp tác khi làm việc nhóm, im lặng, không đóng góp ý kiến khi thảo luận;
  • Lầm lì, khó chịu, dễ nổi nóng khi có điều gì không vừa ý, thể hiện qua thái độ chứ ít khi nói chuyện;
  • Thường có suy nghĩ tiêu cực về mọi người, về thế giới xung quanh, cho rằng không ai tốt với mình;
  • Luôn trong trạng thái lo lắng có người sẽ chê bai, bình phẩm, nói lời tiêu cực về mình…

>> Hướng nội có phải là điểm yếu khi xin việc không?

Ngại giao tiếp xã hội có phải là người hướng nội không?

Sau khi điểm qua các biểu hiện thường gặp của người sống cô lập, sợ giao tiếp xã hội, thì bạn sẽ thấy có một số điểm tương đồng với người hướng nội, nhất là những đặc điểm liên quan tới giao tiếp, ngại nói chuyện với mọi người, thích có không gian riêng tư, thoải mái hơn khi ở một mình,… Vậy ngại giao tiếp xã hội có phải là người hướng nội không?

Nếu đã có sự tìm hiểu kỹ về người hướng nội, thì bạn sẽ biết rằng hướng nội là một nét tính cách đặc trưng của nhiều người, đó là điều bình thường, sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới chuyện học tập, làm việc của họ, và cũng không nhất thiết phải cố gắng thay đổi bản thân để trở thành người hướng ngoại. Mặc dù có tồn tại một số điểm chung giữa người hướng nội và người sợ giao tiếp xã hội, nhưng đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, bạn cần phân biệt rõ, tránh nhầm lẫn sẽ dẫn tới những hệ quả không hay, vì sợ giao tiếp xã hội là một hội chứng tiềm ẩn nhiều tác hại, chứ không đơn thuần dừng lại ở một dạng tính cách như người hướng nội. Cụ thể hơn, trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những tác hại khi sống khép mình, sống tách biệt với mọi người, sợ giao tiếp xã hội.

Tác hại khi khép mình, sống tách biệt với mọi người

Nếu nói rằng sống cô lập, ngại giao tiếp xã hội là một dạng bệnh về tâm lý, thì cũng hơi quá, vì nó chưa tới mức được gọi là bệnh, chỉ là trong tư duy, suy nghĩ của những người ấy có nhiều khác biệt với mọi người, và sự khác biệt ấy khiến chúng ta cảm thấy rằng họ kỳ quặc, khác thường. Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà chủ quan, cho rằng chuyện sống cô lập, ngại giao tiếp xã hội là điều bình thường, vì nó cũng có thể sẽ tiềm ẩn nhiều tác hại khôn lường. Dưới đây là một số tác hại thường gặp khi khép mình, sống tác biệt với mọi người:

  • Không có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, khả năng cao sẽ bị mọi người xung quanh xa lánh, rồi lỡ có chuyện gì cần nhờ hỗ trợ, giúp đỡ thì nhìn xung quanh chẳng thấy ai, vì đâu có bạn bè gì;
  • Cản trở chuyện học tập, kéo kết quả học tập đi xuống, vì khi sợ giao tiếp xã hội thì mặc nhiên sẽ không thích học nhóm, chưa biểu bài cũng chẳng biết hỏi ai, rồi trong những lần phải làm tiểu luận nhóm, thuyết trình nhóm thì cũng im lặng, không thảo luận, đóng góp ý kiến, thì làm sao mang lại kết quả tốt được;
  • Khó lòng tìm được việc làm khi thể hiện sự khép mình, rụt rè, sợ giao tiếp xã hội khi đi phỏng vấn;
  • Kéo kết quả làm việc đi xuống, luôn hoàn thành công việc với kết quả thấp hơn mong đợi, vì trở ngại liên quan tới chuyện giao tiếp, và tất nhiên sẽ khó lòng làm tốt những công việc đòi hỏi phải thường xuyên giao tiếp, trao đổi công việc với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác;
  • Ảnh hưởng xấu tới tâm lý, lúc nào cũng trong trạng thái suy nghĩ tiêu cực, sợ hãi mọi người, né tránh mọi việc xung quanh, lâu dần sẽ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, mệt mỏi, suy kiệt,…

>> Suy nghĩ bi quan, tiêu cực tiềm ẩn những tác hại gì?

Sống cô lập, sợ giao tiếp xã hội thì phải làm sao?

Sau khi điểm qua những tác hại của việc khép mình, sống tách biệt với mọi người, thì chắc chắn bạn sẽ không muốn viễn cảnh tồi tệ ấy xảy ra với mình. Nhưng nếu lỡ bạn đang có những dấu hiệu của điều đó thì phải làm sao, sống cô lập, ngại giao tiếp xã hội thì phải làm sao để khắc phục? Đầu tiên, bạn cần phải bình tĩnh và tự hình dung trước rằng để khắc phục điều này thì bạn cần thời gian, cho bản thân mình dần thay đổi, thích nghi, chứ không thể nào bắt ép mình phải thay đổi ngay lập tức, vừa không hiệu quả, vừa khiến bạn cảm thấy áp lực hơn, tiêu cực hơn. Tiếp theo, bạn hãy học cách suy nghĩ thoáng hơn, đa chiều, khách quan và tích cực hơn, tức là khi đứng trước các vấn đề, khi đối diện với mọi người, thay vì lựa chọn cách suy nghĩ tiêu cực, e ngại như lúc trước, thì bạn hãy thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn, rằng mọi chuyện hoàn toàn bình thường, mọi người cũng thân thiện, chứ chẳng ai muốn tìm cách hãm hại mình. Khi đã thoáng hơn trong suy nghĩ, thì bạn sẽ nhẹ đầu hơn, không bị ám ảnh bởi những lo lắng, sợ hãi lung tung nữa.

Lúc đó, bạn sẽ thấy rằng thế giới xung quanh cũng tươi đẹp, những người xung quanh mình đa phần cũng là người tốt, họ có thể giúp đỡ mình, cho mình cảm thấy vui vẻ hơn, giúp cuộc sống trở nên muôn màu muôn vẻ hơn, thay vì chỉ một màn đêm đen tối, cô đơn, lạnh lẽo như khi bạn sống cô lập lúc trước. Dần dần, bạn sẽ cởi mở hơn với mọi người, bắt đầu những câu chuyện hỏi thăm đơn giản, giao tiếp bình thường, hoặc ngồi im lắng nghe cuộc trò chuyện của mọi người cũng được, ít ra thì bạn cũng đã bắt đầu bước chân ra khỏi cuộc sống cô lập như trước rồi. Trong quá trình tiếp xúc với mọi người, có thể bạn sẽ tìm ra được nhiều điểm chung, về sở thích, thói quen, hoặc những chủ đề kiến thức mà đôi bên cũng quan tâm, đó sẽ là những mấu chốt giúp bạn dần hoà nhập với mọi người, có nhiều bạn bè thân hơn, tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái, trọn vẹn hơn, chứ không phải sống cô lập, tự tách biệt với mọi người như trước nữa.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng sống cô lập, sợ giao tiếp xã hội thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Cần chuẩn bị gì trước khi bước ra khỏi vùng an toàn?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích