Home Học tậpChuyện sinh viên Thẻ Tín Dụng & Những Điều Sinh Viên Cần Biết Để Tránh Bị Đổ Nợ

Thẻ Tín Dụng & Những Điều Sinh Viên Cần Biết Để Tránh Bị Đổ Nợ

by Hoàng Khôi Phạm
Thẻ Tín Dụng & Những Điều Sinh Viên Cần Biết Để Tránh Bị Đổ Nợ

Nếu như tầm 10 năm trước, thẻ tín dụng còn khá xa lạ, khiến mọi người dè chừng, không muốn sử dụng, thì thẻ tín dụng hiện nay đang được dùng cực kỳ phổ biến, không chỉ với đối tượng những người đã đi làm, có thu nhập ổn định, mà một số bạn sinh viên cũng mở thẻ với hạn mức thấp để tiêu dùng hàng ngày, mua sắm cá nhân. Mặc dù hạn mức thẻ mở cho sinh viên cũng không cao lắm, và chỉ mở được khi các em chứng minh được thu nhập từ việc có đi làm thêm, nhưng nếu không hiểu rõ & không kiểm soát thì vẫn có nhiều rủi ro phải đối mặt. Dưới đây là những điều sinh viên cần biết về thẻ tín dụng để tránh đổ nợ:

1. Thẻ tín dụng là gì, có phải thẻ ATM không?

Thẻ tín dụng (credit card) là loại thẻ dùng trước, trả sau, do ngân hàng cấp với hạn mức tín dụng tuỳ theo mức thu nhập của mỗi người. Khác với thẻ ATM bình thường là phải nạp tiền vào mới xài, phải có tiền trong tài khoản mới dùng được, thì thẻ tín dụng không cần phải nạp tiền vào, mà sẽ có sẵn hạn mức chẳng hạn như 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu để thoải mái chi tiêu. Mỗi tháng, ngân hàng sẽ báo sao kê số tiền cần phải trả, mình chỉ cần chuyển khoản vào thẻ đó để chi trả đúng hạn là được. Sau khi tìm hiểu thẻ tín dụng là gì, thì nhiều sinh viên cũng tự dưng cảm thấy hoang mang, quan ngại, không biết rằng đây có phải là một hình thức vay tiền ngân hàng không?

2. Thẻ tín dụng có phải là hình thức vay tiền không?

Thẻ tín dụng không phải là hình thức vay tiền trực tiếp, cũng không phải là mình cầm cố tài sản để được vay tiền, mà nó là hình thức ngân hàng xem xét thu nhập của mỗi người để cấp hạn mức thẻ sao cho hợp lý, trong tầm kiểm soát và khả năng chi trả của mỗi người. Khi sinh viên cầm trên tay 1 chiếc thẻ tín dụng, thì sẽ dùng từ tháng này qua tháng khác, miễn sao trong hạn mức cho phép và đóng đủ tiền mình đã chi tiêu hàng tháng là được, chứ không phải mỗi lần xài là mình là phải đi ra ngân hàng, đi chứng minh thu nhập lại từ đầu để được cho vay tiền. Vậy thẻ tín dụng có thu phí hay lãi suất gì không, thường sẽ là bao nhiêu/năm?

>> Sinh viên chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng?

3. Thẻ tín dụng có thu phí/lãi suất không, bao nhiêu?

Khi dùng thẻ tín dụng, đầu tiên, sinh viên phải lưu ý tới phí thường niên. Mặc dù thẻ ATM bình thường cũng có phí thường niên (hoặc phí hàng tháng), nhưng nó thường sẽ thấp hơn, không bao nhiêu, còn với thẻ tín dụng thì sẽ đóng phí thường niên theo từng năm, tuỳ từng loại thẻ sẽ có mức phí khác nhau, thường phí thường niên sẽ dao động trong khoảng 499.000đ – 999.000đ và thường sẽ được miễn phí năm đầu tiên, chỉ bắt đầu đóng từ năm thứ 2 trở đi.

Tiếp theo là lãi suất trả chậm, đây là phần sinh viên cần đặc biệt lưu ý nếu không muốn mình bị nợ nần chồng chất, tức là hàng tháng khi ngân hàng báo sao kê bao nhiêu tiền, thì mình sẽ có khoảng 3 tuần để thanh toán đủ số tiền đó để tránh phát sinh lãi khi thanh toán trễ hạn, mức lãi này thường sẽ khá cao, nhưng nếu các em lưu ý đóng đủ & đúng hạn thì sẽ không bị mất khoản phí này.

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp sinh viên mua sản phẩm/dịch vụ với hình thức trả góp, chẳng hạn như mua thẻ tập gym 20 triệu và trả góp qua thẻ tín dụng, chia nhỏ số tiền đó ra để trả từng tháng, mỗi tháng chỉ tầm 1.500.000đ – 2.000.000đ trong khả năng chi trả của mình, thì lúc này có thể các em sẽ phải mất phí chuyển đổi trả góp, khoảng 5-6%/năm, đây là khoản phí chỉ tính khi thanh toán trả góp, còn nếu sinh viên dùng thẻ nhưng không trả góp gì thì cũng không mất phí này.

4. Sinh viên có thể mở thẻ tín dụng hạn mức bao nhiêu?

Điều tiếp theo mà nhiều bạn sinh viên thắc mắc chính là các em có thể mở thẻ tín dụng hạn mức bao nhiêu? Điều này sẽ linh hoạt theo mức thu nhập các em chứng minh được, ai đi làm thêm lương cao hơn thì mở được thẻ cao hơn, hoặc 1 số bạn có sổ tiết kiệm nhiều tiền thì sẽ mở được hạn mức cao hơn, thường sẽ mở được hạn mức gấp 3 lần so với thu nhập hàng tháng mà mình chứng minh được.

Quy ra số tiền thì sinh viên thường sẽ mở được thẻ tín dụng hạn mức 10-20 triệu, đây là con số nhỏ đối với những ai đã đi làm rồi, cùng lắm chỉ tầm có 2 tháng lương, nhưng đối với sinh viên thì đây là 1 khoản tiền lớn, các em cần phải tỉnh táo và biết cách kiểm soát chi tiêu để tránh việc vung tay quá trớn, xài nhiều quá xong cuối cùng lại mất khả năng chi trả, lúc đó lại phải đi cầu cứu phụ huynh & đương nhiên sẽ bị trách mắng, nhất là khi chuyện mở thẻ tín dụng do các em tự làm, chưa hỏi trước ý kiến của ba mẹ.

>> Sinh viên chi tiêu mỗi tháng 5 triệu là hợp lý hay hoang phí?

5. Xài thẻ tín dụng trả góp mà ngưng giữa chừng được không?

Thật ra, tự bản thân sinh viên khi chi tiêu có chừng mực, biết rằng thu nhập của mình từ việc đi làm thêm mỗi tháng chỉ có 2-3 triệu, mình chỉ xài thẻ tín dụng trong phần tiền đó thôi thì sẽ không sao hết, đây đơn thuần giống như mình thanh toán không dùng tiền mặt, mua đồ ở đâu chỉ cần chạm thẻ là xong, nhanh gọn lẹ, rồi cuối tháng sao kê chuyển trả lại tiền cho ngân hàng. Thậm chí đa số thẻ tín dụng cũng có phần thưởng cashback, hoàn lại tầm 0.5 – 1% khi thanh toán, dù không nhiều nhưng cũng giúp các em lời được thêm 1 khoản tiền nhỏ nếu mình sử dụng thẻ trong số tiền hợp lý.

Tuy nhiên, có 1 điều sinh viên phải biết rõ để tránh bị đổ nợ, đó là nếu xài thẻ tín dụng trả góp mà ngưng giữa chừng được không? Chẳng hạn như sinh viên mua thẻ tập gym 20 triệu, trả góp 12 tháng, thì sẽ cần trả khoảng 1.700.000đ/tháng, cũng bình thường vì các em có đi làm thêm. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng trả góp là ngân hàng đã trả trước cho mình toàn bộ số tiền 20 triệu rồi, nên bắt buộc các em phải thanh toán hết, đủ tiền, đúng hạn, chứ không thể ngừng giữa chừng, không thể nào mới trả được có 6 tháng, trả được phân nửa tiền, cái mình đi nói với bên phòng tập là em không tập nữa, không trả tiền thẻ tín dụng nữa, thì như vậy là không được, cả ngân hàng & phía phòng tập sẽ không hỗ trợ yêu cầu ấy.

6. Làm sao để kiểm soát & dùng thẻ tín dụng trong chừng mực?

Thẻ tín dụng không xấu, nó chỉ là 1 công cụ để mình dùng tiền một cách tiện lợi hơn, và đương nhiên cũng sẽ không phát sinh quá nhiều khoản phí/lãi suất nếu sinh viên chi tiêu trong chừng mực và thanh toán sao kê đúng hạn. Vậy câu hỏi được các em quan tâm chính là làm sao để kiểm soát & dùng thẻ tín dụng trong chừng mực?

Đầu tiên, các em phải ghi nhớ mức thu nhập hàng tháng của mình là bao nhiêu, trừ đi các khoản phí cố định như tiền thuê phòng, ăn uống (nếu mình phụ tiền với ba mẹ thì sẽ phụ khoảng bao nhiêu), sau khi trừ đi thì số tiền còn lại để mình dư dả chi tiêu hàng tháng, để có thể trả tiền thẻ tín dụng là bao nhiêu, chẳng hạn như đó là 1.500.000đ/tháng, thì các em chỉ được tiêu xài trong khoản đó, không nên xài lố hơn. Còn nếu sinh viên muốn dùng thẻ tín dụng để mua sắm/đăng ký dịch vụ trả góp, thì đương nhiên cần hiểu rõ điều mà chúng ta đã nhắc tới ở phần trước, đó là nếu trả góp thì phải trả góp tới cuối cùng, chứ không được dừng giữa chừng, khi đã cân nhắc kỹ & quyết định vẫn trả góp, thì phải tự chịu trách nhiệm, tự trích ra đủ số tiền hàng tháng cho khoản trả góp đó.

Nói chung là khi chưa sử dụng, chưa tiếp xúc thì sinh viên sẽ cảm thấy thẻ tín dụng là 1 điều gì đó nguy hiểm, không nên đụng vào, điển hình là đã có khá nhiều trường hợp sinh viên bị đổ nợ vì chưa hiểu rõ, chưa nắm được những điều cần biết về thẻ tín dụng. Nhưng khi các em đã tìm hiểu, đã nắm rõ về thẻ tín dụng, đã thử dùng được tầm 2-3 tháng thì mình cũng quen, sẽ tự biết cách kiểm soát chi tiêu trong chừng mực, trong khả năng chi trả của bản thân, và cũng tiện lợi khi mình muốn trả góp mà không cần phải ra ngân hàng vay tiền này kia. Hy vọng rằng những thông tin cung cấp trong bài viết này sẽ hữu ích với sinh viên, đã giúp các em hiểu rõ các điều cần biết về thẻ tín dụng để kiểm soát, tránh bị đổ nợ chỉ vì bản thân thiếu kiến thức về hình thức thẻ này.

>> Cách tiết kiệm chi tiêu cá nhân cho sinh viên đại học

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích