Thi trắc nghiệm tưởng như dễ ăn, nhưng cuối cùng lại dễ bị điểm kém? Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống thời gian sắp hết nhưng vẫn còn cả đống câu chưa làm? Hay chọn xong đáp án mà vẫn lăn tăn không biết đúng hay sai dù bản thân có học bài đầy đủ? Tại sao mọi người nói làm trắc nghiệm dễ lấy điểm, mà bạn lại liên tục nhận điểm không tốt? Hãy xem ngay những tips làm bài trắc nghiệm nhanh, điểm cao, đặc biệt là điều cuối cùng!
>> Cách đoán đáp án khi làm bài thi trắc nghiệm
1. Đọc kỹ đề trắc nghiệm và xác định từ khoá
Trắc nghiệm là dạng bài đặc thù mà toàn bộ đề thi sẽ được in ra sẵn, sinh viên sẽ không cần viết thêm gì trừ phần thông tin cá nhân ở đầu bài. Thay vào đó, nhiệm vụ của sinh viên là phải đọc kỹ đề, đảm bảo mình hiểu đúng nội dung được hỏi, và đọc kỹ luôn cả 4 đáp án để có cơ sở phân tích và chọn đáp án chính xác nhất. Tức là chuyện đọc kỹ đề là điều cực kỳ quan trọng khi làm bài thi trắc nghiệm, nếu bạn nào cẩu thả, chủ quan, không chịu đọc kỹ thì rất dễ hiểu sai, làm sai, ra khỏi phòng thi dò bài với bạn bè thì lại tiếc hùi hụi.
Song song đó, có một tips quan trọng khi làm bài thi trắc nghiệm chính là sinh viên phải xác định được các từ khoá quan trọng trong đề bài và đáp án, điều này sẽ giúp các em nhận biết đúng trọng tâm câu hỏi để làm bài nhanh hơn, tăng khả năng hiểu đúng đề, làm bài đúng hướng, tránh các nhầm lẫn hay sai sót không đáng có.
2. Loại nhanh các đáp án sai khi thi trắc nghiệm
Đề thi trắc nghiệm đa số sẽ có 4 đáp án, để tăng khả năng làm đúng, làm nhanh và đạt điểm cao, sinh viên nên ghi nhớ tips này, đó chính là hãy loại nhanh các đáp án sai, những đáp án mà mình chắc chắn là không đúng, vì nó bao gồm 1-2 ý khôngc hính xác, hoặc toàn bộ nội dung đều sai. Khi đã loại được vài đáp án, thì sinh viên chỉ cần dành thời gian đề tập trung phân tích, chọn lựa giữa các đáp án còn lại thôi, giúp các em đỡ bị rối và tăng khả năng chọn được phương án chính xác. Chẳng hạn như 4 đáp án, mỗi đáp án bao gồm 2 thông tin, thì các em có thể loại trừ như sau:
- Đáp án A: Thông tin 1 đúng, thông tin 2 sai -> Loại
- Đáp án B: Thông tin 1 sai, thông tin 2 chưa biết đúng hay sai -> Loại
- Đáp án C: Thông tin 1 đúng, thông tin 2 chưa biết đúng hay sai -> Cân nhắc
- Đáp án D: Thông tin 1 và 2 đều chưa biết đúng hay sai -> Cân nhắc
Vậy là từ 4 đáp án ban đầu, sinh viên đã loại được 2 phương án có ý sai, chỉ còn lại C và D, thì sẽ tăng khả năng chọn đúng đáp án và giúp các em làm bài thi trắc nghiệm nhanh hơn. Giả sử các em không tìm được đáp án cuối cùng, thì việc đánh lụi giữa 2 đáp án vẫn có xác suất đúng tận 50%, cao hơn gấp đôi so với khi đánh lụi 1 trong 4 đáp án ban đầu với xác suất đúng chỉ có 25%.
>> Cách làm trắc nghiệm hiệu quả từ kinh nghiệm của thủ khoa
3. Làm câu dễ trước, câu khó quay lại làm sau
Có một tips làm bài trắc nghiệm mà hầu như sinh viên đã được hướng dẫn từ khi còn học cấp 2, cấp 3, đó chính là hãy ưu tiên làm câu dễ trước, còn câu khó thì cuối giờ nếu còn thời gian sẽ quay lại làm sau. Điều này vẫn đúng khi các em làm bài thi trắc nghiệm ở đại học. Đừng mất thời gian quá lâu để phân vân, suy nghĩ, tìm cách giải ở một câu quá khó, quá phức tạp, hay mình cũng không nhớ rõ, thay vào đó, hãy bỏ qua chúng, cứ làm tiếp câu tiếp theo. Tránh trường hợp cứ đứng ở 1 câu tận 15 phút, sẽ khiến sinh viên không kịp giờ làm bài, tới cuối giờ mà vẫn còn nhiều câu phía cuối chưa đụng tới, chưa từng đọc tới câu đó, trong khi thực tế các em vẫn biết làm và hoàn toàn có khả năng làm đúng.
Ngoài ra, có một tips cũng khá hiệu quả để sinh viên kiểm soát thời gian làm bài, tránh việc tới cuối giờ lại làm không kịp, mất điểm một cách đáng tiếc, đó chính là hãy chia đều thời gian cho mỗi câu hỏi. Chẳng hạn như thời lượng làm bài là 100 phút và đề thi có 50 câu trắc nghiệm, thì trung bình mỗi câu sẽ làm khoảng 2 phút, nếu câu nào đã quá thời gian mà vẫn không nghĩ ra cách làm, không chọn được đáp án, thì xem như đó là câu khó, bắt buộc phải bỏ qua để làm tiếp câu khác, không nên loay hoay ở đó mãi.
4. Bình tĩnh, tránh đổi đáp án nhiều lần
Khá nhiều sinh viên có tâm lý lo lắng, áp lực khi bước vào phòng thi, nhất là với những bạn chưa tự tin về kiến thức môn học của mình, thì sẽ càng run hơn mỗi khi đi thi. Tâm lý này sẽ khiến sinh viên khó lòng tập trung, sẽ dễ bị phân tâm khi đọc đề, tẩu hoả nhập ma khi thấy quá nhiều chữ trong đề thi trắc nghiệm, từ đó sẽ kéo theo kết quả làm bài không tốt, dễ bị điểm kém. Tâm lý bất ổn như thế cũng khiến sinh viên thiếu quyết đoán, phân tích đề một cách thiếu dứt khoát, dễ bị phân vân, đổi đáp án nhiều lần khi làm bài trắc nghiệm, mà chưa chắc đáp án cuối cùng các em chọn lại đúng, lỡ đâu đáp án đầu tiên mới chính xác thì sẽ cực kỳ đáng tiếc. Chưa kể việc thiếu quyết đoán này cũng dẫn tới việc đang làm câu này mà tâm trí vẫn quanh quẩn ở câu trước vì đang phân vân, thì làm sao mà tập trung để làm đúng câu này được?
Vì thế, tips cuối cùng và cực kỳ quan trọng để làm bài thi trắc nghiệm nhanh và chính xác, đó chính là hãy bình tĩnh, phân tích đề kỹ lưỡng, dứt khoát, làm câu nào xong câu đó, đừng quá phân vân rồi đổi đáp án xoành xoạch, ảnh hưởng tới sự tập trung khi làm các câu tiếp theo.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được 4 tips để làm bài trắc nghiệm nhanh, tăng khả năng đạt điểm cao. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Đi thi tuyệt đối đừng mắc 5 lỗi nghiêm trọng này
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.