Cứ ngỡ rằng tốt nghiệp loại giỏi thì luôn được các công ty săn đón, chẳng phải lo sợ thất nghiệp. Nhưng trên thực tế, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trên tay thì chưa chắc các em sẽ có tấm vé vàng để vượt qua các vòng tuyển dụng đâu.
>> 5 sai lầm sinh viên mới ra trường thường mắc phải khi lựa chọn công việc
Tốt nghiệp loại giỏi có giúp làm đẹp CV không?
Đúng là tốt nghiệp giỏi sẽ giúp làm đẹp cho CV, khi ghi điều này vào phần học vấn thì CV của các em sẽ có thêm điểm cộng lớn. Theo kinh nghiệm của anh thì bằng giỏi thường sẽ chiếm đến 40% điểm số khi đánh giá CV của ứng viên, nhưng nếu tốt nghiệp loại giỏi thì chưa chắc sẽ auto đậu vòng CV đâu.
Bên cạnh học vấn thì nhà tuyển dụng còn đánh giá CV dựa trên nhiều tiêu chí khác như mục tiêu, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm (nếu có – đối với sinh viên mới ra trường) và hoạt động ngoại khoá. Đặc biệt, đối với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đa quốc gia thì họ sẽ càng đánh giá CV khắt khe hơn, chứ không đơn thuần chỉ cần tốt nghiệp loại giỏi là sẽ qua được vòng CV.
>> Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường?
Tốt nghiệp loại giỏi vẫn trượt phỏng vấn
Trên thực tế, khi bước vào vòng phỏng vấn thì bằng giỏi chỉ là một tấm bằng, trong thang điểm của vòng phỏng vấn sẽ không có phần điểm nào cho bằng giỏi cả. Thay vào đó, nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra kiến thức chuyên ngành, xem các em có vững kiến thức chuyên ngành chưa, thông qua các câu hỏi về chuyên ngành. Chính vì thế, anh luôn khuyên các em nên ôn kỹ lại kiến thức chuyên ngành trước khi phỏng vấn.
Vậy là bằng giỏi hầu như không liên quan gì đến kết quả phỏng vấn, thay vào đó, kiến thức chuyên ngành mà các em nắm được mới chính là chìa khoá đưa các em vượt qua vòng phỏng vấn. Chính vì thế, tốt nghiệp loại giỏi vẫn có thể trượt phỏng vấn.
>> 5 điều sinh viên mới ra trường cần cân nhắc khi lựa chọn công việc
Bài học kinh nghiệm cho sinh viên mới ra trường
Các câu hỏi phỏng vấn rất đa dạng. Bên cạnh các câu hỏi về kiến thức chuyên ngành, nhà tuyển dụng cũng sẽ đặt ra nhiều câu hỏi phỏng vấn khác nhau để đánh giá xem các em có tìm hiểu kỹ về công việc chưa, có những tố chất nào phù hợp với vị trí tuyển dụng, có những kỹ năng mềm liên quan đến công việc không, có kỹ năng xử lý tình huống như thế nào, có làm việc nhóm tốt không, có khả năng học hỏi không, có cần cù, chăm chỉ không…
Tất nhiên câu trả lời sẽ phụ thuộc phần lớn vào bản thân mỗi người, mình có gì thì trả lời cái nấy, chứ không nên nói dối để hoàn hảo hoá bản thân. Vì nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể hỏi xoáy sâu hơn, yêu cầu các em đưa ra những dẫn chứng cho câu trả lời của mình. Lúc đó, nếu họ phát hiện ra các em nói dối thì xem như sẽ bị loại ngay lập tức, vì không công ty nào chấp nhận một ứng viên thiếu trung thực.
Vậy bài học rút ra cho sinh viên mới ra trường chính là đừng chỉ tập trung vào điểm số, bằng cấp. Mà bên cạnh đó, các em phải nhìn vào những kiến thức chuyên ngành mà mình đã tích luỹ được, rèn luyện ngoại ngữ, kỹ năng mềm… Ngoài ra, để có thể chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn, sinh viên mới ra trường có thể tham khảo cách trả lời hơn 30 câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất. Chúc các em thành công!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.