Home Công việc 5 Sai Lầm Sinh Viên Mới Ra Trường Thường Mắc Phải Khi Xin Việc

5 Sai Lầm Sinh Viên Mới Ra Trường Thường Mắc Phải Khi Xin Việc

by Hoàng Khôi Phạm
5 Sai Lầm Sinh Viên Mới Ra Trường Thường Mắc Phải Khi Xin Việc

Giữ đúng lời hứa, hôm nay anh sẽ nêu ra những sai lầm sinh viên mới ra trường thường mắc phải khi xin việc, sẵn tiện anh nêu ra vấn đề deal lương luôn. Có thể anh viết hơi dài dòng nhưng sợ ngắn hơn thì nhiều bạn không hiểu nên tụi em cố gắng đọc nhé, chỗ nào chưa rõ thì cứ comment hỏi ở bên dưới.

1. CV xin việc kém hấp dẫn

CV là điểm gây ấn tượng đầu tiên về mình trong mắt nhà tuyển dụng, họ chưa gặp mặt, chẳng biết mình là ai nên chỉ có thể nhìn vào 1-2 trang giấy để đánh giá. À, 1-2 trang là chuẩn đó (tốt nhất là 1 trang), chứ có nhiều em làm CV dài quá người ta không đọc đâu, cái nào nổi bật thì mình mới show ra thôi, càng gọn càng tốt, kiểu như ghi ý nào ăn điểm ý đó ấy. Đặc biệt, trong CV các em nên có đủ các phần cần thiết như thông tin liên hệ, học vấn, kinh nghiệm, kỹ năng, thành tích (nếu có) và thông tin người tham khảo.

Trong đó, quan trọng và cần trau chuốt nhất là kinh nghiệm và kỹ năng, sinh viên mới ra trường cần liệt kê chi tiết, trong việc học hay sinh hoạt đội nhóm đều được, nên có số liệu để chứng minh. Ngoài ra, một điểm tối kỵ trong CV là lỗi chính tả, nếu các em ghi mình là người cẩn thận, tỉ mỉ mà trong CV lòi ra 1 lỗi chính tả thì xem như chia tay, nhà tuyển dụng sẽ không còn tin vào bất kỳ điều gì trong CV ấy nữa.

>> Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường?

2. Rải đơn nhầm chỗ

Rải đơn nhầm chỗ cũng chính là một trong những sai lầm sinh viên mới ra trường thường mắc phải khi xin việc. Trước khi bắt đầu rải đơn, các em cần xác định rõ mình thích làm gì, thích làm trong môi trường như thế nào, thích công ty lớn hay nhỏ, nhiều hay ít người, thích giờ giấc linh động hay cố định, thích lương cố định hay có hoa hồng,… Đó là những điều cơ bản nhất để tránh việc mình và nhà tuyển dụng mất thời gian trao đổi với nhau rồi cuối cùng lại đường ai nấy đi.

Tệ hơn, nếu các em chưa xác định được mình thích gì mà chỉ nghĩ đơn giản là “Cứ đi làm đã, làm gì có tiền là được, mình cần học hỏi kinh nghiệm mà” thì các em sẽ không hề thoải mái khi làm điều mình không thích. Chẳng may các em thích giờ giấc cố định, hết 8 tiếng thì về mà lại phải làm ở môi trường tới 7h tối mà mọi người vẫn hăng say làm việc thì sao?

Ngoài ra, chắc chắn các em sẽ không phát huy được hết năng lực với một công việc mà mình không thích chứ chưa nói gì tới việc sẽ học hỏi được kinh nghiệm. Kết quả là trong CV của các em có một vết đen, sau này tìm việc khác nhà tuyển dụng sẽ hỏi tại sao các em nghỉ việc ở chỗ cũ, nếu trả lời là do không thích, không hợp,… thì khả năng họ liều lĩnh tuyển các em sẽ rất thấp vì ai cũng quan tâm và đánh giá cao sự gắn bó của ứng viên.

3. Không đọc kỹ mô tả công việc

Sinh viên mới ra trường thường có tâm lý chỉ cần tìm được việc là mừng rồi, nên sẽ dễ mắc sai lầm là không đọc kỹ mô tả công việc. Công việc nào cũng có những mô tả chi tiết, nếu không đọc kỹ phần này, các em sẽ tốn thời gian đi phỏng vấn vô ích, có khi mới vào ngồi chưa nóng đít đã phải ra về vì phát hiện ra công việc không phù hợp với mình. Trớ trêu hơn, nhiều em đậu phỏng vấn, đi làm được 1-2 hôm mới tá hoả phát hiện ra mình lỡ nhận lời làm việc mình không thích, kiểu như công việc không như mong đợi hoặc công việc quá áp lực hơn mình từng nghĩ.

4. Kỹ năng phỏng vấn kém

Nhiều sinh viên mới ra trường chật vật rải CV cả chục chỗ mà không được đi phỏng vấn, vì thế, khi nhận được cuộc gọi hoặc email mời đi phỏng vấn, các em hãy trân trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng. Hãy chắc chắn rằng mình đã tập dợt đoạn giới thiệu bản thân khoảng 1 phút để nêu ra những điểm mạnh và mục tiêu nghề nghiệp của mình. Đồng thời, trong buổi phỏng vấn, các em phải mang tâm thế thoải mái, không được rụt rè, nói chuyện lắp bắp. Câu hỏi nào khó quá thì bỏ qua, câu cần suy nghĩ thì cứ nghĩ kỹ rồi mới trả lời.

Để tăng thêm điểm cộng, các em nên trả lời câu hỏi bằng những ví dụ thực tế mà trong quá khứ mình từng trải qua. Ví dụ khi được hỏi là em từng làm trưởng nhóm chưa, thay vì trả lời kiểu lý thuyết là dạ rồi, người trưởng nhóm phải biết gắn kết thành viên… thì hãy kể lại một lần làm việc nhóm thành công trong cương vị trưởng nhóm.

Ngoài ra, vào cuối buổi phỏng vấn, các em hãy thể hiện được rằng mình đang quan tâm tới công việc bằng cách đặt những câu hỏi liên quan đến công việc mà mình đang ứng tuyển theo kiểu là em muốn làm tốt nên em cần hỏi kỹ, cần biết mình sẽ làm gì, làm với ai, có làm việc nhóm không,… chứ đừng hỏi những câu về lợi ích bản thân nhiều kiểu như mấy giờ về, có làm buổi tối không, một năm có bao nhiêu ngày phép,…

>> Những điều nên – không nên & cách trả lời 9 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn

5. Sinh viên mới ra trường thường không biết cách deal lương

Lương bổng đối với nhiều người thì rất quan trọng, với anh cũng thế thôi, ai cũng muốn được trả mức lương tương xứng với những gì mình làm được cho công ty. Vì thế, để xác định mức lương phù hợp, mình cần tự đặt ra câu hỏi mình làm được gì cho công ty đó? Cùng một người nhưng ở công ty nhỏ thì họ làm được mức 6 nhưng công ty lớn hơn thì họ mang lại giá trị tới 8 hoặc 9. Vì thế, quy mô công ty có ảnh hưởng tới mức lương.

Ngoài ra, bản thân mỗi người cũng có một giá trị riêng, cùng một công ty, cùng một vị trí, cùng một đợt tuyển dụng nhưng 2 người khác nhau hoàn toàn có thể được trả lương khác nhau. Nói chung, mức lương là sự dung hoà giữa năng lực + quy mô công ty. Thông thường, sinh viên mới ra trường, nếu có học đại học sẽ được trả lương 5-7 triệu, nếu học giỏi và hoạt động đội nhóm năng nổ thì có thể lên 8, hiếm hoi được 9 triệu. Nếu giỏi tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ nào đó mà công ty cần thì từ 9-10 triệu trở lên là chuyện bình thường.

Đưa ra lương thấp quá thì mình lỗ, cao quá thì chẳng ai nhận, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào CV và quá trình phỏng vấn để đánh giá xem mức lương mình đề xuất có thể chấp nhận được hay không nên các em không phải lo, chẳng có mẹo gì đâu, cứ tự tin mà đưa ra mức lương phù hợp thôi.

>> Đừng bao giờ chọn công việc lương thấp


Đọc tới đây chắc lùng bùng đầu óc rồi, những sai lầm này rất khó để khắc phục trong một sớm một chiều, các em nên rèn luyện từng phần một, share về để lâu lâu đọc lại xem mình đã cải thiện được những gì, còn thiếu sót những gì để cải thiện thêm. Chúc các em thành công!

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích