Nếu lỡ kết quả học tập không tốt thì sao? Nếu lỡ tốt nghiệp loại trung bình thì có khó xin việc không? Đó chính là nỗi băn khoăn của không ít sinh viên. Thật sự thì đâu phải ai cũng học giỏi, ra trường cũng sẽ có người tốt nghiệp loại khá, tốt nghiệp loại trung bình. Vậy liệu rằng tốt nghiệp trung bình có phải là một bất lợi lớn khi xin việc? Phải chăng là sẽ rất khó để tìm được việc làm với tấm bằng tốt nghiệp loại trung bình?
Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường?
Để trả lời cho câu hỏi tốt nghiệp loại trung bình có khó xin việc không, thì đầu tiên các em cần phải biết được nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường. Thật ra nhà tuyển dụng không quá đặt nặng về học lực, nếu tốt nghiệp loại trung bình thì các em có thể không ghi vào trong CV. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm liên quan đến công việc và các kinh nghiệm làm thêm mà các em tích luỹ được. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng sẽ quan tâm đến một số yếu tố khác nữa, các em có thể tham khảo chi tiết tại đây. Tức là có nhiều yếu tố để nhà tuyển dụng lựa chọn và đánh giá ứng viên, một trong những tiêu chí đó chính là kiến thức chuyên ngành (có liên quan đến học lực).
Tốt nghiệp loại trung bình có khó xin việc không?
Theo anh thì tốt nghiệp loại trung bình có ảnh hưởng, nhưng không đến mức ảnh hưởng quá nhiều, không đến mức cắt đứt mọi cơ hội việc làm của các em. Khi tốt nghiệp loại trung bình thì các em vẫn có cơ hội tìm được việc làm, nếu các em vững kiến thức chuyên ngành (kiến thức chuyên ngành được phản ánh bởi học lực, nhưng nhiều khi nó cũng không phản ánh hoàn toàn bởi điểm số và học lực, vẫn có một số trường hợp sinh viên tốt nghiệp loại trung bình nhưng vẫn nắm vững kiến thức chuyên ngành thì sẽ vẫn thuận lợi khi xin việc).
Nhưng nếu lỡ như kiến thức chuyên ngành các em cũng chưa vững thì các em phải chủ động tự ôn lại kiến thức, tự rèn luyện các kỹ năng mềm liên quan đến công việc, và nên rèn luyện thêm ngoại ngữ để gia tăng thêm cơ hội cho bản thân. Tức là nếu các em chưa vững kiến thức chuyên ngành thì thật sự là một bất lợi lớn khi xin việc, nhưng không phải là không có cơ hội tìm việc, chỉ là mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn, nỗ lưc nhiều hơn, trau dồi bản thân nhiều hơn để có được cơ hội việc làm.
Ngoài ra, khi các em tốt nghiệp loại trung bình thì nhà tuyển dụng cũng sẽ đặt dấu chấm hỏi về khả năng học hỏi của các em. Họ có thể sẽ nghĩ rằng các em không có khả năng học hỏi tốt, sau này vào công ty làm việc thì họ sẽ mất nhiều thời gian đào tạo (mà nhiều khi đào tạo xong các em cũng không hiểu rõ, áp dụng vô công việc thì lại bị sai sót,…). Bên cạnh đó, họ cũng có thể nghi vấn rằng các em thiếu sự chăm chỉ, thiếu sự cố gắng. Liệu rằng một ứng viên không có sự chăm chỉ thì có thể hoàn thành tốt các công việc mà công ty đưa ra hay không? Vậy nếu lỡ tốt nghiệp loại trung bình thì trong buổi phỏng vấn, các em cần phải làm rõ được các nghi vấn trên, để nhà tuyển dụng không hoài nghi về khả năng học hỏi và sự chăm chỉ của các em nhé.
Sinh viên tốt nghiệp loại trung bình phải làm sao để tăng lợi thế cạnh tranh khi ứng tuyển?
Như anh đã chia sẻ ở trên, nhà tuyển dụng quan tâm đến rất nhiều tiêu chí khi lựa chọn ứng viên, chứ không phải chỉ nhìn vào học lực. Nếu các em tốt nghiệp loại trung bình nhưng lại rất giỏi các kỹ năng mềm liên quan đến công việc, có ưu điểm về ngoại ngữ, có sự tìm hiểu kỹ về ngành, về công ty, về vị trí ứng tuyển, có mục tiêu phát triển lâu dài phù hợp với định hướng công ty (nếu có) thì họ vẫn sẽ cân nhắc cho các em cơ hội.
Ngoài ra, trong buổi phỏng vấn, các em cũng có thể giải thích cho nhà tuyển dụng hiểu rằng học lực trung bình không phản ánh rằng các em chưa vững kiến thức chuyên ngành, bằng chứng là điểm các môn chuyên ngành của các em cũng ở mức khá (nếu sự thật là như thế). Đồng thời, các em cũng có thể thể hiện nguyện vọng rằng mình sẵn lòng học hỏi, sẽ cố gắng hết sức nếu có cơ hội làm việc ở công ty.
Bên cạnh đó, cũng còn một sự lựa chọn khác cho những sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, đó là các em sẵn sàng đi thực tập thêm một thời gian, thực tập không lương cũng được, để mình tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm làm việc, để làm đẹp hơn cho CV của mình. Nhưng hãy lưu ý rằng đi thực tập là để mình học hỏi thêm được những kinh nghiệm thực tế (học hỏi được nhiều điều thật sự), chứ không phải chỉ đi thực tập cho có, để ghi vào CV một cách hình thức đâu nhé.
>> CV không nổi trội thì có nên thực tập không lương để lấy kinh nghiệm?
—
Tóm lại, học lực trung bình sẽ là một trở ngại trong quá trình tìm việc của các em. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng các em sẽ không tìm được việc làm. Vẫn sẽ có những con đường riêng cho các sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, chỉ là những con đường ấy đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, và có thể mình sẽ phải đi chậm hơn các bạn khác một vài bước. Dù sao đi nữa thì các em cũng đừng nản chí, hãy cố gắng hết mình nhé. Chúc cho các em sẽ chọn được hướng đi phù hợp và sớm bắt kịp những người bạn khác.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.