Nhiều sinh viên vẫn còn khá thụ động khi làm việc nhóm, và cũng rất nhiều bạn ngần ngại khi được hỏi có muốn làm nhóm trưởng hay không. Nguyên nhân thì nhiều lắm. Có thể là do các em chưa tự tin vào năng lực của mình, sợ lỡ làm nhóm trưởng mà không hoàn thành tốt nhiệm vụ, khiến cả nhóm bị điểm thấp thì sao. Hoặc cũng có thể các em tự thấy mình đang thua kém một bạn nào đó trong nhóm, cảm thấy bạn đó làm nhóm trưởng sẽ tốt hơn, sẽ xứng đáng hơn. Cũng có không ít sinh viên lại nghĩ rằng mình chưa làm nhóm trưởng bao giờ, ngại phải tiếp xúc với một vai trò mới khi lần đầu làm nhóm trưởng, thôi thì làm thành viên cho lành.
Thế nhưng nếu ngần ngại như thế thì các em sẽ khó lòng tiến bộ, không thể đánh thức được những năng lực tiềm ẩn của bản thân. Biết đâu các em rất có năng lực làm nhóm trưởng nhưng chỉ vì chưa thử làm nên chưa thể phát huy được thì sao? Ngoài ra, sau này đi làm, những ai có kỹ năng làm việc nhóm tốt, từng làm nhóm trưởng, thì cũng sẽ teamwork tốt hơn, được sếp chú ý, trọng dụng hơn đó. Trong bài viết này, anh sẽ chia sẻ trải nghiệm lần đầu làm nhóm trưởng của chính anh, để giúp các em có được cái nhìn cụ thể hơn rằng lần đầu làm nhóm trưởng ở đại học sẽ như thế nào nhé.
>> Trả lời phỏng vấn: Bạn thường giữ vai trò gì khi làm việc nhóm?
Thấy nhóm trưởng được cộng điểm nên làm thử
Lúc trước anh toàn chỉ làm thành viên trong nhóm thôi, phụ trách làm nội dung, thuyết trình hoặc làm slide thuyết trình, chứ chưa làm nhóm trưởng bao giờ. Xong đến một môn học kia, giảng viên nói là nhóm trưởng sẽ được cộng 1 điểm vào bài thuyết trình, vì ham cái 1 điểm đó nên anh làm thử luôn. May là các bạn trong nhóm cũng toàn là bạn thân của mình thôi, nên bọn nó cũng tạo điều kiện để anh thử làm nhóm trưởng lần đầu tiên trong đời.
Lật đật tìm hiểu về công việc khi lần đầu làm nhóm trưởng
Vì là lần đầu làm nhóm trưởng ở đại học, nên anh phải lật đật tìm hiểu ngay xem nhóm trưởng cần phải làm những gì. Lúc trước, khi làm thành viên trong nhóm, anh chỉ nghĩ đơn giản nhóm trưởng là người sẽ phân công công việc cho từng thành viên, rồi tổng hợp lại nội dung bài thuyết trình thôi. Nhưng sau khi hỏi kinh nghiệm từ một đứa bạn của anh, từng có vài lần làm nhóm trưởng, thì mới biết là nhóm trưởng còn phải biết nhìn nhận điểm mạnh của từng người để phân chia công việc, kiểu chọn mặt gửi vàng ấy, chứ không phải là chia việc một cách ngẫu nhiên.
Rồi bạn đó cũng chia sẻ với anh rằng nhóm trưởng còn phải luôn theo sát từng thành viên, để kịp thời nhận ra các vấn đề phát sinh và giúp thành viên trong nhóm kịp thời khắc phục được các vấn đề, tránh việc có vấn đề không kịp khắc phục có thể sẽ khiến nhóm bị trễ deadline. Ui, nghe đến đây là thấy hoang mang, quay cuồng luôn rồi. Rồi anh cũng về nhà tự search Google, đọc thêm một số bài viết về kinh nghiệm làm nhóm trưởng ở đại học, để mình có thể tự tin hơn và làm tốt vai trò mới của mình hơn.
Buổi họp nhóm đầu tiên của nhóm trưởng Khôi
Buổi họp nhóm đầu tiên, anh cực kỳ hồi hộp luôn. Trước đó, anh đã tìm hiểu kỹ nội dung bài thuyết trình, chia nó làm 5 phần. Trùng hợp thay, nhóm anh có 5 người luôn, nên đến buổi họp nhóm thì anh đi thẳng vào vấn đề luôn, nhóm có 5 người, bài có 5 phần, các bạn xung phong chọn phần mà mình thấy phù hợp nhé. Thế là có anh và 2 bạn kia (tạm gọi là bạn A và bạn B) xung phong chọn 3 phần. Còn lại 2 bạn (tạm gọi là bạn C và bạn D)ngần ngại, không biết nên chọn phần nào. Vậy là anh quyết định chia ngẫu nhiên cho 2 bạn đó, và kèm theo lời hứa là trong lúc soạn bài, nếu có những chỗ nào cần hỗ trợ thì các bạn cứ nhắn cho anh.
Rồi đến buổi họp nhóm tiếp theo để thảo luận, tổng hợp nội dung, có một biến cố xảy ra. Đó là phần chuẩn bị của bạn C và bạn D chưa kỹ, mà trong suốt thời gian tìm hiểu thông tin, 2 bạn đó cũng không nhờ anh hỗ trợ gì. Thì ra là vì 2 bạn đó cũng ngại hỏi, vậy là anh rút được kinh nghiệm đầu tiên khi làm nhóm trưởng, đó là mình phải chủ động hỏi thăm và hỗ trợ các bạn, chứ không phải là mình ngồi chờ có ai hỏi gì thì mới hỗ trợ.
>> 14 lưu ý để sinh viên thuyết trình nhóm được điểm cao
Lần đầu làm nhóm trưởng phải xử lý mâu thuẫn trong nhóm
Lúc thảo luận nhóm, 2 bạn A và B xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi, không ai chịu nhường ai, ai cũng cho rằng quan điểm của mình là đúng. Lúc đó, anh cũng chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý mâu thuẫn, nên chỉ khuyên rằng 2 bạn nên bình tĩnh, lắng nghe kỹ quan điểm của đối phương. Đồng thời, chính anh cũng lắng nghe kỹ quan điểm của 2 bạn để có thể cùng nhau phân tích, đánh giá và chọn ra quan điểm, phương án phù hợp nhất. May mà cuối cùng mọi chuyện cũng ổn thoả, sau đó, 2 bạn ấy cũng vẫn làm việc nhóm với nhau như bình thường, chứ không có mâu thuẫn gì với nhau nữa.
Lần đầu làm nhóm trưởng – Không dễ cũng chẳng khó
Nếu mà có ai hỏi anh làm nhóm trưởng ở đại học dễ hay khó, thì anh sẽ trả lời là không dễ, nhưng mà cũng chẳng khó. Vì là lần đầu làm nhóm trưởng, nên chắc chắn chúng ta sẽ không có nhiều kinh nghiệm, có những tình huống bất ngờ, thậm chí là mâu thuẫn xảy ra trong nhóm, đích thân nhóm trưởng phải đứng ra xử lý. Đó là thử thách mà bất kỳ nhóm trưởng nào cũng phải đối mặt, nhưng rồi cũng sẽ vượt qua được. Nó không khó đến nỗi phải khiến các em bó tay, không thể giải quyết.
Mà anh cũng tự cảm thấy mình may mắn, vì lần đầu làm nhóm trưởng diễn ra khá suôn sẻ, mặc dù cũng có một vài thử thách. Anh nghe một số người bạn kể lại lần đầu làm nhóm trưởng của họ cũng có gặp nhiều tình huống éo le hơn, chẳng hạn như không ai chịu làm người thuyết trình, gần đến deadline mà có bạn trong nhóm vẫn chưa nộp bài, không liên lạc được,… Dù trải qua nhiều chuyện “toát mồ hôi” như thế, nhưng mà rồi cuối cùng các bạn ấy cũng vượt qua.
>> Bị run khi thuyết trình trước lớp thì phải làm sao?
Đừng ngần ngại thử sức
Hy vọng rằng sau bài viết này thì các em sẽ không ngần ngại nữa, sẽ mạnh dạn thử sức mình với vai trò nhóm trưởng ở đại học. Không ai giỏi sẵn cả, không ai mà tự dưng có khả năng làm nhóm trưởng tốt đâu, tất cả đều phải trải qua lần đầu tiên thử sức, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng dần dần thì các em sẽ vượt qua và làm tốt vai trò nhóm trưởng của mình. Chúc các em thành công!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.