Sau khi tìm hiểu về cách viết CV ứng tuyển ấn tượng ở chuyên mục Tự Tin Tìm Việc (Tập 2), thì trong tập 3 này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chuyện viết CV bằng Tiếng Anh, giải đáp xem có nên in CV bản giấy đi phỏng vấn để chuyên nghiệp hơn không, và nếu được hỏi khi nào có thể bắt đầu làm việc thì nên trả lời thế nào?
1. Từ vựng thường gặp khi viết CV xin việc bằng Tiếng Anh
Khi lần đầu viết CV xin việc, các bạn sinh viên mới ra trường sẽ có nhiều lăn tăn, thắc mắc, chẳng hạn như có nên in CV bản giấy khi đi phỏng vấn không, hoặc lo lắng chưa biết phải viết thế nào sao cho tối ưu, không mắc các lỗi sai thường gặp. Chưa dừng lại ở đó, một số bạn muốn tăng tính chuyên nghiệp hoặc muốn apply vào các công ty nước ngoài, các em cũng thắc mắc về chuyện viết CV bằng Tiếng Anh thế nào cho chuẩn chỉnh. Liệu rằng mình sẽ viết bằng Tiếng Việt trước, rồi đưa vào Google Dịch, hay là sẽ thực hiện bằng cách nào khác tối ưu hơn? Thật ra, chuyện viết Tiếng Việt trước rồi Google Dịch cũng là cách phổ biến, không có gì sai, hoặc mình tự viết thẳng bằng Tiếng Anh luôn cũng được, mỗi người sẽ tự cân nhắc để chọn xem cách nào tiện và phù hợp với mình nhất.
Dù chọn phương án nào thì cũng có 1 điều quan trọng & là mấu chốt giúp bạn viết được chiếc CV xin việc bằng Tiếng Anh sao cho ổn áp nhất, đó chính là bạn phải nắm được các từ vựng thường gặp, vì đó sẽ là những thông tin bạn ghi trong CV để flex năng lực ngoại ngữ của mình. Đang muốn viết CV Tiếng Anh cho chuyên nghiệp, mà lại dùng sai từ, sai nghĩa, hoặc viết sai chính tả của từ Tiếng Anh đó, thì sẽ bị phản tác dụng. Vì thế, bạn cần đầu tư thời gian để tìm hiểu trước và học thuộc 77 từ vựng thường gặp khi viết CV xin việc bằng Tiếng Anh tại đây.
2. Có nên in CV bản giấy đi phỏng vấn để chuyên nghiệp hơn?
Có nhiều tranh cãi xoay quanh việc đi phỏng vấn đã gửi CV qua mail rồi, thì ứng viên có nên in CV bản giấy để mang theo nữa không? Còn bạn thì sao, quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào?
Hầu như trước khi phỏng vấn, HR đều đã xem qua CV của ứng viên, có thể họ cũng đã in sẵn CV bản giấy hoặc mở trên laptop để xem cũng được, chứ không cần ứng viên phải mang theo CV giấy. Tuy nhiên, để tăng tính chuyên nghiệp & cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người chỉn chu & kỹ lưỡng, thì bạn nên in CV bản giấy rồi mang theo khi phỏng vấn, biết đâu HR sẽ có ấn tượng tốt và cộng điểm.
Nếu quyết định sẽ in CV xin việc, bạn nên in màu, in bản giấy dày cho đẹp một xíu, còn chuyện in 2 mặt hay 1 mặt thì sao cũng được, nhưng thật ra CV chỉ nên gói gọn trong 1 mặt A4, nếu dài hơn thì bạn nên rút ngắn lại. Lưu ý rằng chuyện mang theo CV giấy chỉ giúp bạn tạo ấn tượng tốt hơn một tí, chứ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới kết quả, chuyện đậu hay rớt vẫn phụ thuộc vào năng lực thật sự của mỗi người.
3. Nếu được nhận thì khi nào bạn có thể bắt đầu làm việc?
Nếu được nhà tuyển dụng hỏi rằng khi nào bạn có thể bắt đầu làm việc, thì khả năng cao rằng họ đã chấm bạn, bạn đã thể hiện tốt khi phỏng vấn, và cơ hội trúng tuyển của bạn khá cao. Câu trả lời tối ưu nhất là bạn có thể đi làm luôn trong vòng 1 tuần, có thể là ngày mai, ngày mốt, đầu tuần sau, vì nhà tuyển dụng cũng kỳ vọng ứng viên có thể đi làm luôn, bắt đầu càng sớm càng tốt. Trong trường hợp bạn chưa thể đi làm liền vì còn thời gian bàn giao công việc ở công ty cũ, thì hãy nói rõ với nhà tuyển dụng rằng bạn còn bao lâu nữa thì bàn giao xong, cho họ 1 ngày cụ thể.
Bàn giao công việc là lý do chính đáng để nhà tuyển dụng chờ đợi bạn, nó cũng khiến họ có thiện cảm & đánh giá rằng bạn là người trách nhiệm với công việc, bàn giao đầy đủ chứ không nghỉ ngang. Còn nếu bạn chưa đi làm liền vì các lý do không chính đáng lắm, chẳng hạn như muốn đi du lịch, đi về quê vài tuần, thì khả năng cao rằng phía HR sẽ loại luôn, tìm người khác có thể đi làm sớm hơn. Nếu có dự định đó thì bạn nên đi du lịch, về quê xong, rồi đi phỏng vấn sau, thì sẽ đỡ bị khó xử trước câu hỏi “Khi nào bạn có thể bắt đầu làm việc?”.
4. Thực hư chuyện ma cũ bắt nạt ma mới khi ra trường đi làm
Nhiều bạn sinh viên năm cuối cực kỳ hoang mang khi nghe chuyện ma cũ bắt nạt ma mới, lo rằng khi ra trường đi làm mình cũng sẽ bị chèn ép, gây khó dễ, liệu chuyện đó có thật không? Ma cũ bắt nạt ma mới là chuyện có thật, vẫn còn tồn tại ở một số công ty, nếu xui rủi apply vào môi trường đó, thì sinh viên mới ra trường sẽ cảm thấy rất áp lực, ấm ức, đi làm vài tháng là xin nghỉ. Đó là trường hợp nhân viên cũ gây khó dễ cho người mới vào công ty, tự ý giao cho làm luôn các công việc của họ, khi làm sai thì lại đổ lỗi, hoặc chèn ép khi người mới không nghe lời mình.
Để tránh rơi vào tình trạng ấy, sinh viên mới ra trường nên tham khảo trước các review về công ty mình dự định apply, nếu thấy nhiều red flag thì nên tránh, rồi tìm công ty khác tốt hơn. Hoặc nếu lỡ vào làm ở môi trường đó rồi, thì các em hãy đề cao cảnh giác, tập trung hoàn thành tốt việc của mình, hạn chế để xảy ra sai sót, thì ma cũ cũng sẽ không có lý do để chèn ép, bắt nạt mình.
Hy vọng rằng chuyên mục Tự Tin Tìm Việc (Tập 3) đã giúp bạn biết thêm nhiều thông tin hữu ích xoay quanh chuyện viết CV Tiếng Anh, in CV bản giấy đi phỏng vấn, và nắm được thực hư chuyện ma cũ bắt nạt ma mới khi ra trường đi làm.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.