Phỏng vấn xin việc vẫn luôn khiến chúng ta lo lắng, đau đầu, vì cho dù mình có năng lực tốt, nhưng chưa thể hiện được hết khi ứng tuyển, hoặc chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi phỏng vấn, thì vẫn có khả năng bị trượt. Nếu đang ứng tuyển vị trí kế toán, và đang muốn chuẩn bị thật chỉn chu trước khi bước vào vòng phỏng vấn, thì hãy tham khảo ngay 10 câu hỏi phỏng vấn kế toán thường gặp và gợi ý trả lời:
>> Sai lầm khi giới thiệu bản thân khiến bạn bị trượt phỏng vấn
1. Phỏng vấn kế toán: Hãy giới thiệu về bản thân
Giới thiệu bản thân mặc dù không phải là một câu hỏi, nhưng nó luôn xuất hiện trong tất cả các buổi phỏng vấn, và được đặt ra ngay từ đầu, tạo cơ hội để ứng viên show những điểm mạnh của mình để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đương nhiên trong buổi phỏng vấn kế toán thì bạn cũng sẽ được yêu cầu giới thiệu bản thân ngay từ đầu. Hãy lưu ý giới thiệu một cách ngắn gọn, không quá dài dòng, gói gọn trong khoảng 2-3 phút, nhưng vẫn khéo léo nêu bật được những điểm mạnh liên quan tới công việc, đừng nói huyên thuyên về những điều chẳng liên quan, vì nó có thể khiến nhà tuyển dụng bị rối, hoặc đánh giá rằng bạn đang không phù hợp với vị trí ứng tuyển, vì bạn show ra quá nhiều điểm không liên quan tới công việc. Khi biết chắc rằng sẽ có phần này trong buổi phỏng vấn, thì tất nhiên bạn nên chuẩn bị trước phần nội dung giới thiệu sao cho chuẩn chỉnh nhất, rồi tập dượt cách nói sao cho tự nhiên, lưu loát để tạo ấn tượng tốt nhất.
2. Bạn đã đảm nhiệm những công việc, nghiệp vụ kế toán nào?
Đối với sinh viên mới ra trường đi làm, thì nhà tuyển dụng sẽ không hỏi điều này, thay vào đó sẽ là một số câu hỏi phỏng vấn liên quan tới kiến thức chuyên ngành, chuyên môn bên ngành kế toán mà các em đã được học trên trường, để kiểm tra mức độ tiếp thu và nắm vững của các em đang ở mức độ nào. Còn khi đã ra trường đi làm, đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, thì tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ hỏi rằng bạn đã từng đảm nhiệm những công việc, nghiệp vụ kế toán nào ở những công ty cũ? Khi được hỏi câu này, thì bạn không cần phải liệt kê ra toàn bộ công việc một cách tỉ mỉ, chi tiết quá mức, vì nhà tuyển dụng không có thời gian để nghe hết, mà bạn nên chắt lọc chỉ nói ra những điều liên quan nhất tới vị trí ứng tuyển, những công việc, nghiệp vụ đã được nêu sẵn trong thông tin tuyển dụng, để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình là người có năng lực, thành thạo công việc, và là ứng viên phù hợp mà họ đang tìm kiếm.
>> Thực tập sinh kế toán thường làm những công việc gì?
3. Bạn có kinh nghiệm làm việc với phần mềm kế toán nào?
Tiếp tục là một câu hỏi phỏng vấn liên quan tới nghiệp vụ chuyên môn, rằng bạn có kinh nghiệm làm việc với phần mềm kế toán nào? Thật ra, đây là một câu hỏi được mọi người đánh giá là dễ, đơn giản, vì chỉ cần nói ra những phần mềm kế toán mà mình đã tiếp xúc và biết cách sử dụng thôi, chứ cũng không phải một câu hỏi phỏng vấn quá lắt léo. Khi ở những công ty cũ, mỗi ngày làm việc bạn đều tiếp xúc với các phần mềm kế toán ấy, nên chắc chắn bạn đã biết rất rõ và sử dụng thành thạo luôn rồi, quan trọng là công ty mà bạn ứng tuyển đang dùng phần mềm nào thôi, nếu trùng khớp với nhau thì quá tốt. Hoặc nếu bạn muốn chắc ăn hơn, thì hãy xem trong thông tin tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải sử dụng thành thạo phần mềm kế toán nào, nếu đó là một phần mềm lạ mà bạn chưa từng tiếp xúc, thì hãy thử tìm hiểu trước, cố gắng nắm được cách dùng ở mức cơ bản trước khi tới buổi phỏng vấn, để tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho mình.
4. Khi phát hiện chênh lệch số liệu kế toán, bạn xử lý thế nào?
Đặc thù của ngành kế toán là luôn làm việc với dữ liệu, số liệu, và phải tuân thủ quy tắc chính xác tuyệt đối, không được sai sót, chênh lệch, nếu phát hiện chênh lệch số liệu thì cần phải nhanh chóng xử lý, khắc phục, nhất là trong những biên bản, báo cáo, chứng từ quan trọng. Chính vì thế, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ thường hỏi rằng khi phát hiện chênh lệch số liệu kế toán, bạn sẽ xử lý thế nào? Nếu bạn ngây ngô trả lời rằng nếu chênh lệch nhiều mới xử lý, còn lệch ít sẽ bỏ qua, thì xem như bạn đã vi phạm nguyên tắc tối kỵ của ngành kế toán, vì bất kỳ sai sót, chênh lệch nào dù nhỏ hay lớn thì cũng đều cần phải xử lý, và điều đó thể hiện trách nhiệm của bạn với công việc.
Khi được hỏi câu này, thì bạn cần trả lời rằng mình sẽ tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, dò lại chi tiết từng hạng mục để xem lệch ở đâu, chênh từ lúc nào, rồi sử dụng những nghiệp vụ của bản thân để tính toán, cân đối lại cho chính xác, và sẽ đối chiếu lại một lần nữa để đảm bảo không còn bất kỳ chênh lệch nào.
>> Làm sao để rèn luyện tính cẩn thận, kỹ lưỡng?
5. Phỏng vấn: Bạn có nắm rõ luật kế toán và thuế không?
Đặc thù của ngành kế toán là phải làm đúng luật, đúng theo quy định của nhà nước, để tránh bản thân kế toán viên và doanh nghiệp phải đối mặt với những hình phạt khi vi phạm, làm trái quy định. Chính vì thế, khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ thường hỏi rằng bạn có nắm rõ luật kế toán và thuế không? Tất nhiên, bạn cần phải trả lời là có, và tự tin trả lời, chứ không được ngập ngừng, thể hiện thái độ lo lắng, không chắc, vì khi thấy bạn thiếu tự tin như thế thì nhà tuyển dụng sẽ hoài nghi, cho rằng bạn chỉ mới nắm sơ sơ, chứ chưa rõ luật, và họ sẽ không chọn bạn vì không muốn đối mặt với những rủi ro về luật sau này, khi bị kiểm toán hay bên thuế xuống kiểm tra thì sao? Còn trong trường hợp bạn nắm rõ luật rồi, thì nên nói thêm một ý nữa, đó chính là bạn sẽ luôn tuân thủ đúng các quy định của luật kế toán và thuế, đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng và chính xác, công ty hãy yên tâm khi giao nhiệm vụ cho bạn.
6. Bạn có từng làm việc với bên thuế, ngân hàng, kiểm toán viên?
Sau khi xử lý xong câu hỏi phỏng vấn về luật, thì nhà tuyển dụng cũng có thể sẽ hỏi thêm rằng bạn có từng làm việc với bên thuế, ngân hàng, kiểm toán viên chưa, vì đó là những bên liên quan mật thiết tới kế toán, bạn cần phải có kinh nghiệm làm việc với họ để giúp cho các hoạt động kế toán, quản lý dòng tiền, khai thuế của công ty được diễn ra trơn tru, thuận lợi, không gặp trở ngại gì. Nếu bạn đã từng có nhiều kinh nghiệm làm việc với các bên liên quan này, thì đó sẽ là lợi thế rất lớn khi ứng tuyển vị trí kế toán, còn nếu bạn chưa có kinh nghiệm, thì sẽ hạn chế bớt cơ hội nghề nghiệp, thì bạn cứ ứng tuyển các vị trí thấp hơn, khởi điểm, rồi mình từ từ học, rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc là được.
>> Nhà tuyển dụng có chọn ứng viên theo cảm tính không?
7. Làm sao để bạn đảm bảo các báo cáo kế toán luôn chính xác?
Khi đảm nhiệm công việc kế toán, dù ở bất kỳ vị trí nào, cấp bậc nào, ở công ty nào, thì bạn sẽ luôn phải làm việc với giấy tờ, chứng từ và phải liên tục làm báo cáo. Vì thế, có một yêu cầu quan trọng mà các công ty cực kỳ quan tâm, đó chính là độ chính xác của các báo cáo kế toán. Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ thường hỏi rằng làm sao để bạn đảm bảo các báo cáo kế toán của mình luôn chính xác? Nếu trả lời tốt câu này, thì sẽ là một lợi thế lớn của bạn, còn nếu ngập ngừng, trả lời chưa tốt, thiếu tự tin, thì bạn phải xem lại chính mình, xem liệu kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn và kinh nghiệm của mình có đủ vững chưa, tại sao bản thân vẫn còn chưa tự tin vào khả năng của mình, chưa biết cáhc đảm bảo các báo cáo kế toán luôn chính xác? Hãy rút kinh nghiệm sâu sắc và nhanh chóng tìm cách khắc phục.
8. Phỏng vấn: Bạn có kinh nghiệm làm báo cáo tài chính không?
Báo cáo tài chính là một nhiệm vụ khá phổ biến mà phòng kế toán thường sẽ đảm nhiệm, mặc dù cần tổng kết vào dịp cuối năm, nhưng trong suốt quá trình làm việc, bạn cũng cần phải lưu lại đầy đủ số liệu real time, cập nhật sao cho chính xác và minh bạch nhất, để tới cuối năm làm báo cáo tài chính cũng sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn.
Dù là nhiệm vụ chung của cả phòng kế toán, chứ không phải của riêng ai, nhưng tất nhiên bạn cũng cần phải biết cách làm, để cùng thực hiện với mọi người, chứ đâu thể nào nhìn mọi người làm rồi mình ngồi chơi. Hoặc lỡ những nhân viên kỳ cựu tự dưng nghỉ việc đột ngột, chỉ còn lại bạn thôi, thì tất nhiên bạn phải có nghiệp vụ này để đảm nhiệm, chứ đâu thể bỏ mặc, nhất là khi thời hạn báo cáo tài chính đang tới gần. Chính vì thế, khi phỏng vấn kế toán, có thể nhà tuyển dụng sẽ hỏi rằng bạn có kinh nghiệm làm báo cáo tài chính không, nếu bạn chưa thành thạo nghiệp vụ này, thì hãy nhanh chóng trau dồi để tăng cơ hội việc làm cho bản thân nhé.
>> Kỹ năng quản lý thời gian thông minh bạn có thể rèn luyện ngay
9. Bạn quản lý thời gian thế nào để hoàn thành công việc đúng hạn?
Công việc của kế toán sẽ luôn bận rộn, sấp mặt với đống giấy tờ, sổ sách, chứng từ, đặc biệt là vào dịp cuối năm tài chính, phải chuẩn bị rất nhiều báo cáo, rà soát dữ liệu, cân đối dòng tiền,… lại càng khiến kế toán viên trở nên bận rộn hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công việc, không được để xảy ra sai sót, sai lệch dữ liệu dưới mọi hình thức. Chính vì thế, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi rằng bạn quản lý thời gian thế nào để hoàn thành công việc đúng hạn? Lúc này, bạn cần show cho công ty thấy rằng mình có kỹ năng quản lý thời gian tốt, biết cách linh hoạt sắp xếp công việc, cân đối các đầu việc sao cho giảm bớt khối lượng, tránh bị quá tải. Hoặc trong những lúc bất đắc dĩ, công việc tự dưng kéo tới cùng lúc, thì bạn vẫn biết cách xử lý, hãy tham khảo câu trả lời cụ thể trong phần tiếp theo.
10. Bạn làm thế nào khi bị quá tải, nhiều việc cần xử lý cùng lúc?
Đi kèm với câu hỏi phỏng vấn kế toán ở phần trước, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi thêm rằng bạn làm thế nào khi bị quá tải, có nhiều việc cần xử lý cùng lúc? Đây là một câu hỏi phỏng vấn khá phổ biến, với bất kỳ vị trí công việc nào, chứ không riêng gì kế toán, và hầu như ai cũng cần phải biết cách khéo léo xử lý trường hợp này. Mỗi người sẽ có cách giải quyết khác nhau, thường sẽ xoay quanh chuyện tập trung cao độ, đảm bảo giờ nào việc nấy, không được vừa làm vừa chơi, lo ra, phải tập trung đảm bảo tối ưu thời gian xử lý công việc một cách nhanh nhất có thể. Song song đó, bạn cũng cần phải biết sắp xếp mức độ ưu tiên, việc nào quan trọng hơn, gấp hơn, thì xử lý trước. Bạn cũng có thể nhờ đồng nghiệp hỗ trợ, trợ giúp khi đang quá tải công việc, rồi sau này khi họ bị quá tải thì bạn sẽ hỗ trợ lại, đây là tinh thần teamwork đáng hoan nghênh. Ngoài ra, bạn cũng có thể chia sẻ rằng mình luôn đề cao tinh thần trách nhiệm với công việc, nên khi bị quá tải và cần hoàn gấp, thì bạn luôn sẵn sàng tăng ca, làm thêm giờ để đảm bảo chất lượng công việc và hoàn thành kịp deadline.
Bài viết này đã giúp bạn điểm qua 10 câu hỏi phỏng vấn kế toán thường gặp và gợi ý trả lời. Trong thực tế, bạn cũng có thể sẽ gặp phải những câu hỏi khác nữa, và sự chuẩn bị trước này sẽ giúp bạn tự tin hơn, chứ không phải là văn mẫu để bạn học thuộc lòng rồi trả lời như đang trả bài. Hãy lưu ý để đảm bảo buổi phỏng vấn của mình diễn ra tốt đẹp nhất nhé. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Đi làm bị quá tải công việc thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.