Home Hành trang vào đời 5 Sai Lầm Khiến Bị Trừ Điểm Thuyết Trình – Bạn Có Đang Mắc Phải?

5 Sai Lầm Khiến Bị Trừ Điểm Thuyết Trình – Bạn Có Đang Mắc Phải?

by Hoàng Khôi Phạm
5 Sai Lầm Khiến Bị Trừ Điểm Thuyết Trình – Bạn Có Đang Mắc Phải?

Bị trừ điểm thuyết trình là điều chẳng ai mong muốn, nhưng khi chưa có nhiều kinh nghiệm thuyết trình nhóm thì sinh viên sẽ dễ mắc phải các lỗi sai, khiến bài làm bị điểm kém, đạt kết quả thấp hơn kỳ vọng. Hoặc khi các em sắp phải đối mặt với bài thuyết trình đầu tiên, lần đầu làm chuyện ấy, thì cũng lăn tăn không biết làm sao để tối ưu kết quả, đạt điểm càng cao càng tốt. Hãy cùng điểm qua 5 sai lầm khiến sinh viên bị trừ điểm thuyết trình nhóm, từ đó, bạn sẽ tự rút kinh nghiệm để khắc phục, tránh để mắc phải trong tương lai:

1. Cả nhóm chưa phối hợp tốt khi thuyết trình

Giảng viên và các bạn bên dưới sẽ không biết được rằng cả team đã phối hợp với nhau ra sao trong quá trình chuẩn bị nội dung, tập dượt, thảo luận nhóm, nhưng khi bắt đầu buổi thuyết trình trước lớp, thì mọi người sẽ ngay lập tức nhìn thấy và đánh giá được rằng liệu các thành viên đã phối hợp ăn ý với nhau chưa, hay vẫn còn nhiều lúng túng, người này chưa hiểu ý người kia, thiếu sự liên kết, nội dung rời rạc, phần sau nói không liên quan phần trước, nói một đằng mà slide chạy một nẻo,… 

Đây là sai lầm khá phổ biến khiến sinh viên bị trừ điểm thuyết trình nhóm, vừa phá vỡ mạch cảm xúc, vừa cản trở việc tiếp thu kiến thức, kiểu như các bạn bên dưới đang phải chứng kiến một buổi thuyết trình chắp vá, nội dung lẫn lộn, xem xong cũng chẳng hiểu gì, chẳng tiếp thu được bao nhiêu. Và đương nhiên giảng viên cũng dễ dàng nhận ra lỗi này để trừ điểm thuyết trình của cả nhóm.

2. Bị trừ điểm vì slide thuyết trình thiếu chỉn chu

Nếu lần đầu làm slide thuyết trình, sinh viên sẽ dễ mắc phải rất nhiều lỗi sai khiến bài làm bị trừ điểm, chẳng hạn như chèn vào quá nhiều chữ, trong khi slide chỉ nên chọn lọc các ý chính, keyword quan trọng, trình bày một cách ngắn gọn, trực quan để người xem không bị rối, còn các nội dung chi tiết sẽ được truyền tải thông qua việc thuyết trình.

Hoặc slide được thiết kế một cách chưa chỉn chu, giao diện rối mắt, màu sắc lung tung, thiếu thẩm mỹ, thiếu hình ảnh minh hoạ, thiếu sự mạch lạc, logic. Hoặc tệ hơn, một số sinh viên khi làm thuyết trình nhóm đã sai lầm, chủ quan không dò lại nội dung, để mắc khá nhiều lỗi chính tả trong slide, khi chiếu lên cho cả lớp & giảng viên xem thì sẽ bị đánh giá ngay, kéo theo việc bị trừ điểm. Chính điều này cũng giúp cho việc truyền tải thông tin và thuyết trình bị kém hiệu quả.

>> Cách dùng Canva làm slide thuyết trình nhanh gọn lẹ

3. Sai lầm khi thuyết trình mà thiếu sự tương tác

Khi lần đầu thuyết trình hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm thuyết trình trước lớp, thì sinh viên sẽ dễ mắc phải sai lầm khi cho rằng mình chỉ cần trình bày nội dung, chia sẻ kiến thức cho các bạn khác lắng nghe là đủ. Tuy nhiên, đó chưa phải là đủ, để thuyết trình một cách chuẩn chỉnh thì cần có sự tương tác với người nghe bằng cách đặt câu hỏi cho cả lớp phản hồi, phát biểu, cùng đóng góp cho nội dung thuyết trình, hoặc cuối giờ cũng cần hỏi xem liệu các bạn trong lớp đã hiểu hết chưa, có bạn nào lăn tăn điều gì để nhóm giải đáp thêm không?

Đây là những điều hoàn toàn đơn giản và nhóm nào cũng có thể làm được, chỉ có điều là do các em chưa biết, chưa hình dung được mức độ quan trọng của việc tương tác khi thuyết trình nên đã lỡ bỏ qua, và sai lầm này đã khiến bài làm bị trừ điểm một cách khá đáng tiếc.

4. Bị trừ điểm thuyết trình vì chưa kiểm soát thời gian

Thông thường, giảng viên sẽ giới hạn thời gian cho 1 bài thuyết trình nhóm trong khoảng 60 phút, nếu vượt quá thời gian này thì sẽ bị trừ điểm, hoặc bị cắt giữa chừng, không được tiếp tục trình bày dù vẫn còn một số nội dung chưa nói, chưa thuyết trình tới. Có thể các em cho rằng điều này hơi vô lý, quá khắt khe, nhưng sự thật là để thuyết trình tốt & chuyên nghiệp thì chúng ta cần phải kiểm soát thời gian, nếu thời gian dài thì có thể thong thả, còn thời gian ngắn thì phải rút ngắn nội dung, chắt lọc các ý quan trọng để trình bày cho kịp giờ.

Hãy hình dung thử xem sau này đi làm, có buổi thuyết trình về dự án với khách hàng, đối tác, được quy định gói gọn trong 30 – 45 phút, mà mình lại nói dông dài, khiến vượt quá thời gian, thì sẽ bị đánh giá không tốt, thậm chí có thể bị cấp trên khiển trách, kiểm điểm vì làm mất thời gian của rất nhiều người. Vì thế, ngay từ khi còn đi học, sinh viên nên tập cách kiểm soát thời gian thuyết trình, hãy tập dượt kỹ với cả nhóm để đảm bảo mình làm kịp giờ, không bị lố giờ để tránh bị giảng viên trừ điểm.

>> 4 lý do khiến sinh viên thiếu tự tin khi thuyết trình

5. Sai lầm khi chỉ học phần nội dung thuyết trình của mình

Khi thuyết trình nhóm, sinh viên thường sẽ phân chia vai trò rằng bạn A thuyết trình phần A, bạn B thuyết trình phần B, bạn C phụ trách làm slide,… và dễ mắc phải sai lầm rằng việc ai nấy làm, chỉ quan tâm tới nội dung thuyết trình của mình, chỉ làm phần việc của mình, chứ các thành viên chưa nắm vững toàn bộ nội dung thuyết trình của nhóm. Điều này dẫn tới việc khi giảng viên hỏi lại vào cuối buổi thuyết trình, chọn ngẫu nhiên 1 bạn trong nhóm để hỏi về nội dung bất kỳ trong bài, thì bạn đó ấp úng, không trả lời được, hoặc nói sai kiến thức, thì cả nhóm sẽ bị trừ điểm ngay, sinh viên lưu ý tránh mắc phải sai lầm này, hãy teamwork chặt chẽ để tất cả thành viên đều hiểu bài, như thế mới là thuyết trình nhóm.

Bài viết này đã điểm qua 5 sai lầm thường gặp khiến sinh viên bị trừ điểm thuyết trình nhóm. Trong thực tế, tuỳ từng trường hợp mà còn phát sinh thêm các lỗi khác cũng bị mất điểm thuyết trình, khi các em càng làm nhiều lần thì sẽ càng gặp nhiều trường hợp để rút thêm kinh nghiệm và hoàn thiện kỹ năng thuyết trình của mình hơn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Bị chê thuyết trình kém hấp dẫn thì phải làm sao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích